“Con gà tức nhau tiếng gáy”, điều đó thể hiện rất rõ qua trận derby thủ đô giữa 2 đội mang tên Hà Nội khi những Văn Quyết, Hùng Dũng… đối đầu với các đồng đội cũ ở vòng 23 V.League.
Đỗ Hùng Dũng cứa lòng thành bàn giúp Hà Nội FC đánh bại CAHN 2-1 trên sân Hàng Đẫy ngày 16-6. Ảnh: Hiếu Lương |
Một chiến thắng xứng đáng cho đội đóng vai chủ nhà để làm quà sinh nhật 18 năm Ngày thành lập (18-6-2006 - 18-6-2024). Ngoài 2 bàn thắng từ pha xoay trở khéo léo của Văn Quyết và cú cứa lòng vào góc xa của Hùng Dũng, Hà Nội FC còn 2 lần bị xà ngang từ chối pha đánh đầu của Tagueu và cú sút 11m của Văn Quyết. Tất cả những gì CAHN (giờ đã là cựu vương) làm được là bàn gỡ từ pha xoay người dứt điểm cận chân của Phan Văn Đức. Nhìn màn cởi áo ăn mừng của Hùng Dũng mới biết chiến thắng này có ý nghĩa thế nào với đội bóng đã 6 lần vô địch.
4 tháng trước, huấn luyện viên (HLV) Iwamasa Daiki có trận ra mắt ở vòng 9, Hà Nội FC thua 0-2 trước Thanh Hóa, rơi xuống hạng 10, kém đội đầu bảng Nam Định 12 điểm, chuyện vô địch là viễn vông. Tuy nhiên, trong 14 trận tiếp theo, Văn Quyết và đồng đội giành đến 9 chiến thắng, 2 hòa và 3 thua, thu về 29/42 điểm tối đa. Với 39 điểm và các đối thủ nhóm đầu liên tục lỡ nhịp, Hà Nội FC đã leo lên hạng 3, chỉ còn kém Bình Định một điểm và cách ngôi đầu của Nam Định 4 điểm, sống lại hy vọng vô địch lần thứ 7.
HLV Daiki tự hào nói: “Không như Nam Định chỉ có tiền đạo ngoại biết ghi bàn, chúng tôi có nhiều cầu thủ ghi bàn. 80% số bàn thắng đến từ các nội binh”.
Thật vậy, 39 bàn thắng của Hà Nội FC sau 23 trận đấu được ghi bởi 8 cái tên, trong đó Tuấn Hải, Văn Quyết có 8 pha lập công, 2 ngoại binh Tagueu và Delnison chỉ đóng góp 7 và 5 bàn. Điều quan trọng mà HLV người Nhật mang đến là đưa Hà Nội FC trở lại với lối chơi kiểm soát bóng, ban bật từng làm nên bản sắc, đồng thời mạnh dạn tin dùng những gương mặt trẻ như: Đình Hai, Nguyễn Văn Trường… sau cuộc “chảy máu” hàng loạt, bởi chính “người hàng xóm” CAHN.
Đây không phải lần đầu Hà Nội FC “đi sau về trước” mà “nóng máy” chậm rồi tăng tốc đoạn cuối có lẽ là “truyền thống” của họ. Ở mùa đầu tiên lên V.League năm 2009, kết thúc giai đoạn lượt đi họ đứng chót bảng. “Bầu” Hiển mời HLV Nguyễn Hữu Thắng từ Nghệ An ra thay cho HLV Triệu Quang Hà và đội bóng đã có cuộc ngược dòng ngoạn mục khi kết thúc mùa giải ở hạng 4, chỉ sau: SHB.Đà Nẵng, B.Bình Dương và SLNA.
V.League 2016, HLV Phan Thanh Hùng chia tay, với sự dẫn dắt của HLV Phạm Minh Đức, Hà Nội FC chỉ giành được một điểm sau 4 vòng đầu tiên, xếp chót bảng. Trợ lý Chu Đình Nghiêm tiếp quản chiếc ghế nóng và một lần nữa người ta chứng kiến sự trỗi dậy thần kỳ của họ. Sau lượt đi còn nằm ở nhóm cuối, Hà Nội FC (lúc này còn mang tên Hà Nội T&T) đã leo lên đỉnh bảng trước 2 vòng cuối và đoạt chức vô địch lần thứ 3 nhờ hơn Hải Phòng về kết quả đối đầu (cùng 50 điểm)…
Ăn nhau về cuối, việc đội bóng đẳng cấp như Hà Nội FC khởi sắc, lấy lại vị thế vào đúng thời điểm quan trọng nhất của mùa giải khiến cuộc đua vô địch V.League 2023-224 được thổi hơi nóng. Ở vòng 24 vào giữa tuần này, họ sẽ hành quân vào Bình Định, ngôi á quân hoàn toàn có thể đổi chủ. Nếu Nam Định lại mất điểm trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, cuộc đua vô địch sẽ cực kỳ hấp dẫn ở 2 vòng cuối.
Trong khi đó, trận thua Hà Nội FC không chỉ khiến CAHN trở thành cựu vương, mà còn rơi xuống hạng 9. Đây đã là trận thua thứ 7/8 trận gần đây (5 thất bại liền) của CAHN. Công việc của HLV Polking (mới cầm quân 2 trận) giờ đây là… chuẩn bị cho mùa giải sau (!).
Trần Đỗ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin