Nếu ngôi đầu của Nam Định kể từ vòng 2 chỉ mới một lần đổi chủ (về tay B.Bình Dương sau vòng 6) thì các vị trí còn lại trong tốp 5 của mùa giải liên tục thay đổi, gần như sau mỗi lượt trận.
CAHN có chiến thắng đậm trong trận cầu thủy chiến, có cần bộ đôi Tấn Tài - Văn Thanh? |
Đã có 6 đội lần lượt chiếm giữ vị trí từ thứ 2-5, trong đó Thể Công-Viettel bị đánh bật từ vòng 3, còn đội TP.HCM tụt lại sau vòng 7. Chỉ có 5 vòng: 9-10 và 11-13 là trật tự thứ hạng trong “Big Five” được giữ nguyên.
Riêng vị trí á quân, đến nay đã cả thảy 8 lần thay đổi với 4 chủ nhân, lần lượt là: CAHN, Thanh Hóa (cùng có 4 vòng); B.Bình Dương (7 vòng), Bình Định (1 vòng). Ở 5 lượt gần nhất, nó liên tục được chuyển đổi giữa 2 đội B.Bình Dương và CAHN. Sau khi giành từ tay Thanh Hóa, B.Bình Dương chiếm giữ hạng nhì 4 vòng liên tục. Nhưng ở vòng 15, với việc B.Bình Dương bị Thể Công-Viettel cầm hòa 0-0 trên sân nhà, CAHN đã đánh bại SLNA để chiếm ngôi nhì. Vòng 16-17, B.Bình Dương đoạt lại ngôi nhì khi CAHN sảy chân
2 trận liên tiếp trước Nam Định và Quảng Nam. Tuy nhiên, với khoảng cách chỉ 1 điểm, ở vòng 18, đôi bên lại đổi chỗ cho nhau.
Trước đội chủ nhà Thanh Hóa chơi quá mạnh mẽ, B.Bình Dương dù cố gắng đeo bám, 2 lần gỡ hòa (Tiến Linh và Charles ghi bàn) nhưng vẫn thua chung cuộc 2-3. Từng là đội nhận bàn thua ít nhất, nhưng khi trung vệ thép Quế Ngọc Hải trở lại, 2 vòng liên tiếp gần nhất, trận nào B.Bình Dương cũng để thủng lưới 3 bàn, nâng tổng số bàn thua lên 20, không còn là đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất.
Trên sân Hàng Đẫy, dưới cơn mưa lớn ở thủ đô, CAHN đã trút giận trận thua 0-2 trước Quảng Nam ở vòng trước lên đội chót bảng Khánh Hòa. Được thay thế Vũ Văn Thanh (vì thẻ đỏ) và Hồ Tấn Tài không được sử dụng, hậu vệ Hồ Văn Cường đã ghi điểm khi liên tục lên tham gia tấn công, còn Junior có cú đúp kiến tạo. Trận đấu được định đoạt ngay sau 40 phút hiệp 1 với cú hat-trick của tiền đạo Elias, mà tất cả đều khởi phát từ Quang Hải.
Với chiến thắng 3-1, CAHN lại vượt mặt B.Bình Dương để tạm chiếm ngôi nhì, đồng thời lấy luôn “danh hiệu” hàng thủ tốt nhất với chỉ 19 bàn thua.
Trong khi đó, với 3 điểm giành được trước B.Bình Dương và Hải Phòng trên sân nhà bị Quảng Nam cầm chân 0-0, đội Thanh Hóa đã trở lại tốp 5 để tiếp tục cuộc đua danh hiệu. Đặc biệt, chiến thắng này đã cắt đứt chuỗi 7 trận chỉ hòa và thua và 4 trận không thể ghi bàn của đội bóng xứ Thanh. Một lần nữa, huấn luyện viên (HLV) Popov để lại dấu ấn cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong trận đấu có cảm giác HLV Popov “đá miệng” ngoài sân còn mệt hơn các cầu thủ thi đấu trong sân khi ông liên tục gào thét, đốc thúc các học trò và “xỉa xói, gây áp lực với trọng tài” - lời HLV Lê Huỳnh Đức.
Sau trận đấu, có lẽ vì tấm thẻ vàng (không biết thứ bao nhiêu?) và án phạt 10 triệu đồng vì bỏ họp báo do… “đau họng” sau trận thua đội TP.HCM, HLV Popov có mặt mà như không, khi đáp: “No comment” với tất cả 3 câu hỏi của phóng viên đặt ra.
Bên cạnh một Kiatisak của HAGL, CAHN hiền lành, nho nhã, một Daiki Iwamasa của Hà Nội FC lạnh lùng; việc xuất hiện vị HLV đầy cá tính như Popov - một “Mourinho của V.League”, khiến 2 mùa giải gần đây trở nên thú vị hơn. Nhưng coi chừng, chính đội bóng xứ Thanh phải gánh chịu “vạ miệng” bởi HLV của mình khi mọi phía đều “ghét bỏ”, ngầm chống lại.
Trần Đỗ - Trường Xuyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin