Báo Đồng Nai điện tử
En

Bóng đá Việt Nam: Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Minh Chung
09:00, 15/10/2024

V.League 2024-2025 chứng kiến những gam màu đối lập trên thị trường chuyển nhượng. Các “đại gia”: Nam Định, CAHN, Hà Nội FC, B.Bình Dương tiếp tục mua sắm cầu thủ gây nên cơn sốt chuyển nhượng ngay từ đầu mùa. Số tiền “lót tay” của cầu thủ được đẩy lên gấp nhiều lần giá trị thực.

“Lót tay” của Quang Hải ở CAHN đủ cho một đội hạng Nhất sống khỏe trong một năm.
“Lót tay” của Quang Hải ở CAHN đủ cho một đội hạng Nhất sống khỏe trong một năm.

Năm ngoái, Việt Anh có giá 16,5 tỷ đồng/3 năm, Văn Toàn 10 tỷ đồng/2 năm, Quế Ngọc Hải 12 tỷ đồng/2 năm. Thế mà mùa này, để giữ chân Quang Hải trong 3 năm, CAHN bỏ ra 27 tỷ đồng, hơn cả kinh phí hoạt động một năm của một đội hạng Nhất tầm trung. “Quả bóng vàng” Hoàng Đức chấp nhận xuống chơi ở Giải hạng Nhất cho Ninh Bình với mức không kém. Đáng nói là cả 2 đã không còn ở thời đỉnh cao. Hay thủ môn Văn Lâm ký hợp đồng 4 năm với Trẻ TP.HCM với mức “lót tay” 27,2 tỷ đồng, lương 68 triệu đồng/tháng; Patrik Lê Giang ở lại đội TP.HCM nhận lương 18 ngàn USD/tháng (hơn 450 triệu đồng)…

Nhớ lại phát biểu của chuyên gia, huấn luyện viên Nguyễn Văn Vinh 20 năm trước, “Bóng đá Việt Nam nghiệp dư nhưng hưởng lương chuyên nghiệp”!

Tuy nhiên, tương phản với cơn say vung tiền thì nhiều đội V.League trong cảnh “sống ngày nào biết ngày đó”.

Bình Định sau 3 mùa sắm vai “đại gia” tiêu xài cả trăm tỷ đồng/năm, khi nhà tài trợ rút lui thì đội bóng bị các đối thủ “rút ruột” cầu thủ. Thanh Hóa dù 4 năm qua “bầu” Đoan mỗi năm tiêu tốn hơn 120 tỷ đồng để duy trì đội 1 và đào tạo trẻ, nhưng ngay trước thềm mùa giải mới thì 21 cầu thủ khiếu nại vì bị nợ lương, thưởng, phí hợp đồng… gần 17 tỷ đồng. Làm ăn khó khăn đến “bầu” Đức của HAGL cũng “án binh bất động”. Tương tự là Hải Phòng, hay những “hộ nghèo” SLNA, Quảng Nam…

Độ phân hóa ở Giải hạng Nhất càng dữ dội hơn. Ngay từ khi mùa giải 2023-2024 còn đang diễn ra, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn thông báo không tham dự mùa giải 2024-2025 do khó khăn về kinh phí. Cùng nguyên nhân, Long An xin trả đội bóng về cho tỉnh; Đồng Nai FC tưởng như chỉ chơi một mùa ở hạng Nhất rồi nghỉ khi quá hạn đăng ký vẫn bặt vô âm tín. Khi đội rớt hạng Khánh Hòa còn chưa biết có còn tồn tại hay không thì đội bóng vừa ăn mừng lên hạng Định Hướng Phú Nhuận… giải thể không kèn không trống.

Trong khi đó, tân binh Trẻ TP.HCM hoán chuyển đổi lốt với Phù Đổng Ninh Bình trở thành “siêu đại gia” đại náo cả làng cầu Việt với hàng loạt bản hợp đồng ngôi sao từ V.League (chắc chắn phải với cái giá cao hơn họ mới chấp nhận xuống chơi ở hạng Nhất): Đặng Văn Lâm, Đỗ Văn Thuận, Phạm Văn Thành (Bình Định); Hữu Tuấn, Thanh Thịnh (Nam Định); Ngọc Bảo, Gia Hưng (CAHN); Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Đức Việt (HAGL); Mạch Ngọc Hà (Hà Nội FC)… và mới nhất là Hoàng Đức.

Trường Tươi Bình Phước còn đình đám hơn mùa trước với Sầm Ngọc Đức, Lê Thanh Bình, Hồ Sỹ Giáp, Hồ Tuấn Tài, Tấn Sinh… và đặc biệt là “bom tấn” Công Phượng (có tin với mức giá 24 tỷ đồng cho 3 năm). Ngoài ra, đội bóng Đông Nam bộ còn “chiêu mộ” cựu giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản của VFF làm tổng giám đốc cùng 4 chuyên gia đồng hương và vừa làm lễ ra mắt Học viện Bóng đá Trường Tươi BMG. PVF-CAND cũng không còn dựa vào nguồn cầu thủ trẻ mình đào tạo mà đã mạnh tay chiêu mộ.

Đúng là “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”. Nhưng việc dựa hết vào hầu bao của một “ông bầu” sẽ đến lúc “vung tay quá trán” khi nhà tài trợ gặp khó khăn hoặc không còn hứng thú với bóng đá. BĐVN đã chứng kiến không ít đội bóng “đại gia” chỉ trong một đêm xóa sổ: Hòa Phát Hà Nội, Ngân hàng Đông Á, Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Sài Gòn FC…

Minh Chung

Tin xem nhiều