Không phải các “đại gia” Nam Định, CAHN, Hà Nội FC hay B.Bình Dương, Thể Công-Viettel, mà dẫn đầu V.League sau 4 vòng đấu là câu lạc bộ (CLB) thuộc hàng “bình dân”: Đông Á Thanh Hóa (ĐATH).
Với những cầu thủ chỉ trung bình nhưng đặt vào tập thể Đông Á Thanh Hóa rất đáng gờm. |
Trong quá khứ, CLB Thanh Hóa từng 2 lần liên tiếp giành ngôi á quân (2017 và 2018), thậm chí ở mùa 2017 còn về đích bằng điểm với nhà vô địch Quảng Nam. Nhưng giai đoạn đó, CLB Thanh Hóa là “đại gia” với sự hậu thuẫn tài chính từ Tập đoàn FLC. Vì vậy, 2 danh hiệu vô địch Cúp QG cùng Siêu Cúp và hạng 4 V.League trong 2 năm gần đây của CLB Thanh Hóa được đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, ngay trước thềm mùa giải mới 2024-2025 lại rùm beng chuyện CLB nợ lương, thưởng, phí hợp đồng 21 cầu thủ. Trong khi các đối thủ “chạy đua vũ trang” thì ĐATH tiếp tục không có bản hợp đồng sao số nào. Đúng với những dự báo lo lắng, ĐATH đã có bước xuất phát chẳng lành. Họ thua đậm Nam Định 0-3 ở trận tranh Siêu Cúp, thua tiếp B.Bình Dương 1-2 trong ngày mở màn V.League. “Họa vô đơn chí”, ngay trận đầu tiên của V.League 2024-2025 này, chân sút số 1 Rimario (có 10 pha lập công mùa rồi) tự chấn thương đứt dây chằng, sớm chia tay mùa giải; trong khi 2 ngoại binh Antonio và Yago Ramos đều không phải dạng tiền đạo mục tiêu.
Thế mà 5 trận liền sau đó, ĐATH bất bại, thắng tới 4. Tại Giải vô địch các CLB Đông Nam Á, họ đánh bại Shan United (Myanmar) 3-1, hòa Terengganu (Malaysia) 2-2, nằm trong nhóm 3 CLB đầu bảng. Ở V.League là chuỗi 3 chiến thắng liên tiếp trước CAHN (1-0), Hải Phòng (3-1) và mới nhất là Bình Định
(4-1). Không chỉ soán ngôi đầu của HAGL và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, ĐATH còn là đội dẫn đầu về số bàn thắng sau 4 vòng với 9 bàn.
Thật ngạc nhiên, nếu nhìn vào đội hình, đặc biệt là dàn nội binh của ĐATH. Chia tay với Trọng Hùng, Đinh Tiến Thành, Lê Thanh Bình, CLB Thanh Hóa gần như đứng ngoài cuộc thị trường chuyển nhượng. Không ngôi sao, duy nhất tiền vệ 21 tuổi Thái Sơn lên đội tuyển, Transfermark định giá ĐATH chỉ 2,85 triệu euro, xếp thứ 7 ở V.League. Ngay cả huấn luyện viên (HLV) trưởng Velizar Popov cũng chẳng sao số gì khi chưa có một danh hiệu nào, trong đó có 3 năm dẫn dắt U.23 Myanmar trước khi đến Việt Nam. Nhưng cũng vì vậy, ngoài nhiệt huyết truyền lửa mạnh mẽ, phải thừa nhận tài dụng binh của HLV Popov. Trước đó, những Viết Tú, Thái Bình (2 hậu vệ cánh), tiền vệ Doãn Ngọc Tân… chỉ là những cái tên vô danh; cầu thủ chạy cánh phải A Mít thì làng nhàng ở SHB.Đà Nẵng, Hải Phòng; Lâm Ti Phông chỉ thuộc dạng khá; nhưng dưới tay HLV Popov tất cả đã nâng cấp chính mình. Không chỉ vậy, HLV Popov còn làm hồi sinh tiền đạo 34 tuổi Lê Văn Thắng và đặc biệt là trung vệ Thanh Long. Từng cùng Quế Ngọc Hải là cặp trung vệ của đội tuyển U.19 Việt Nam năm 2013 nhưng sớm treo giày, đi đá phủi rồi có 6 mùa giải khoác áo B.Bình Dương mà không để lại ấn tượng nào, nhưng 2 mùa vừa qua, trung vệ 31 tuổi này chơi cực hay, thực sự là lá chắn thép của ĐATH.
Một đội bóng được cấu thành bởi tập thể chứ cá nhân không thể quyết định và đứng trên cả đội bóng. Từ những cầu thủ chỉ trung bình khá nhưng khi đặt vào tập thể, với một HLV đầy cá tính Popov, ĐATH như “Những chiến binh Lam Sơn” như biệt danh của họ, đặc biệt là về tinh thần chiến đấu. Dù có thể không thích nhưng người ta phải thừa nhận ĐATH là đội bóng lì lợm, nền tảng thể lực sung mãn, có lối chơi cá tính và tính kỷ luật cao trong tuân thủ đấu pháp chiến thuật.
Trần Đỗ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin