Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng bóng Việt vẫn sôi động

Trường Xuyên
09:19, 31/07/2024

Đang trong giai đoạn nghỉ nhưng chỉ có 2 tháng chuẩn bị cho mùa giải mới 2024-2025 nên những chuyển động của đời sống bóng đá trong nước vẫn hết sức sôi động.

Quang Hải - cầu thủ Việt Nam “đắt nhất” trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Quang Hải - cầu thủ Việt Nam “đắt nhất” trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Quang Hải lập “siêu phẩm”

Chẳng trở lại “Tây”, cũng không sang Nhật, Quang Hải tiếp tục ở lại CAHN trong bản hợp đồng 3 năm. Với mức “lót tay” được cho lên đến 9 tỷ đồng/năm, Quang Hải trở thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Trở về từ Pau FC ở Ligue 2, Quang Hải đầu quân cho CAHN ở giai đoạn 2 V.League 2023 khi vẫn đang đi tìm lại mình. Nhưng sang V.League 2023-2024, anh đã có 8 bàn thắng và 3 pha kiến tạo trong 22 trận ra sân. Đồng thời, dưới thời 2 huấn luyện viên Kiatisak và Polking, anh đã lấy luôn chiếc băng đội trưởng CAHN từ Hồ Tấn Tài và Văn Thanh.

Hoàng Đức vẫn chưa chọn bến đỗ

Kỷ lục của Quang Hải có thể bị phá vỡ khi bản hợp đồng của Hoàng Đức với câu lạc bộ (CLB) được cho lên đến 30 tỷ đồng (10 tỷ đồng/năm). Sắp kết thúc hợp đồng với Thể Công-Viettel (TCVT) và cũng như Quang Hải, Hoàng Đức từ bỏ mục tiêu chơi bóng ở nước ngoài khi ký hợp đồng làm đại sứ thương hiệu của LPBank (giờ ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT đã đổi tên thành Lộc Phát Việt Nam thay cho Bưu điện Liên Việt). Nhà băng của “ông bầu” này chính là nhà tài trợ chính gắn tên với đội HAGL của “bầu” Đức và sắp tới sẽ thêm đội bóng vừa thăng hạng Nhất là Trẻ TP.HCM.

Ngoài ra, không công khai nhưng LPBank còn “đứng sau” đội CAHN, hỗ trợ tài chính cho đội TP.HCM và mùa này là đội hạng Nhất Phù Đổng Ninh Bình. Thế nên mới có chuyện mùa trước CAHN đem cho đội TP.HCM mượn thủ môn Patrik Lê Giang, Sầm Ngọc Đức, “chi viện” cho HAGL Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Tấn Tài, Quang Thịnh. Vì vậy, bến đỗ sắp tới của “đại sứ thương hiệu” Hoàng Đức không chỉ tùy thuộc vào ý muốn của anh.

Rõ ràng, sau “scandal” Xi măng Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải khi V.League 2013 còn 2 vòng đấu và giải thể, “bỏ bóng đá đi đánh golf”, “bầu” Thụy đã quyết định trở lại. Nhưng với việc “vươn vòi” quá nhiều, liệu V.League sẽ lại đứng trước nguy cơ “một ông chủ nhiều đội bóng”?

Lại thay tên đổi họ

Sự thiếu bền vững, chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn thể hiện ở việc nhiều CLB sẽ tiếp tục thay tên theo nhà tài trợ. Năm rồi, Bình Định 2 lần xin đổi tên, mùa này MerryLand rút lui, trở về Quy Nhơn Bình Định nhưng sẽ lại gắn với cái tên của một “ông chủ” mới. SHB.Đà Nẵng cũng dự tính chỉ còn Đà Nẵng…

CLB Trẻ TP.HCM có thể trở thành LPBank Thanh niên TP.HCM, còn Định Hướng Phú Nhuận chuyển khẩu về TP.Thủ Đức.

Câu chuyện sân Hàng Đẫy

Cuối cùng, TCVT là CLB phải ra đi với lý do UBND Thành phố Hà Nội phúc đáp Bộ Quốc phòng: “CLB Hà Nội và CAHN đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo trẻ đại diện cho bóng đá thủ đô tham gia đại hội thể thao toàn quốc”.

Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn thấy… sao sao, bởi TCVT đã có truyền thống gắn bó với Hàng Đẫy suốt 70 năm. Hà Nội FC thì 15 năm trước khi bóng đá thủ đô lâm vào thoái trào, biến mất trên bản đồ bóng đá đỉnh cao, Hà Nội T&T đã là niềm tự hào duy nhất của sân Hàng Đẫy. Cùng với 6 chức vô địch V.League, “bầu” Hiển đã đầu tư rất nhiều để cải tạo, nâng cấp sân, thậm chí còn có dự án xây dựng một sân Hàng Đẫy mới hiện đại.

Với CAHN phiên bản mới, nơi đây chỉ mới là “sân nhà” trong 2 mùa V.League vừa qua. Trước đó, ở Giải hạng Nhì và hạng Nhất, đội CAND “lưu lạc” từ sân Công an Thành phố Hồ Chí Minh ở quận Tân Phú đến Pleiku, Ninh Bình.

Trường Xuyên

Tin xem nhiều