World Cup và Euro thường diễn ra vào tháng 6, trùng với ngày của các nhà báo Việt Nam nên để lại những ấn tượng đặc biệt. Dù là báo chí địa phương nhưng lãnh đạo báo, đài Đồng Nai sớm nhận thức World Cup, Euro không đơn thuần là bóng đá, mà còn là món ăn tinh thần của người dân. Vì vậy, làng báo đã “nhập cuộc” từ rất sớm để đưa Ngày hội Bóng đá thế giới và châu Âu đến độc giả, khán giả.
Báo Đồng Nai đã có chuyên trang World Cup từ Espana 1982 với hiện tượng “Những sư tử bất khuất” Cameroon. Còn Euro, bắt đầu từ nước Pháp 1984, mà Platini chói lòa với 9 bàn thắng đưa Pháp lần đầu tiên lên đỉnh châu Âu. Gần nhất, đánh dấu cột mốc 40 năm hình thành và phát triển, Báo Đồng Nai còn thực hiện vệt chương trình thông tin nhanh về Euro 2016 tại Pháp. Ngay sau mỗi trận đấu trong đêm, những thông tin, bình luận, hình ảnh, phát biểu của huấn luyện viên, cầu thủ… đã xuất hiện tắp lự trên trang điện tử của báo.
Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai, ngay từ khi truyền hình còn phát sóng thử nghiệm đã mở chuyên mục hàng đêm về World Cup USA 1994 và bắt đầu tổ chức chương trình bình luận, giao lưu trực tiếp với khán giả từ France 1998. Với Euro, cùng câu chuyện thần thoại Hy Lạp trên đất Bồ Đào Nha 2004 và thành công của chương trình bình luận trực tiếp, ĐN-RTV là đài tỉnh đầu tiên mua bản quyền phát sóng trực tiếp toàn bộ Giải Copa America 2004 tại Peru diễn ra ngay sau đó.
Euro 1988 trên đất Đức, ngày 21-6, đội bóng Hội Nhà báo Đồng Nai còn ra mắt đá giao hữu. Với mái tóc quăn bồng bềnh, nước da sậm màu, nhà báo Bùi Thuận được mệnh danh Ruud Gullit. Chỉ tội cứ đá vài phút “Gullit” lại đột nhiên biến mất trên sân, thì ra anh chui vào bóng râm trốn nắng (!)
Thoắt đó mà đã mấy chục năm.
Mùa hè này, mọi cặp mắt lại hướng về nước Đức, nơi 36 năm Euro mới trở lại. Dù chưa thật sự gây sốt bởi mới đá vòng bảng, nhưng chắc chắn sẽ nóng lên trong những ngày tới với vòng knock-out. So với World Cup và các giải vô địch châu lục khác, Euro có chất lượng chuyên môn cao nhất, đậm chất chiến thuật. Sức hấp dẫn của Euro còn ở yếu tố không thể nói trước điều gì khi trái bóng còn chưa lăn. Trong suốt chiều dài lịch sử Euro, chỉ có Tây Ban Nha là đội duy nhất bảo vệ thành công ngôi vương.
Do gần gũi về mặt địa lý, văn hóa và giao thoa thường xuyên, bóng đá châu Âu có sự tương đồng, biến các trận đấu tại Euro luôn khó lường, quy luật mạnh được, yếu thua hầu như không tồn tại. Năm 2016, ai nghĩ Ronaldo và Bồ Đào Nha vô địch khi toàn giải không thắng nổi trận nào trong 90 phút? Hay trường hợp Italy ở Euro 2020, kỳ giải lịch sử diễn ra ở 11 quốc gia trên khắp châu Âu. Đội tuyển Italy ngày ấy đang trải qua khủng hoảng, không giành nổi vé dự World Cup 2018 và sau khi đăng quang lại lỡ hẹn với World Cup 2022.
Và chỉ Euro mới có những câu chuyện cổ tích như Đan Mạch từ chỗ được thay thế Nam Tư (không thể tham dự vì nội chiến) đi thẳng đến chức vô địch trên đất Thụy Điển năm 1992. Hay một Hy Lạp vô danh vượt qua cả Pháp, Cộng hòa Czech và chủ nhà Bồ Đào Nha để viết nên câu chuyện của các vị thần vào năm 2004.
Ở kỳ Euro này, mới lượt trận thứ 2 vòng bảng đã chứng kiến 2 bất ngờ: Slovakia đánh bại Bỉ và một Albania mới lần thứ 2 dự vòng chung kết đã khiến đệ tam anh hào thế giới Croatia phải mướt mồ hôi mới thoát thua. Trước đó, ở trận ra quân, Albania cũng chỉ thua khít khao đương kim vô địch Italy 1-2.
Người hâm mộ chờ đợi bữa tiệc thịnh soạn ở nước Đức mà trái bóng Fussballliebe (tình yêu bóng đá) mang lại và… sẽ lại có một Mùa hè cổ tích!
Minh Chung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin