Ngày 21/1, Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan cho biết cơ quan này sẽ gửi thư kiến nghị đến Tòa án Hiến pháp nhằm yêu cầu tòa án này can thiệp bằng cách ra phán quyết về việc có hoãn cuộc bầu cử vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới hay không.
Ngày 21/1, Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan cho biết cơ quan này sẽ gửi thư kiến nghị đến Tòa án Hiến pháp nhằm yêu cầu tòa án này can thiệp bằng cách ra phán quyết về việc có hoãn cuộc bầu cử vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/2 tới hay không.
Dự kiến đề nghị trên sẽ được gửi đến tòa án trong ngày hôm 22/1.
Người biểu tình phản đối chính phủ ở Bangkok ngày 21/1. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở tỉnh Pathumwan, lân cận thủ đô Bangkok, ông Puchong Nutrawong, Tổng thư ký Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan nói: “Các thành viên Ủy ban bầu cử đã nhất trí trình thư kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp để đề xuất được phép ấn định tổ chức bầu cử vào một thời điểm khác.”
Theo ông Puchong Nutrawong cho biết sở dĩ Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan đề xuất hoãn bầu cử vì hiện có tới 28 khu vực bầu cử không thể tổ chức bầu cử. Điều này sẽ khiến không đủ số lượng nghị sỹ theo yêu cầu là cần phải đạt 95% để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện.
Cơ quan này không muốn lãng phí khoản ngân sách 3,8 tỷ bath để chi cho công tác tổ chức bầu cử. Ngoài ra, hiện thiếu khoảng 50.000 người giám sát tại các hòm phiếu. Theo luật lệ bầu cử Thái Lan, mỗi điểm bỏ phiếu phải có ít nhất chín người giám sát. Nếu điều này không được đáp ứng, tòa án có thể đưa ra quyết định hủy bỏ bầu cử.
Ông Puchong Nutrawong cũng cho biết mặc dù đề xuất hoãn bầu cử nhưng trong thời gian chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp về vấn đề này Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục xúc tiến các công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử này.
Động thái trên của Ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan diễn ra ngay sau khi chính phủ Thái Lan thông báo quyết định áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và các tỉnh lân cận trong thời hạn 60 ngày.
Lệnh tình trạng khẩn cấp chính thức có hiệu lực kể từ ngày hôm nay 22/1 nhằm siết chặt an ninh và ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia tăng đặc biệt tại khu vực thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, giới truyền thông Thái Lan đưa tin rằng quân đội không ủng hộ việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp với lý do những vụ bạo lực vừa qua là do một nhóm chuyên gây rối tạo ra.
Mặt khác, quân đội Thái Lan cũng lên tiếng báo động về khả năng xảy ra thêm bạo lực tại các điểm biểu tình sau khi lực lượng chức năng phát hiện có vũ khí và vật liệu nổ đang được chuyển vào Bangkok.
Theo giới chức quân đội, số vũ khí bị phát hiện này đang được tuồn vào thủ đô để “thực hiện ý đồ đen tối” trong lúc tình hình đang lộn xộn. Thông tin này đã làm gia tăng thêm những lo ngại về cuộc xung đột chính trị hiện nay.
Trong ngày 21/1, ngày thứ chín của chiến dịch phong tỏa các hoạt động kinh tế, xã hội của Bangkok, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã trực tiếp xuống đường để thuyết phục người dân thủ đô ủng hộ cho việc lật đổ cái ông này gọi là "chế độ Thaksin."
Ông này đã tuyên bố rằng người biểu tình sẽ giành chiến thắng trước khi cuộc bầu cử ngày 2/2 tới diễn ra bởi phần lớn các cơ quan chính quyền ở miền Nam đã bị người biểu tình phong tỏa và chiếm giữ.
Ông Suthep cũng đang kêu gọi người nông dân trên toàn quốc đứng về phía mình, với hứa hẹn họ sẽ được thanh toán các khoản nợ trong chương trình trợ giá gạo ngay khi phong trào biểu tình thực hiện được mục tiêu buộc chính phủ từ chức.
Hiện tại nông dân ở các tỉnh miền Bắc, Đông Bắc và miền Trung Thái Lan đã tiến hành phong tỏa một số tuyến đường cao tốc để đòi lại số gạo mà họ đã chuyển cho chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Chính phủ Thái Lan đang cần hơn 100 tỷ bath để trang trải cho người nông dân tham gia chương trình trợ giá gạo gây nhiều tranh cãi./.
(TTXVN)