Sau kỳ Euro 1964 thành công của đội chủ nhà Tây Ban Nha, Italy cũng đã có một kỳ Euro 1968 suôn sẻ trên sân nhà. Bên cạnh việc tuyển Italy lần đầu bước lên đỉnh cao châu Âu, Euro 1968 cũng có nhiều điều thú vị với rất nhiều cái đầu tiên.
Đội tuyển Italia vô địch Euro 1968 nhờ lối chơi phòng ngự phản công kinh điển. |
Đầu tiên là về tên giải, kỳ Euro thứ 3, giải đấu đã thay đổi tên gọi từ Cúp các quốc gia châu Âu (European Nations’ Cup) sang Giải vô địch châu Âu (UEFA European Championship) và được giữ cho đến ngày nay.
Tiếp theo là thể thức thi đấu. Nếu 2 kỳ Euro trước đó các đội tham dự sẽ bắt cặp đối đầu trực tiếp theo thể thức lượt đi - về để chọn ra 4 đội mạnh nhất vào vòng chung kết thì Euro 1968 có đôi chút thay đổi. 31 đội tuyển được chia thành 8 bảng, thi đấu vòng tròn theo thể thức sân nhà - sân khách để tính điểm, 8 đội có điểm số cao nhất ở mỗi bảng vào vòng tứ kết. Ở vòng tứ kết, UEFA tiến hành chia cặp đấu thông qua hình thức bốc thăm và 4 đội giành chiến thắng giành quyền đến tranh tài tại Italy.
Euro 1968 cũng đánh dấu lần đầu tiên tham dự giải đấu đẳng cấp nhất châu Âu của tuyển Tây Đức và tuyển Anh, cùng với đó là sự xuất hiện của 2 huyền thoại bóng đá thế giới Johan Cruyff trong màu áo tuyển Hà Lan và Gerd Muller của Tây Đức.
Sau khi khép lại vòng tứ kết, 4 đại diện được xác định vào vòng chung kết tại Italy gồm: Anh, Liên Xô, Nam Tư và Italy. Trận bán kết 1 diễn ra tại sân San Paolo giữa Italy và Liên Xô được xem là trận đấu kỳ lạ nhất trong lịch sử Euro khi đội thắng được xác định bởi trò chơi may rủi. Cụ thể, sau 120 phút bất phân thắng bại, trọng tài đã gọi đội trưởng của 2 đội vào phòng để họp riêng trước sự ngỡ ngàng của 68 ngàn cổ động viên có mặt tại sân San Paolo. Mọi chuyện chỉ được xác định khi Giacinto Facchetti bước ra khỏi đường hầm với nụ cười nở trên môi và nhảy lên ăn mừng vì Italy đã thắng trong trò tung đồng xu. Ở trận bán kết còn lại, đội tuyển Nam Tư đã giành chiến thắng tối thiểu trước tuyển Anh để vào chung kết.
Trong trận tranh hạng 3, đội tuyển Anh đã giành chiến thắng trước Liên Xô với tỷ số 2-0 nhờ vào các pha lập công của Geoff Hurst và Sir Bobby Charlton. Dù không thể giành chức vô địch nhưng đây vẫn là một kỳ Euro rất thành công với người Anh khi giành được tấm huy chương đồng trong lần đầu tham dự ngày hội bóng đá của châu Âu.
Trận chung kết diễn ra trên sân Olimpico tại Rome, sự kỳ lạ của giải đấu một lần nữa xuất hiện. Nam Tư là đội vượt lên dẫn trước nhờ bàn thắng của Dragan Dzajic ở phút 32, sau đó đội chủ nhà tìm được bàn gỡ ở phút 80 từ pha lập công của Angelo Domenghini. Tỷ số hòa 1-1 được giữ cho đến khi kết thúc 120 phút tranh tài (bao gồm cả hiệp phụ). Lần này, thay vì tung đồng xu như trận bán kết 1, trận đấu lại được tổ chức đá lại vào một ngày khác. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới một trận chung kết được tổ chức đá lại. Sự kiện hy hữu này đã khiến Hiệp hội Bóng đá quốc tế (IFAB) phải ban hành luật sút luân lưu 11m nếu không thể tìm ra đội thắng sau 120 phút thi đấu vào năm 1970, nhằm tránh những sự việc trên tái diễn.
Ở trận đá lại, Italy đã đánh bại Nam Tư để có lần đầu tiên vô địch Euro, qua đó chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 34 năm kể từ khi họ vô địch World Cup 1934.
Trần Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin