Hơn 50 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và các đồng minh đã bị ngăn chặn kể từ năm 2001 nhờ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, trong đó có âm mưu cho nổ tung Sở giao dịch chứng khoán New York.
Hơn 50 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ và các đồng minh đã bị ngăn chặn kể từ năm 2001 nhờ chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ, trong đó có âm mưu cho nổ tung Sở giao dịch chứng khoán New York.
Tướng Keith Alexander.
Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), Tướng Keith Alexander, hôm qua đã lên tiếng bảo vệ chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ, vốn đang bị chỉ trích, trong cuộc điều trần trước các thành viên của Ủy ban tình báo hạ viện.
Ông Alexander, cũng là chỉ huy Bộ tư lệnh không gian mạng của Mỹ, cho hay chương trình theo dõi internet và điện thoại của NSA đã có tác dụng lớn đối với "an ninh quốc gia và các đồng minh của chúng ta" trong việc chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố.
"Trong những năm gần đây, các chương trình này, cùng với các thông tin tình báo khác, đã giúp bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi các mối đe dọa khủng bố trên toàn cầu, trong đó giúp ngăn chặn hơn 50 âm mưu tấn công khủng bố kể từ sự kiện 11/9/2001", ông Alexander nói.
Các âm mưu bao gồm một kế hoạch chưa được tiết lộ trước đó nhằm cho nổ tung Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), ông Alexander nói thêm.
Ông Alexander nói với Ủy ban tình báo hạ viện rằng hầu hết các thông tin chi tiết về các âm mưu trên là tối mật và không được tiết lộ với công chúng.
Nhưng trong một nỗ lực nhằm đạt được sự ủng hộ chị trị cho các chương trình theo dõi, chi tiết của 4 âm mưu, trong đó có âm mưu tại NYSE, đã được công bố.
Trong cuộc điều trần hôm qua, ông Alexander, phó giám đốc FBI Sean Joyce và các quan chức khác đã bảo vệ chương trình do thám mà họ khẳng định là giúp nước Mỹ trở nên an toàn từ năm 2001.
Tướng Alexander đã miêu tả 4 âm mưu, bao gồm một kế hoạch đánh bom đường tàu điện ngầm New York mà ông gọi là "âm mưu quan trọng đầu tiên của al-Qaeda kể từ vụ 11/9, được chỉ đạo từ Pakistan".
Ông Alexander cũng lưu ý rằng các vụ tấn công 11/9/2001 xảy ra một phần là do "thất bại của chính phủ trong việc xâu chuỗi các thông tin này".
Phó giám đốc FBI Sean Joyce cho biết thêm một tin báo từ NSA, cơ quan theo dõi các cuộc điện thoại quốc tế từ các nghi phạm khủng bố tới thành phố Kansas, đã giúp FBI nhận được lệnh của tòa án nhằm bắt đầu theo dõi công dân Mỹ Khalid Ouazzani.
FBI sau đó xác định rằng Ouazzani đã cung cấp thông tin và hỗ trợ một âm mưu nhằm đánh bom NYSE và sau đó bắt giữ tên này và các đồng phạm.
Vào tháng 5/2010, Ouazzani đã thừa nhận tội âm mưu cung cấp sự hỗ trợ về mặt nguyên liệu cho al-Qaeda, nhưng FBI không đề cập tới âm mưu đánh bom NYSE vào thời điểm đó.
Chương trình theo dõi của chính phủ Mỹ được tiết lộ hồi tuần trước sau khi cựu kỹ thuật viên CIA Edward Snowden cung cấp các thông tin chi tiết các các chương trình này cho báo giới.
Hiện Snowden đang trú ẩn ở Hồng Kông và chính phủ Mỹ đang tìm cách bắt giữ anh này.
Theo AP, AFP