Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông AKP Mochtan nhận định rằng việc kết nối mười nước thành viên ASEAN vào một cộng đồng vào năm 2015 là một nhiệm vụ đầy tham vọng và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, hiệp hội phải đối mặt với một số thách thức nhưng cũng cần xem đây là những cơ hội để kết nối và tham dự vào khu vực.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông AKP Mochtan nhận định rằng việc kết nối mười nước thành viên ASEAN vào một cộng đồng vào năm 2015 là một nhiệm vụ đầy tham vọng và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, hiệp hội phải đối mặt với một số thách thức nhưng cũng cần xem đây là những cơ hội để kết nối và tham dự vào khu vực.
Phó Tổng thư ký ASEAN AKP Mochtan. (Ảnh: Vietnam+) |
Tại một hội nghị về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế châu Á do Học viện Năng lực Cạnh tranh thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) của Singapore tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, Phó Tổng Thư ký ASEAN đã điểm lại một số thách thức mà ASEAN phải đối mặt nhưng cũng có thể xem là cơ hội để hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Ông AKP Mochtan nói: Với việc ASEAN đang hướng tới một tổ chức dựa trên luật lệ và thời điểm để hiện thực hóa mục tiêu Cộng đồng ASEAN đang tới gần, các nước thành viên cần phải xúc tiến phê chuẩn các hiệp định ASEAN và biến các cam kết khu vực thành kế hoạch quốc gia và hành động của mình. ASEAN cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình này thông qua việc xây dựng năng lực và và chia sẻ thông tin cũng như thông lệ ở cấp quốc gia để thực hiện cơ bản các thỏa thuận và các chương trình của ASEAN.
Theo ông, cần phải có hành động cương quyết hơn để đảm bảo rằng các cam kết khu vực được phản ánh trong luật pháp, chính sách và hoạt động của các quốc gia. Điều này đòi hỏi phải sửa đổi pháp luật trong nước để gắn kết lợi ích chính trị quốc gia với mục tiêu lâu dài của ASEAN.
Ngoài ra, ASEAN cần tiếp tục tăng cường phối hợp, đặc biệt là đối với các vấn đề cần có sự tham gia của các cơ quan liên ngành để giải quyết như vấn đề quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo thì theo quy định của Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) lại liên quan tới quốc phòng và các cơ chế an ninh khác. Quản lý biên giới liên quan tới các cơ quan thuộc ngành an ninh, xuất nhập cảnh, hải quan và kiểm dịch, và đây cũng là một vấn đề trong Kết nối ASEAN. Các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và an ninh lương thực cũng đòi hỏi có cách tiếp cận tổng thể của nhiều ngành. Vấn đề xóa đói giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới và các nhóm dễ bị tổn thương nên được nhìn từ một góc độ toàn diện hơn.
Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN, kết quả của một cuộc khảo sát về những nỗ lực trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN được tiến hành gần đây tại thủ đô các nước thành viên ASEAN cho thấy mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp và công chúng nói chung về ASEAN còn khá hạn chế. Vì thế, cần phải tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, và công chúng tham gia vào các hoạt động của ASEAN để qua đó họ hiểu hơn về ASEAN và ủng hộ, tin tưởng và tham gia nhiều hơn vào ASEAN, giúp cho việc thành lập một Cộng đồng ASEAN thực sự vì dân.
Phó Tổng Thư ký ASEAN cũng cho rằng sự đa dạng và khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, hệ thống chính trị, tôn giáo và mức độ phát triển cũng là những thách thức của ASEAN và một số thách thức có thể làm chậm hoặc thậm chí cản trở quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Vì thế, nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay của ASEAN là tập trung xúc tiến việc thực hiện các mục tiêu còn lại của Cộng đồng ASEAN 2015.
Bên cạnh đó, trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau và phụ thuộc vào nhau, ASEAN không thể không bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về mặt chính trị, an ninh và kinh tế của các khu vực khác. Do đó, ASEAN cũng phải tiếp tục tìm cách tăng cường các cơ chế hiện tại và thực hiện các sáng kiến để tự vệ, tránh ảnh hưởng của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở khu vực cũng như trên thế giới./.