Báo Đồng Nai điện tử
En

Donald Trump và trọng trách lịch sử "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại"

01:01, 21/01/2017

Ngày 20/1, hàng triệu người trên thế giới đã chứng kiến một trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất của nước Mỹ khi tỷ phú bất động sản Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Ngày 20/1, hàng triệu người trên thế giới đã chứng kiến một trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất của nước Mỹ khi tỷ phú bất động sản Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. 
Tổng thống Donald Trump ký quyết định về thay đổi lớn trong chính sách năng lượng và khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Donald Trump ký quyết định về thay đổi lớn trong chính sách năng lượng và khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, sau những men say của vinh quang và chiến thắng, giờ là lúc ông Trump phải thực hiện trọng trách lịch sử chèo lái con thuyền đất nước để thực hiện cam kết khi tranh cử “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và cử tri có thể dần kiểm chứng sự lựa chọn của mình. 

Ngay sau lễ nhậm chức, ông Trump đã có một số động thái thể hiện chính sách đối nội, đối ngoại của mình như cam kết xóa bỏ các kế hoạch vệ môi trường và chương trình chăm sóc y tế thời Obama, khẳng định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, phát triển tên lửa chống Iran, Triều Tiên… 

Là một chính khách thuộc đảng Cộng hoà đi lên từ giới doanh nghiệp, không quá ngạc nhiên khi chính sách đội nội, đối ngoại của ông Trump thể hiện sự khác biệt với những gì mà cựu Tổng thống Barack Obama đã làm. 

Từ các chính sách kinh tế, thương mại, ngoại giao đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu hay vấn đề y tế, vị tân chủ nhân Nhà Trắng đều cam kết sẽ lật ngược lại những chủ trương của người tiền nhiệm. 

Nổi bật là vấn đề kinh tế, ông Trump chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng việc làm trong nước, xóa bỏ đạo luật tài chính Dodd-Frank, đàm phán lại các hiệp định thương mại... để chấn hưng nền kinh tế. 

Phương hướng sử dụng đòn bẩy thuế của ông Trump cũng khác với người tiền nhiệm Obama khi ông hứa hẹn cắt giảm mạnh thuế không chỉ cho giới trung lưu mà còn cho giới giàu có và các doanh nghiệp, đồng thời đặt mục tiêu tạo ra 25 triệu việc làm trong vòng 10 năm và nâng mức tăng trưởng lên 4%/năm. 

Xét tổng thể, kế hoạch kích thích tài chính của ông Trump được đánh giá có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới trong thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chính sách này có thể làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương mại, gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. 

Ngoài ra, việc giảm thuế ồ ạt có thể khiến sức ép lạm phát gia tăng, qua đó khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ phải đẩy nhanh việc nâng lãi suất cơ bản. 

Ngoài ra, tình hình ngân sách của chính phủ liên bang cũng sẽ ngày càng xấu đi do bội chi ngân sách từ chính sách của ông Trump, khiến nợ chính phủ tăng vọt. 

Trong vấn đề y tế, ông Trump chủ trương thay thế chương trình chăm sóc y tế giá rẻ Obamacare bằng một văn bản khác nhằm tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với chương trình bảo hiểm liên bang, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty bảo hiểm tư nhân. 

Ông đã hối thúc các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Quốc hội ngay lập tức bãi bỏ Obamacare, cho rằng không có lý do cho sự chậm trễ và cần triển khai một kế hoạch thay thế đạo luật trên. 

Cam kết là vậy, song việc bãi bỏ Obamacare không phải là điều đơn giản và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi cả ông Trump và Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát chưa có phương án thay thế tối ưu đối với chế độ dành cho 20 triệu người dân đang nằm trong diện bảo hiểm của Obamacare. 

Bên cạnh giữ nguyên lập trường cứng rắn với một số cam kết trước đó, trên thực tế ông Trump cũng có xu hướng dịu giọng hơn trong một số vấn đề nhất định sau khi đắc cử. 

Đơn cử như vấn đề nhập cư, thay vì cam kết trục xuất “từng người một” trong số 11 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ, ông Trump đã giới hạn việc trục xuất 2 triệu người nhập cư bị coi là “tội phạm.”

Trang web chính thức của ông cũng không nhắc đến cam kết “cấm cửa” hoàn toàn người Hồi giáo vào Mỹ, mà chỉ đề cập đến việc hủy thị thực “ở những nơi không thể kiểm tra đầy đủ.”

Hay như trong vấn đề năng lượng, ông Trump cho biết đã có cách nhìn khác, cởi mở hơn đối với hiện tượng biến đổi khí hậu và “không thành kiến” với thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. 

Trong lĩnh vực đối ngoại, trái ngược với một Tổng thống Obama luôn hướng tới mục tiêu đánh bóng hình ảnh và khôi phục lại vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, ông Trump lại chủ trương rũ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm sự can thiệp bên ngoài để tập trung chú trọng tăng cường nội lực, từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn và sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi. 

Chủ tịch tổ chức Eurasia Group Ian Bremmer nhận định ông Trump coi sự hợp tác quốc tế hoàn toàn như các cuộc giao dịch, và “nếu không mang lại một lợi ích ngắn hạn và rõ ràng cho Mỹ... thì đấy không phải là điều Mỹ nên theo đuổi.”

Những phát biểu gần đây của ông Trump đã phần nào hé lộ những định hướng nổi bật trong chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền mới. 

Ông gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời,” đồng thời kiên quyết yêu cầu các nước đồng minh cần làm tròn phần việc của mình và đóng góp tài chính một cách công bằng cho quốc phòng​-an ninh. 

Ông cũng có cách tiếp cận gai góc hơn đối với các hiệp định thương mại tự do so với chính quyền Obama khi tuyên bố tái đàm phán các thỏa thuận này. 

Việc công khai ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và mong muốn nhanh chóng đạt thỏa thuận thương mại với London cũng cho thấy chương trình nghị sự của chính quyền mới sẽ không dành ưu tiên mạnh mẽ cho việc tăng cường quan hệ thương mại với EU với tư cách một khối thống nhất như chính quyền tiền nhiệm đã làm. 

Bên cạnh đó, ông cũng giữ nguyên lập trường sớm loại bỏ thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama đã đạt được với Iran, thậm chí sẵn sàng khai hỏa ở vùng Vịnh nếu Tehran thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ. 

Một điểm nổi bật nữa trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Trump là tìm kiếm mối quan hệ tốt hơn với Nga thay vì đối đầu. 

Ông đã đưa ra đề xuất chấm dứt lệnh trừng phạt Nga nếu đạt được thỏa thuận về cắt giảm vũ khí hạt nhân với Tổng thống Vladimir Putin, cũng như nếu Moskva giúp đỡ Washington trong cuộc chiến chống khủng bố và đạt được các mục tiêu quan trọng khác. 

Giới phân tích nhận định đề xuất trên cho thấy ưu tiên của ông Trump trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm cải thiện quan hệ với Nga, qua đó làm dấy lên hy vọng về bước tiến quan trọng trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân. 

Trong khi đó, đối với Trung Quốc, chính sách ngoại giao của ông Trump cũng đi ngược với các đời tổng thống Mỹ trước đây vốn luôn theo hướng hạn chế tối đa khả năng xảy ra xung đột. 

Ông tuyên bố đóng cửa biên giới với các hàng hóa Trung Quốc hoặc áp thuế cao đối với các mặt hàng này. 

Ngoài ra, việc ông Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn và sau đó đặt câu hỏi về việc duy trì chính sách "Một Trung Quốc" được giới chuyên gia nhận định là tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng với Trung Quốc. 

Dẫu vậy, một khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khác nhau hơn là những điều mà ông đã đề cập tới trong chiến dịch tranh cử hay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. 

Do đó, việc doanh nhân-chính khách này điều chỉnh lại lập trường đối với một số vấn đề hoàn toàn có khả năng xảy ra. 

Chuyên gia Blaise Misztal thuộc Trung tâm chính sách lưỡng đảng ở thủ đô Washinton nhận định chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ xuất hiện như một sự hội tụ của 3 nhân tố là các sự kiện quốc tế bất ngờ, các chính sách ông đã phác họa trong chiến dịch tranh cử và những lời cố vấn của đội ngũ an ninh quốc gia của ông. 

Với những quan điểm và lập trường khác biệt với người tiền nhiệm Obama trong nhiều vấn đề, chắc chắn nước Mỹ sẽ có nhiều thay đổi dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump. 

Liệu đó là sự thay đổi tích cực hay theo chiều hướng tiêu cực? Liệu ông Trump cùng các cộng sự có hoàn thành trọng trách lịch sử và đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ? 

Và liệu mục tiêu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” có thể được hiện thực hóa? Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho những vấn đề trên./. 

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều