Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm trắng tiễn 2 tượng đài

Đông Kha
21:51, 07/07/2024

Có lẽ 2 trận tứ kết đầu tiên mới là đêm trắng thực sự của người hâm mộ Việt Nam cùng Euro 2024. Khi 9 quả sút luân lưu của Pháp - Bồ Đào Nha kết thúc, tiếng gà đã gáy sáng như lời đưa tiễn 2 ngôi sao lớn.

Ronaldo tịt ngòi xuyên suốt EURO 2024 nhưng vẫn được HLV Martinez trọng dụng
Ronaldo tịt ngòi xuyên suốt EURO 2024 nhưng vẫn được HLV Martinez trọng dụng

Đó là lần cuối người ta thấy tiền vệ tuyển Đức Tony Kroos xuất hiện trên sân cỏ. Anh từng có tất cả ở tuổi 24 khi vô địch World Cup, Champions League, Bundesliga, La Liga. Ở tuổi 34, đã quyết định từ giã sau khi cùng Real Madrid đoạt chức vô địch Champions League thứ 6, nhưng một cú điện thoại của HLV Julian Nagelsmann (chỉ hơn Kross 2 tuổi), anh lại khoác lên mình chiếc áo số 8 của Die Mannschaft để tìm kiếm danh hiệu duy nhất còn thiếu trong kỳ Euro trên sân nhà như lời tri ân và tạm biệt. “Tôi không ngu đâu! Nhưng từ thâm tâm tôi lại nói: Chết tiệt! Trái tim mình đã quyết định”, anh kể sau khi cày ải 470/480 phút đấu tại kỳ Euro cuối cùng trên quê nhà.

3 trận vòng bảng khiến mọi người kêu gọi anh hãy khoan giải nghệ. Trước Tây Ban Nha ở tứ kết, Kroos miệt mài đá trọn 120 phút, thực hiện 83 đường chuyền (nhiều nhất đội) với tỷ lệ chính xác 91,6%, có 2 đường chuyền tạo cơ hội. Nhưng sức người có hạn, với gánh nặng tuổi tác trên vai, trong một trận cầu đỉnh cao, anh gần như kiệt sức trong hiệp phụ, nhưng Đức không thể thay bởi đơn giản không có tiền vệ nào xứng tầm nhạc trưởng cầm trịch tuyến giữa.

Vài tiếng sau là tượng đài Cristiano Ronaldo. Tuy nhiên nếu tuyển Đức và Tony Kroos để lại nhiều luyến tiếc, thì cuộc chia tay của Bồ Đào Nha và CR7 mang lại dư vị đắng chát. Báo chí Bồ giật tít: “Pháp đánh bại Bồ Đào Nha 10 người”, hàm ý với Ronaldo “vô hình” Bồ như đá chấp người.

Quả thật dù lập kỷ lục 6 kỳ tham dự, kiến tạo nhiều nhất Euro và 5 trận đều đá chính gần như trọn vẹn (chỉ rời sân 5 phút cuối trận gặp Georgia), nhưng dấu ấn duy nhất của CR7 để lại trên đất Đức chỉ là pha “nhường” cho Fernandes ghi bàn vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ và… sút hỏng quả penalty trước Slovenia. Lần đầu tiên không “nổ súng” ở giải đấu lớn, Ronaldo bất thành trong tham vọng đi vào lịch sử với kỷ lục là cầu thủ lớn tuổi nhất ghi bàn ở Euro.

Ronaldo tỏa sáng giúp đội bóng giành chiến thắng là chuyện bình thường, nhưng khi thất bại, số 7 sẽ là người bị nhắm đến đầu tiên, soi nhiều nhất. Vô vàn những lời chỉ trích một Ronaldo ham hố, ích kỷ, chỉ nghĩ đến những kỷ lục nhỏ nhặt của riêng mình, “cố đấm ăn xôi” giành chỗ của các đàn em. Nhưng CR7 đã quá quen với những dèm pha, dè bỉu, càng chỉ trích, anh càng mạnh mẽ. Ở tuổi 39 và phải phiêu dạt sang xứ Ả-rập để “dưỡng già”, anh vẫn ra sân ở ngày hội bóng đá đỉnh cao châu Âu và chiến đấu như một trai trẻ. Dù trong hoàn cảnh nào, đội trưởng tuyển Bồ cũng thể hiện bản lĩnh, tinh thần chuyên nghiệp mà bất kỳ cầu thủ nào cũng phải khâm phục học hỏi. Việc nhận trách nhiệm sút quả 11m đầu tiên trong loạt sút luân lưu trước Slovenia khi mới trước đó hơn 20 phút vừa bật khóc vì đá hỏng phạt đền, chịu vô vàn sức ép; hay gương mặt đanh lại vì sự tập trung và khát khao mỗi khi đứng trước một quả phạt, đồng thời là cầu thủ dứt điểm nhiều nhất sau vòng tứ kết (23 pha); cho thấy ý chí chiến đấu vẫn nguyên vẹn, cháy bỏng và nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, ngừng nghỉ, trước hết là với chính bản thân mình, của 1 trong 2 vì sao sáng nhất của bóng đá thế giới 20 năm qua (nếu không có Ronaldo lấy ai so sánh với Messi?).

Thực ra Ronaldo không cần phải chứng minh bản thân thêm bất kỳ điều gì và quy luật của muôn đời, con người đến lúc cũng chạm tới giới hạn (ở kỳ Euro này, CR7 không còn những cú bật nhảy, dừng trên không đánh đầu sở trường). Toni Kroos đã viết những dòng tâm thư: “Bất chấp nỗi buồn và sự trống rỗng sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Tôi đã thấy đội tuyển Đức thay đổi rất nhiều, bóng đá Đức đã trở lại với bản sắc của mình, đừng để nó rời đi lần nào nữa!”. Còn C.Ronaldo có cố thêm 2 năm tới để lập kỷ lục “cầu thủ U.50 đá World Cup” hay không?

Đông Kha

Tin xem nhiều