Tính đến hết ngày thi đấu chính thức thứ 9 của Olympic 2024 tối qua 4-8, 14/16 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc cuộc tranh tài của mình ở 15 nội dung của 8 môn thi.
2 hình ảnh trái ngược của Thu Vinh và Huy Hoàng tại Olympic 2024. |
Trái ngược 2 VĐV sinh năm 2000
Chỉ cách tấm HCĐ 10m súng ngắn hơi nữ 2,9 điểm nhưng hy vọng của Trịnh Thu Vinh ở 25m súng ngắn thể thao không nhiều, bởi đây không phải nội dung sở trường của cô (chỉ xếp hạng 29 thế giới). Ngược dòng ngoạn mục ở phần thi bắn nhanh, từ vị trí 12 nữ xạ thủ Việt Nam vươn lên thứ 4/8 VĐV vượt qua vòng loại. Tuy nhiên, ở đợt bắn chung kết (đạn phải trúng hồng tâm từ 10.2 trở lên mới tính là trúng, nếu bắn vào ô 10 mà không vào hẳn bên trong thì cũng không có điểm) dù khởi đi rất tốt sau 10 viên đầu đứng thứ nhì chỉ sau Yang-jiin của Hàn Quốc (VĐV sau đó đoạt HCV), nhưng Thu Vinh phải dừng bước ở loạt bắn thứ 5, xếp hạng 7 chung cuộc.
“Tôi đã rất nỗ lực, tuân thủ chặt chẽ đấu pháp của HLV để vượt qua chính mình. Tuy nhiên, các đối thủ quá mạnh… Chỉ tiếc là ở thời điểm quyết định mình chưa đủ bản lĩnh vượt qua áp lực”. Thu Vinh tự nhận và “Tôi xin gửi lời xin lỗi, cảm ơn những người đã ủng hộ, đồng hành cùng tôi trong thời gian qua. Sau Olympic Paris tôi đã học hỏi được nhiều điều nhằm hoàn thiện mình, sẽ cố gắng tập luyện tốt hơn nữa”.
Không, chính người hâm mộ phải cảm ơn cô gái có gương mặt khả ái 24 tuổi quê Thanh Hóa khi đã nỗ lực hết sức vượt qua chính mình để đến gần tấm huy chương Olympic 2024 mang về cho tổ quốc nhất. Với đấu trường đỉnh cao thế giới Olympic xuất sắc vẫn là chưa đủ, phải là xuất sắc nhất trong những người xuất sắc của 5 châu, 4 biển. Nhưng dù không huy chương, ở kinh đô ánh sáng đến thời điểm Thế Vận hội lần thứ 33 chỉ còn 5 ngày này, Thu Vinh là VĐV VN duy nhất đã mang đến những giây phút dõi theo hồi hộp, trông chờ và hy vọng, điều quá hiếm hoi ở 2 kỳ Olympic gần đây. Xin mượn lời cựu HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung: “Chúng tôi tự hào về Em và chúc Em tiếp tục viết nên giấc mơ chinh phục tại kỳ Olympic tới”!
Cùng sinh năm 2000, nhưng Nguyễn Huy Hoàng lại là nỗi thất vọng lớn nhất trong lần thứ 2 tham dự Olympic. Ở nội dung sở trường bơi 800m tự do, tay bơi HCĐ Asiad 19 xếp tận vị trí thứ 28/31 VĐV tham dự vòng loại với thời gian 8’8”39, một kết quả mà HLV của anh phải thốt lên: “ngỡ ngàng”! Đây là thông số tệ bậc nhất của kình ngư Quảng Bình. Còn ở 1.500m, Huy Hoàng cũng chỉ đạt 15’18”63, xếp thứ 21/24 vòng loại. So với thành tích giành HCB Asiad 2018 là 15’01”63 và kỷ lục quốc gia lập tại SEA Games 2019 là 14’58’14, tay bơi số 1 VN đã…“tụt hơn chính mình” dù chỉ mới 24 tuổi.
Nhưng không (chưa) có lời xin lỗi cũng như sự giải thích nào về sự thất bại “ngoài dự đoán” này từ bể bơi Paris La Défense.
5 ngày cuối, thể thao Việt Nam còn gì?
Nếu xạ thủ Trịnh Thu Vinh vào chung kết cả 2 nội dung tham dự, thì cung thủ Lê Quốc Phong sớm dừng bước ở vòng loại trực tiếp đầu tiên (vòng 1/32) đơn nam cung 1 dây. Như vậy, 2/3 niềm hy vọng huy chương đặt vào bắn súng và bắn cung tại Olympic 2024 đã bất thành.
Sau khi nữ cua-rơ xe đạp Nguyễn Thị Thật thi đấu nội dung xuất phát đồng hành nữ (158km) vào tối qua 4-8, “vốn liếng” của đoàn thể thao Việt Nam chỉ còn 2 VĐV. Trong đó, khả năng của Nguyễn Thị Hương ở nội dung thuyền đơn nữ canoeing 200m (thi đấu cuối cùng vào ngày 8-8) là hầu như không có.
Do đó, niềm hy vọng duy nhất còn lại được dồn hết lên vai lực sĩ cử tạ Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 61kg, thi đấu vào tối 7-8. Tuy nhiên, điều này cũng còn trông chờ vào sự xuất thần đột biến trong một ngày thăng hoa chứ không phải căn cứ vào thành tích, thực lực của VĐV. Bởi sau 4 năm bị cấm thi đấu vì doping, ở World Cup 2024 hồi tháng 5, Vinh dù nâng thành công mức tổng cử 294kg giành vé đến Paris nhưng cũng chỉ xếp hạng 9/12 VĐV tham dự, bởi tốp VĐV hàng đầu hạng cân này đều có mức trên 300kg.
Trần Đỗ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin