Báo Đồng Nai điện tử
En

Đoàn thể thao Việt Nam chính thức bước vào Asiad 19

Trường Xuyên - Trần Đỗ
08:03, 22/09/2023

Hôm nay 22-9, lá cờ đỏ sao vàng chính thức tung bay trên bầu trời Hàng Châu tại lễ thượng cờ, đánh dấu sự hiện diện của Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại kỳ Á vận hội lần thứ 19.

Đoàn thể thao Việt Nam đặt chân đến Trung Quốc
Đoàn thể thao Việt Nam đặt chân đến Trung Quốc

Trước lễ khai mạc, các VĐV Việt Nam đã tranh tài ở 3 nội dung: bóng đá nam, nữ và đua thuyền rowing (vào chung kết 4/6 nội dung thi đấu đầu tiên).

* TTVN đi đông “về” ít

Đoàn TTVN đến Asiad 19 với 504 thành viên (gồm: 337 VĐV, 90 HLV, 11 chuyên gia...), tham gia 202/481 nội dung của 31/40 môn. Đây là con số đông thứ 2 trong lịch sử, chỉ ít hơn Asiad 18 (352 VĐV). Asiad 18 tại Indonesia cũng là thành công nhất của TTVN khi giành 5 HCV (cùng 15 HCB, 19 HCĐ, đứng thứ 16 toàn đoàn).

Không chỉ vậy, lần này chúng ta còn đến ngày hội thể thao lớn nhất châu Á với tư cách quán quân của Đông Nam Á ở 2 kỳ SEA Games gần nhất với kỷ lục về HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà (205 HCV) cùng thành tích lần đầu tiên dẫn đầu tại một kỳ đại hội bên ngoài lãnh thổ (ở Cambodia) hồi tháng 5.

Asian Games là để khẳng định vị thế của quốc gia trong ngôi nhà thể thao châu Á, nhưng tại Asiad 19, TTVN chỉ đặt mục tiêu 2-5 HCV. Ngay cả “khiêm tốn” như vậy cũng rất khó khăn, bởi 5 tấm HCV giành được 5 năm trước (dời 1 năm vì dịch bệnh Covid-19) coi như mất trắng. Pencak Silat mang về 2 HCV thì lần này không tổ chức. 2 HCV ở môn nhảy xa và 400m rào (nhờ nhà vô địch sau đó phát hiện dính doping) khó lập lại khi Bùi Thị Thu Thảo giảm sút phong độ vì tuổi tác, còn Quách Thị Lan bị cấm thi đấu do dính doping. HCV còn lại ở Indonesia 2018 là của rowing thuyền hạng nhẹ 4 nữ lại là nội dung duy nhất bị chủ nhà Trung Quốc loại khỏi chương trình thi đấu.

Vì vậy, TTVN phải trông đợi HCV vào những bộ môn, nội dung khác.

* Sẽ có những thành công bất ngờ?

Tại Asiad 19, ngành thể thao chia 4 nhóm môn để đặt mục tiêu. Nhóm 1 là các môn hy vọng có khả năng tranh chấp HCV như: cầu mây, karatedo, bắn súng, boxing, cờ tướng. Nhóm 2 là 18 môn có khả năng giành huy chương: rowing, wushu, kurash, điền kinh, bắn cung, canoeing, bơi, taekwondo, cờ vua, xe đạp, thể dục dụng cụ, cử tạ, bóng bàn, vật, judo, jujitsu, đấu kiếm và roller. Nhóm 3 được xác định là các môn không có khả năng giành huy chương như: bóng đá, bóng chuyền nữ, cầu lông, quần vợt, golf và cuối cùng là nhóm môn xã hội hóa: dance-sport breaking, esports và soft tennis.

“Quy hoạch” 2 nhóm có huy chương thực sự chỉ “đếm cua trong lỗ”. Như 5 môn ở nhóm 1, Việt Nam không phải vượt trội nên thành tích còn tùy thuộc nhiều yếu tố bên ngoài chứ không chỉ chuyên môn. Ở nhóm 2, với 2 niềm hy vọng lớn nhất là ngôi sao điền kinh số 1 Nguyễn Thị Oanh (HCĐ 3.000m vượt chướng ngại) và tay bơi số 1 Nguyễn Huy Hoàng (HCB 1.500 tự do, HCĐ 800m tự do), giữ được thành tích 5 năm trước đã là thành công chứ đừng nói đổi màu huy chương. Hay đội tiếp sức 4x400m tự do nữ từng giành HCĐ, vừa đoạt HCV châu Á nhưng vào Asiad sẽ gặp chủ nhà Trung Quốc rất mạnh và ém quân rất kỹ.

Dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng sẽ có thành công từ những nhân tố bất ngờ như Nguyễn Thúy Hiền, nữ kình ngư quê Ninh Bình mới 14 tuổi, HCĐ 100m tự do nữ ở SEA Games 32; xạ thủ Trịnh Thu Vinh vừa giành vé đến Olympic 2024 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ; kỳ thủ cờ tướng Nguyễn Hoàng Yến, á quân cờ tướng châu Á 2023 và cả cờ vua, các môn võ… Xe đạp lại trông chờ vào cua-rơ nữ đã 30 tuổi Nguyễn Thị Thật, vừa giành HCV Giải đường trường vô địch châu Á 2023, sẽ đổi màu tấm HCB ở Asiad 2014.

Trường Xuyên - Trần Đỗ

Tin xem nhiều