Cuối cùng thì Ban lãnh đạo của M.U cũng đưa ra quyết định sa thải huấn luyện viên (HLV) Erik ten Hag. Đây được xem là điều không thể tránh khỏi khi M.U rơi xuống hạng 14 Giải Ngoại hạng Anh và chưa giành được trận thắng nào tại Europa League.
Man Utd đã quyết định sa thải HLV Ten Hag sau khi Man Utd thua West Ham (Ảnh: Getty). |
Tháng 6-2022, HLV Erik ten Hag rời Ajax để chuyển đến một sân khấu lớn hơn mang tên Old Trafford. Với những gì đã làm tại Ajax, HLV Ten Hag được kỳ vọng sẽ giúp M.U tìm lại vị thế của một đội bóng lớn tại Anh và thực tế thì năm đầu tiên của HLV người Hà Lan đã trôi qua khá ấn tượng khi ông giúp “Quỷ đỏ” về thứ 3 Ngoại hạng Anh và vô địch Carabao Cup. Vì đâu mà một HLV được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tài năng cũng như những thành tích ấn tượng trong năm đầu dẫn dắt M.U như Erik ten Hag lại phải ra đi trong tủi hổ?
Có nhiều lý do để sa thải một HLV và đa phần là vì thành tích yếu kém của đội bóng. Nhưng với HLV Ten Hag, ngoài thành tích tệ hại còn có 3 điều sau:
Đầu tiên là sự nóng vội. Trong mùa giải đầu tiên, sự kỳ vọng của người hâm mộ dành cho các tân HLV chưa cao, bởi ai cũng cần thời gian để thích nghi và tất nhiên đây thời điểm thích hợp để các HLV thử nghiệm đội hình, tìm hiểu ưu nhược điểm của từng cầu thủ để xây dựng một lộ trình phát triển lâu dài. Các HLV nổi tiếng như: Pep Guardiola, Ancelotti, Jurgen Klopp, Arteta… đều như vậy, họ sẵn sàng hy sinh một mùa giải đầu tiên để thích nghi.
Nhưng Ten Hag thì không, chỉ sau 2 thất bại trước Brighton và Brentford, ông đã lao vào thị trường chuyển nhượng. Ten Hag đã yêu cầu M.U mang về 2 “bom tấn” Casemiro và Antony để cải thiện thành tích ngay lập tức. Và phong độ của M.U được cải thiện nhanh chóng, thậm chí còn vượt qua sự kỳ vọng của người hâm mộ vào cuối mùa khi “Quỷ đỏ” vô địch Carabao Cup và giành vé dự Champions League. Việc giành được thành tích ngay lập tức khiến mức kỳ vọng của người hâm mộ M.U đặt lên vai HLV Ten Hag tăng lên và nếu không làm được điều tương tự mùa tiếp theo thì hiển nhiên sẽ dẫn đến sự thất vọng.
Tiếp theo đó là việc mua sắm cầu thủ thiếu hiệu quả, chỉ cần nhìn vào đội hình HLV Ten Hag đã mang về, sẽ không quá khó để chỉ ra nhiều cái tên không đủ trình độ khoác áo M.U. Điển hình nhất là cậu học trò cưng mà HLV người Hà Lan mang theo với giá 100 triệu euro Antony Dos Santos. Sau hơn 2 mùa thi đấu tại Ngoại hạng Anh, màn trình diễn của Antony quá nhạt nhòa, tệ đến mức M.U bán rẻ anh với giá 20 triệu bảng nhưng chẳng có đội bóng nào quan tâm. Ngoài ra, còn có những Mason Mount, Malacia, Zirkzee, Eriksen, Ugarte, De Ligt cho đến những bản hợp đồng được mượn về như: Reguilon, Amrabat hay Weghorst. Việc chi đến 600 triệu bảng Anh trong 5 kỳ chuyển nhượng để tăng cường lực lượng nhưng phong độ của đội bóng ngày càng đi xuống cho thấy khả năng mua sắm cầu thủ và xây dựng đội hình của HLV Ten Hag quá kém.
Cuối cùng là mức kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ M.U. “Quỷ đỏ” là một trong những đội bóng lớn nhất của bóng đá Anh với bề dày thành tích khổng lồ. Vì vậy, mức kỳ vọng của người hâm mộ với họ cũng rất cao, không ít HLV tên tuổi đã đến và ra đi trong sự thất vọng như: Mourinho hay Louis van Gaal. Mục tiêu của M.U ở mỗi mùa giải chỉ có một, vô địch ở tất cả các giải đấu mà họ tham gia. Với nguồn ngân sách mà M.U đã chi ra cho HLV Ten Hag, buộc lòng ông phải đạt được mục tiêu trên, chứ không phải đem về những chiếc cúp nhỏ như Carabao hay FA và ngày càng thụt lùi tại các giải quan trọng như cúp châu Âu hay Ngoại hạng Anh.
Chính sự nóng vội để đạt được thành tích tốt ở năm đầu tiên và việc chi tiêu thiếu hiệu quả dẫn đến sự kỳ vọng ngày càng tăng, nó lớn đến mức cứ sau vài trận đấu có kết quả không tốt thì tiếng la ó của người hâm mộ ngày càng nhiều. Để rồi đến một ngày cả HLV Ten Hag và các học trò của mình đánh mất đi sự tự tin, dẫn đến kết quả tồi tệ như hiện tại.
Trần Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin