Báo Đồng Nai điện tử
En

2 bài toán lớn của thể thao Việt Nam

Minh Chung
08:04, 16/10/2023

Từ thất bại trên đất Hàng Châu, hậu Asiad 19 nổi lên 2 bài toán đặt ra cho thể thao Việt Nam phải có lời giải nếu muốn vươn tầm châu lục, thế giới.

Phải tìm ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19
Phải tìm ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19

* Xác định vai trò SEA Games

Hơn 200 HCV SEA Games đổi lại là 3 tấm HCV Asiad trầy trật. 2 năm liên tiếp số 1 Đông Nam Á (ĐNA) nhưng ra đấu trường châu lục xếp sau 5 người hàng xóm ASEAN. Vậy có nhất thiết phải đứng đầu, tốp 3 khu vực - mục tiêu mà Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đã không còn coi quan trọng?

Chạy theo thành tích ở khu vực, ngành thể thao, các bộ môn đưa đến SEA Games và cả các giải đấu ĐNA những VĐV tốt nhất, thi đấu nhiều nội dung nhất để có huy chương nhiều nhất - gắn liền với đó là tiền thưởng. Nguồn lực đã hạn chế lại dàn trải, không được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Với VĐV việc phải thi đấu quá nhiều nội dung, cự ly ở cấp thấp để lấy huy chương khiến tài năng sớm bị thui chột, chựng lại. Trường hợp Ánh Viên làm mưa làm gió ở “ao làng” nhưng không sao vươn lên tầm châu Á là điển hình.

Đã đến lúc ngành thể thao phải dứt khoát xác định: coi SEA Games là bàn đạp, đưa VĐV trẻ, tiềm năng thi đấu để học hỏi, nâng cao trình độ. Với các môn Olympic, tùy từng môn mà có chiến lược riêng: môn nào, nội dung nào chưa mạnh thì cử VĐV, đội tuyển mạnh để cọ xát; môn nào đã vượt tầm khu vực thì tính toán cho lứa kế cận chuẩn bị cho những đấu trường lớn như Asiad, Olympic.

Thực ra từ SEA Games 2017, ngành thể thao đã có định hướng tập trung vào các môn Olympic với 8 môn mũi nhọn được đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, điền kinh, bơi lội cùng một số môn võ giành ngôi số 1 ở 3 kỳ SEA Games gần đây và có kỳ Asiad 2018 thành công nhất trong lịch sử (5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ).

Nhưng vì sao khi những gương mặt được đầu tư trọng điểm tại Asiad 19 đã qua phong độ đỉnh cao, không có niềm hy vọng mới nào xuất hiện tại Hàng Châu. Đào tạo 1 VĐV đỉnh cao phải mất 10 năm, có chăng tư duy nhiệm kỳ ở đây khi từ năm 2023 trở đi thành tích thể thao là của bộ máy tổ chức và nhân sự lãnh đạo mới?

* Xã hội hóa thế nào?

Ngân sách trung ương chi cho thể thao năm 2023 hơn 900 tỷ đồng, chủ yếu để nuôi ăn, ở, trả lương, tổ chức giải... Lấy đâu ra để đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao chuyên sâu cho VĐV (cả Trung tâm Huấn luyện quốc gia Hà Nội không có một chuyên gia dinh dưỡng, thực đơn bữa ăn của tất cả VĐV các bộ môn đều như nhau).

Để nối tấm chăn hẹp, câu trả lời là phải xã hội hóa. Nhưng đây lại là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Trong số các liên đoàn, ngoại trừ bóng đá, quần vợt, bóng chuyền có nguồn tài trợ lớn, đều đặn, chủ yếu là nhờ sức hút của môn thể thao. Với bắn súng, thể dục dụng cụ, võ…, nhất là 2 môn Olympic điền kinh, bơi lội xã hội hóa như thế nào trong tình hình kinh tế, doanh nghiệp đều gặp khó như hiện nay?

Một lối ra, theo chúng tôi các liên đoàn không nên kêu gọi tài trợ chung chung. Chỉ cần một hay vài doanh nghiệp nhận bảo trợ, đầu tư tập trung, dài hạn vào 1 VĐV của bộ môn mà mình yêu thích, từ lúc tiềm năng cho đến khi trở thành tài năng của quốc gia. Đây là cách làm không mới trên thế giới, với những tập đoàn tên tuổi gắn liền với những ngôi sao thể thao, giải trí. Ở Việt Nam đã manh nha với Tập đoàn Lộc Trời An Giang cùng nữ cuarơ Nguyễn Thị Thật; hay Becamex Bình Dương, Tập đoàn Hải Đăng, Tây Ninh với tay vợt Lý Hoàng Nam. Doanh nghiệp không phải chịu gánh nặng kinh phí (mỗi năm việc đầu tư thuê HLV chuyên môn, HLV thể lực, chi phí di chuyển, thi đấu cả ở nước ngoài cho Hoàng Nam chỉ khoảng 5 tỷ đồng), hiệu quả PR lại tích cực.

Muốn vậy, các liên đoàn, bộ môn phải chủ động làm hình ảnh, xây dựng những VĐV idol. Quỹ Phát triển thể thao quốc gia Thái Lan hỗ trợ các VĐV ngay từ cấp độ trẻ cũng là mô hình nên tham khảo.

Nói như Thứ trưởng Bộ VH-TTDL Hoàng Đạo Cương rất cần phải tổng rà soát, đánh giá toàn diện để tìm ra nguyên nhân thất bại của thể thao Việt Nam tại Asiad 19 để chuẩn bị cho các kỳ Olympic, Asiad tiếp theo. Muốn vậy phải thẳng thắn, đừng kiểu ve vuốt nhau, tìm lý do này, đổ lý do kia nữa.

Minh Chung

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích