Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Lan Mai
07:11, 24/09/2024

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có kỹ năng cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế và ứng dụng phát triển khoa học - công nghệ. Xây dựng, triển khai các mô hình đào tạo theo chuỗi gắn kết với các trung tâm khởi nghiệp và các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn.

Sinh viên lựa chọn học nghề cơ khí, điện lạnh tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.Mai
Sinh viên lựa chọn học nghề cơ khí, điện lạnh tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: L.Mai

Đó là mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai về phát triển nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Ưu tiên đào tạo nguồn lực

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Trong đó, tỉnh xây dựng các khu công nghiệp xanh, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.

Theo đó, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề gắn với nhu cầu của DN là yêu cầu cấp thiết đáp ứng đổi mới công nghệ và chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, giảm ô nhiễm môi trường. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong thu hút đầu tư các dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tế, hạn chế lớn của tỉnh hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển bền vững ở tất cả các ngành kinh tế. Ngoài ra, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế như hiện nay khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi; trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của DN. Việc kết nối giữa cơ sở đào tạo và DN chưa chặt chẽ… dẫn đến lao động chất lượng cao ở các ngành nghề mũi nhọn còn thiếu.

Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với DN xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập và tiếp nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm sau đào tạo với tỷ lệ trên 80%. Một số ngành nghề kỹ thuật như: cơ khí cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, công nghệ hàn…, tỷ lệ học viên có việc làm đạt 100%.

Tuy nhiên, thiếu lao động chất lượng cao phần nào tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động và việc mở rộng sản xuất của nhiều DN. Nhiều DN muốn tuyển dụng và sử dụng lao động chất lượng cao nhưng rất khó tìm, các DN vẫn phải tự đào tạo là chính. Có những lao động dù có bằng cấp nhưng trình độ thực chất và kỹ năng tay nghề lại không đáp ứng được yêu cầu của DN. Chính vì vậy, những nhà máy 4.0 hiện đại vẫn đang “đỏ mắt” tìm quản lý là người Việt Nam.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ. Thu hút lực lượng lao động từ ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu, nhất là các ngành dịch vụ vận tải, logistics, thương mại du lịch... Xây dựng tổ hợp giáo dục - đào tạo tỉnh gần khu đô thị Sân bay Long Thành, tận dụng khả năng kết nối với các khu công nghiệp nhằm đón đầu nhu cầu về nguồn lao động.

Chuẩn bị nhân lực đáp ứng sự phát triển công nghệ

Với lực lượng lao động khoảng 1,3 triệu người, nguồn nhân lực chất lượng cao được Đảng bộ tỉnh xác định là động lực, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tỉnh. Đây là một trong 4 đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại thì việc phát triển nhanh về số lượng và chất lượng của đội ngũ nhân lực là yêu cầu cấp bách và lâu dài đối với tỉnh.

Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) Đỗ Đình Hiệp cho hay, là DN chuyên sản xuất cơ khí và tiên phong trong việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, những năm qua, công ty ưu tiên tuyển dụng đội ngũ lao động chất lượng vào làm việc với mức lương tương xứng. Những lao động có tay nghề luôn có chỗ đứng vững, thăng tiến nhanh và mức lương cao. Song nguồn lao động còn thiếu và yếu; việc đào tạo, nâng cao nguồn lực tay nghề là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Còn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giấy Yuen Foong Yu Đồng Nai Đỗ Nguyên Phương cho biết, việc tự động hóa của các DN hiện nay đã thay thế con người trong nhiều phần việc lao động chân tay. Do đó, đòi hỏi NLĐ phải nâng cao năng lực, biết tận dụng lợi thế để khẳng định mình trong công việc; bởi nếu NLĐ không nâng cấp mình thì sẽ bị lạc hậu, thậm chí dôi dư và dễ bị sa thải nếu không có kỹ năng nghề.

Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai về phát triển nguồn lực thời kỳ 2021-2030, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong những lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì 2%.

Ngoài các ngành nghề công nghiệp mũi nhọn cần lao động, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2026 và được xem là “thủ phủ” của hàng không Việt Nam trong tương lai… Kéo theo đó là nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự kiến khi đi vào khai thác giai đoạn 1, Sân bay Long Thành cần 14 ngàn nhân lực với nhiều ngành nghề, trình độ khác nhau.

Để chuẩn bị nguồn lực cho Sân bay Long Thành trong thời gian tới, Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, đơn vị đang phối hợp với các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh kết nối cung - cầu lao động. Tổ chức công tác hướng nghiệp, giới thiệu cho học sinh trên địa bàn tỉnh biết thông tin để đăng ký học các nghề phục vụ Sân bay Long Thành. Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chủ động liên kết với các đơn vị huấn luyện, đào tạo chuyên ngành hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép.

Tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, nhà trường đã chuẩn bị tâm thế đón những cơ hội từ Sân bay Long Thành mang lại. Minh chứng là từ 10 năm trước, trường đã hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Cộng hòa liên bang Đức (GIZ) đưa giảng viên sang Đức đào tạo, đồng thời đưa chương trình, thiết bị của Đức về trường đào tạo cho sinh viên ở những ngành như: công nghệ tự động hóa, cơ điện tử, công nghệ robot, hàn công nghiệp, cắt gọt kim loại, điện lạnh…

Trong buổi làm việc với Sở Lao động, thương binh và xã hội về công tác đào tạo nghề vào tháng 5-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội mới để phát triển bứt phá, đặc biệt là khi Dự án Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cùng với đó là hệ thống giao thông kết nối vùng hoàn chỉnh. Để nắm bắt được những cơ hội mới, cần tiếp tục đầu tư chiều sâu cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở những ngành mũi nhọn mà DN đang cần.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nông Văn Dũng, để đáp ứng nguồn lao động, sở đẩy mạnh dự báo nhu cầu nhân lực và các lĩnh vực ngành nghề; đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động; đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Cùng với đó, đẩy nhanh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, chất lượng, nhất là các cơ sở giáo dục có đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu hoạt động, tạo ra cơ cấu lao động hợp lý, theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lan Mai

Tin xem nhiều