Theo Reuters, bất chấp những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên, phản ứng dè dặt của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trước vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông nắm quyền cho thấy ông có rất ít lựa chọn để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Theo Reuters, bất chấp những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên, phản ứng dè dặt của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump trước vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông nắm quyền cho thấy ông có rất ít lựa chọn để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Người dân Hàn Quốc theo dõi trên truyền hình về vụ thử tên lửa của Triều Tiên tại nhà ga ở Seoul ngày 12/2. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Các biện pháp phản ứng đang được ông Trump cân nhắc - từ việc áp dụng thêm các lệnh trừng phạt tới việc phô trương lực lượng của Mỹ để tăng cường phòng thủ tên lửa, theo lời một quan chức chính phủ - dường như không khác nhiều so với các biện pháp đối phó với Triều Tiên của người tiền nhiệm Barack Obama.
Thậm chí, ý tưởng tăng cường sức ép với Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên “ngang ngạnh” đã được nhiều chính quyền thử nghiệm và gần như không mang lại kết quả nào.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không cho thấy dấu hiệu giảm bớt sự kháng cự trước tân Tổng thống Mỹ, người đã chỉ trích họ về các vấn đề như thương mại, tiền tệ và tranh chấp trên Biển Đông.
Các biện pháp phản ứng quyết liệt hơn trước các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên có thể sẽ là tiến hành hành động quân sự hoặc tổ chức đàm phán.
Tuy nhiên, cả hai biện pháp này dường như chưa được tính đến, bởi lựa chọn thứ nhất sẽ làm dấy lên nguy cơ chiến tranh khu vực, trong khi lựa chọn thứ hai sẽ bị xem là “phần thưởng” cho hành vi nguy hiểm của Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, không một lựa chọn nào sẽ mang lại thành công nhất định. Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói: “Các lựa chọn của ông Trump là rất hạn chế.”
Những bình luận công khai ban đầu của ông Trump hôm 11/2 về vụ phóng thử cái được cho là tên lửa tầm trung Musudan rất ngắn gọn và thận trọng đến mức ngạc nhiên, so với những phát biểu hùng hồn trước đó về đối thủ khác của Mỹ là Iran, kể từ khi ông nhậm chức hôm 20/1.
Phát biểu với các phóng viên ở Florida với giọng điệu trang nghiêm bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang ở thăm Mỹ, ông Trump nói: “Tôi chỉ muốn mọi người hiểu và biết được rằng nước Mỹ ủng hộ Nhật Bản, một đồng minh vĩ đại của chúng ta, 100%.”
Tổng thống Mỹ đã không đề cập đến Triều Tiên hay bày tỏ bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch trả đũa trước cái mà nhiều người nhìn nhận là nỗ lực ban đầu nhằm thử thách chính quyền mới của Mỹ.
Cố vấn Nhà Trắng Stephen Miller khẳng định trong chương trình “This Week” của kênh ABC rằng tuyên bố ngắn gọn trong một câu của ông Trump là “thể hiện sự đoàn kết” với Nhật Bản.
Phát biểu trên kênh Fox News, ông Miller cho biết chính quyền sẽ giúp đỡ các đồng minh trong khu vực trước “hành vi thù địch ngày một gia tăng” của Triều Tiên.
Không ai có thể phủ nhận rằng Trump sẽ vẫn đăng tải các phát biểu hùng hồn trên Twitter như ông từng làm.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng phát biểu tương đối thờ ơ ban đầu của Trump cho thấy các cố vấn đã thuyết phục ông rằng đừng nên bị mắc bẫy của đối phương, đó là đưa ra những lời đe dọa khó có thể thực hiện được, đặc biệt trong lúc chiến lược đối phó Triều Tiên của ông vẫn đang trong quá trình định hình.
Các cố vấn của Trump nói rằng họ sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn chính sách “kiên trì chiến lược” của ông Obama, mà theo đó sẽ từ từ tăng cường các lệnh trừng phạt và sức ép ngoại giao, và về cơ bản là chờ đợi chế độ Triều Tiên hiện tại chấm dứt.
Tuy nhiên, chính quyền mới của Mỹ vẫn đang rất mơ hồ về cách thức thực hiện điều này.
Giới phân tích cho rằng nguy cơ sẽ gia tăng hơn nữa nếu Triều Tiên thực hiện lời đe dọa phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà có thể bắn tới lục địa Mỹ một ngày nào đó.
Quan chức nói trên cho rằng ông Trump và các cố vấn có thể sẽ cân nhắc các lệnh trừng phạt mới để thắt chặt kiểm soát tài chính, tăng cường các vũ khí hải quân và không quân cũng như các cuộc tập trận chung trên và xung quanh bán đảo Triều Tiên, đồng thời thúc đẩy việc lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Hàn Quốc.
Ông Trump cũng nói rõ rằng Trung Quốc chưa làm đủ các biện pháp để sử dụng ảnh hưởng của họ nhằm hạn chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với Reuters, quan chức nói trên cho biết ông Trump sẽ gia tăng sức ép với Bắc Kinh, nhưng thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ hạn chế trừng phạt Bình Nhưỡng bởi họ muốn tránh gây bất ổn ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, vẫn cần chờ xem liệu chính quyền mới của Mỹ có tiến thêm một bước so với cách tiếp cận của ông Obama hay không, và tập trung vào việc áp dụng các “lệnh trừng phạt thứ yếu” nhằm vào các công ty và thực thể giúp đỡ chương trình vũ khí của Triều Tiên, mà rất nhiều trong số đó đang hoạt động ở Trung Quốc.
Hiện cũng chưa rõ cuộc điện đàm tuần qua của ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó Tổng thống Mỹ đã khẳng định chính sách “một Trung Quốc” từ lâu được Mỹ công nhận, có mang đến sự hợp tác lớn hơn từ Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên hay không.
Harry Kazianis, phụ trách nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, nói: “Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn với Bình Nhưỡng bởi họ là một trong các đối tác thương mại duy nhất của Triều Tiên.”
Riki Ellison - người đứng đầu Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa, một tập đoàn công nghiệp - cho rằng ông Trump nên nhanh chóng tăng cường phòng thủ tên lửa ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản - điều mà chính quyền Obama đã tiến hành hầu hết công tác chuẩn bị.
Ông Ellison nói: “Ông Trump không thể bỏ qua điều này. Nó cần được triển khai nhanh chóng”./.