Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ thừa nhận mất ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh

02:04, 30/04/2014

Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ John Kelly, cho rằng việc chính phủ Ecuador trục xuất 20 nhân viên của ''Nhóm quân sự'' làm việc tại Đại sứ quán Mỹ là một bằng chứng của việc Washington mất ảnh hưởng tại quốc gia Nam Mỹ này và tại Mỹ Latinh nói chung.

Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ John Kelly, cho rằng việc chính phủ Ecuador trục xuất 20 nhân viên của ''Nhóm quân sự'' làm việc tại Đại sứ quán Mỹ là một bằng chứng của việc Washington mất ảnh hưởng tại quốc gia Nam Mỹ này và tại Mỹ Latinh nói chung.

Điều trần ngày 29/4 trước Hạ viện Mỹ về cuộc chiến chống ma túy, ông Kelly khẳng định hành động của Ecuador cho thấy sự mất ảnh hưởng nói chung của Washington tại Mỹ Latinh bởi ''nhiều lý do khác nhau.''
Tổng thống Correa khẳng định sự hiện diện của binh sĩ Mỹ vi phạm chủ quyền của Ecuador (Ảnh: Phủ tổng thống Ecuador)
Tổng thống Correa khẳng định sự hiện diện của binh sĩ Mỹ vi phạm chủ quyền của Ecuador (Ảnh: Phủ tổng thống Ecuador)
Theo vị tướng trên, Quito quay lưng với Mỹ để quan hệ với các đối tác như Venezuela, Nga hoặc Trung Quốc.

Ông cho rằng các nhân viên của Bộ chỉ huy phương Nam làm việc tại Đại sứ quán Mỹ bị đuổi là các chuyên gia hợp tác với chính phủ Ecuador trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy, một ''vấn đề thực sự tại Ecuador.''

Tháng giêng năm nay, chính phủ Ecuador tố cáo sự hiện diện của 50 nhân viên tại Văn phòng hợp tác an ninh trực thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Quito–được biết với cái tên ''Nhóm quân sự,'' và cho biết không chấp nhận số lượng đông như vậy.

Cùng ngày, phát biểu với báo giới tại thủ đô Quito, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho biết từ 50 người, gồm cả nhân viên quân sự và dân sự, nhóm trên đã giảm xuống 20 người và trên nguyên tắc những người này có hạn chót để rời Ecuador vào ngày 30/4.

Nhà lãnh đạo cánh tả này tuyên bố sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ Ecuador là điều không thể chấp nhận được vì vi phạm chủ quyền quốc gia. Ecuador đặt vấn đề chủ quyền lên trên sự hợp tác an ninh với Mỹ.

Tháng 12/2013, Tổng thống Correa yêu cầu Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế của Mỹ (Usaid) tạm ngừng hoạt động tại Ecuador sau khi cáo buộc cơ quan này can thiệp chính trị.

Sau khi lên cầm quyền năm 2007, người đứng đầu nhà nước Ecuador không gia hạn cho Mỹ thuê căn cứ quân sự Manta.

Năm 2012, Quito làm Washington bất bình và thất vọng sau khi cấp quy chế tỵ nạn cho Julian Assange, người sáng lập trang mạng WikiLeaks và phát tán hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao bí mật của Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patiño cho biết nước ông không coi nhẹ hoặc từ chối hợp tác an ninh với Mỹ, tuy nhiên có điều là Văn phòng hợp tác an ninh quen thiết lập ''quan hệ trực tiếp với các đồng nghiệp Ecuador'' mà không thông qua đường ngoại giao.

Theo ông, Ecuador quan tâm tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ, tuy nhiên quan hệ này phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và không có sự áp đặt.

Ông cũng cho hay cuộc đối thoại với Mỹ ''có tiến triển'' và khẳng định việc đóng cửa Văn phòng hợp tác an ninh của Mỹ không ảnh hưởng tới công việc chuẩn bị cho chuyến thăm Quito của Ngoại trưởng John Kerry mà hai bên đang tiến hành./.
(VIETNAM+)
 

 

Tin xem nhiều