Báo Đồng Nai điện tử
En

Các đội bóng Việt Nam cần nhìn xa hơn

Yên Chi
09:00, 27/08/2024

Ra quân chiến thắng thuyết phục trong lần đầu tiên tham dự ASEAN Club Championship của CAHN và Thanh Hóa cho thấy, nếu có quyết tâm, tập trung đầu tư, chuẩn bị nghiêm túc, các câu lạc bộ (CLB) của Việt Nam hoàn toàn có thể đặt tham vọng bên ngoài biên giới.

Nam Định tham dự AFC Champions League two 2024-2025, sân Thiên Trường là hình ảnh tiếp thị không thể tốt hơn cho V.League.
Nam Định tham dự AFC Champions League two 2024-2025, sân Thiên Trường là hình ảnh tiếp thị không thể tốt hơn cho V.League.

Trước trận đấu tại sân Hàng Đẫy, Chủ tịch CLB Buriram United (Thái Lan) Newin Chidchob phát biểu ngạo nghễ: “Buriram đến đây để cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam thấy chất lượng và tiêu chuẩn của Thai League là gì. Chúng tôi sẽ cho cả Đông Nam Á biết Thai League đẳng cấp thế nào. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ giành chiến thắng, mà còn để tạo dựng tên tuổi, tạo sự nổi tiếng cho Thai League. Chúng tôi đến để không chỉ lấy đi 3 điểm từ sân Hàng Đẫy, mà còn lấy trái tim của người hâm mộ bóng đá Việt Nam và Đông Nam Á. Buriram sẽ nỗ lực để đạt mục tiêu là đội đầu tiên vô địch ASEAN Club Championship và công bố Thai League là giải đấu số một khu vực”.

Không ngạc nhiên khi ông Newin tuyên bố tự tin như vậy. Buriram là đội bóng số 1 Thái Lan với 10 lần lên ngôi ở Thai League, đặc biệt là nhà vô địch cả 3 mùa liên tiếp gần đây. Họ còn có 5 lần đoạt cú ăn 3, vô địch Thai League 1, Thai FA Cup và Thai League Cup. Ở đấu trường quốc tế, Buriram đã có 11 lần tham gia Giải đấu danh giá nhất AFC Champions League và AFC Champions League Elite 2024-2025 là lần thứ 12.

Trong khi đó, với CAHN, sau chức vô địch V.League đầu tiên, mùa rồi tụt xuống thứ 6 và Giải vô địch các CLB Đông Nam Á 2024-2025 mới lần đầu tiên thi đấu. Rất tâm lý, huấn luyện viên (HLV) Polking của CAHN, người đã có hơn 10 năm làm việc từ các CLB đến đội tuyển Thái Lan, đã truyền đạt những phát ngôn này, khơi gợi lòng tự ái nơi các học trò. Sau thất bại của đội nhà mà HLV của Buriram Osmar Loss khẳng định đã sử dụng đội hình tốt nhất, ông Chủ tịch CLB Buriram gỡ gạc: “Tôi xin lỗi, nhưng đội bóng không được từ bỏ, sẽ làm tốt hơn ở các trận sau”.

Tuy nhiên, có một điều ông Newin nói đúng: thành tích của một CLB ở đấu trường quốc tế cũng là thương hiệu của giải vô địch quốc gia, của nền bóng đá. Trên bình diện đội tuyển, bóng đá Việt Nam đã khẳng định được vị thế, tên tuổi ở Đông Nam Á, nhưng V.League vẫn được đánh giá thấp hơn Thai League, Malaysia Super League, Liga 1 Indonesia. Bằng chứng là suất dự AFC Champions League (nay là AFC Champions League Elite) năm có, năm không và hầu hết phải đi từ vòng sơ loại.

Trước các CLB Tây Á hàng đầu giàu có mua được Ronaldo, Neymar… và Nhật Bản, Hàn Quốc quá mạnh, Cúp C1 châu Á đúng là quá tầm, nhưng các CLB Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến AFC Champions League two, nơi ở vòng bảng được phân thành 2 nhánh Tây Á và Đông Á. Mùa giải 2019, 2 đại diện V.League là Hà Nội FC và B.Bình Dương từng chơi trận chung kết khu vực ASEAN, sau đó Hà Nội FC vào bán kết toàn giải (chỉ dừng bước trước đại diện Triều Tiên April 25 vì luật bàn thắng trên sân đối phương sau 2 trận hòa 2-2 và 0-0).

Với tiềm lực tài chính, chất lượng đội hình (và VFF cho các CLB làm nhiệm vụ quốc tế được đăng ký 5 ngoại binh), ở V.League hiện tại, các CLB: Nam Định, CAHN, Hà Nội, B.Bình Dương, Thể Công-Viettel có thể tự tin bước ra ngoài V.League. Vấn đề là các đội, nhất là các HLV nội, thường ngại phải căng sức cùng lúc ở nhiều đấu trường sẽ ảnh hưởng đến thành tích, chiếc ghế, nên chỉ sau 1-2 trận đấu ngoài biên giới không thành công lại quay về với mặt trận trong nước. Lãnh đạo, các ông chủ đội bóng, nhà tài trợ cần phải giải phóng sức ép này, dám chấp nhận hy sinh thành tích ở đấu trường quốc nội để làm thương hiệu quốc tế. Điều đó, suy cho cùng có lợi cho CLB và cả V.League.

Yên Chi

Từ khóa:

ASEAN

Thanh Hóa

Tin xem nhiều