Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng tới chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ

09:07, 17/07/2020

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa được Tổ chức Đột quỵ thế giới trao tặng chứng nhận Bạch kim vì đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong điều trị đột quỵ. PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho hay, đây là phần thưởng danh giá mà không nhiều đơn vị, trung tâm đột quỵ có thể đạt được.

Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa được Tổ chức Đột quỵ thế giới trao tặng chứng nhận Bạch kim vì đạt được nhiều tiêu chuẩn khắt khe trong điều trị đột quỵ.

PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM. Ảnh: H.Dung
PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM. Ảnh: H.Dung

PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM cho hay, đây là phần thưởng danh giá mà không nhiều đơn vị, trung tâm đột quỵ có thể đạt được. Điều đó cho thấy chất lượng điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sự đồng tâm hiệp lực của các khoa, phòng và đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện, ngành Y tế Đồng Nai.

* Phối hợp tốt để có kết quả điều trị tốt

* Xin ông cho biết mục đích của việc trao tặng các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới cho các đơn vị đột quỵ là gì?

- Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận Vàng, Bạch kim, Kim cương cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương mà cả bệnh viện tuyến tỉnh, đại diện là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã đạt được chứng nhận Bạch kim. Điều này có ý nghĩa rằng, việc mà chúng ta đang làm cho bệnh nhân bị đột quỵ giống như một trung tâm đột quỵ ở châu Âu hoặc một nơi nào đó trên thế giới đang làm cho bệnh nhân của họ. Bởi tiêu chuẩn mà chúng ta đạt được là tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe của thế giới.

 * Việc phối hợp, tương trợ lẫn nhau giữa các khoa, phòng trong cùng một bệnh viện có ý nghĩa như thế nào trong sự thành công của một đơn vị đột quỵ, thưa ông?

- Điều trị thành công cho bệnh nhân bị đột quỵ không chỉ là công lao của một cá nhân hay của một khoa, phòng riêng lẻ, mà là sự đoàn kết, nhất trí, phối hợp giữa nhiều cá nhân và nhiều khoa, phòng trong bệnh viện.

Chẳng hạn, một bệnh nhân có biểu hiện bị đột quỵ vào phòng cấp cứu, được bác sĩ cấp cứu phát hiện sớm, cho đi chụp hình ảnh sớm, sau đó báo các bác sĩ chuyên ngành tiến hành hội chẩn, can thiệp kịp thời thì cơ hội sống sót và bình phục của bệnh nhân rất cao. Ngược lại, nếu không có sự phối hợp giữa các khoa, phòng, không nhận biết dấu hiệu đột quỵ sớm của bệnh nhân, mất đi giờ vàng, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng.

Đến thời điểm này, không phải bệnh viện nào ở Việt Nam cũng có thể thực hiện được điều trị cấp. Không phải ở những nơi ấy không có nhân lực mà do ở đó, sự hợp tác giữa từng cá nhân, giữa từng khoa, phòng, sự ủng hộ của Ban lãnh đạo bệnh viện chưa đạt được điều kiện cần.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khen thưởng các tập thể có nhiều đóng góp trong công tác điều trị đột quỵ tại bệnh viện thời gian qua. Ảnh: H.Dung
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khen thưởng các tập thể có nhiều đóng góp trong công tác điều trị đột quỵ tại bệnh viện thời gian qua. Ảnh: H.Dung

* Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cực kỳ quan trọng

* Đối với một bệnh nhân bị đột quỵ, chất lượng cuộc sống sau khi được điều trị quan trọng hơn nhiều so với việc được cứu sống. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Không chỉ riêng tôi mà với hầu hết mọi người, chất lượng cuộc sống quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta sống. Theo nghiên cứu cho thấy, có khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ tử vong và có khoảng 80% bệnh nhân đột quỵ được cứu sống. Tuy nhiên, trong số 80% bệnh nhân được cứu sống có đến 70% bệnh nhân không thể quay trở về cuộc sống trước khi bị đột quỵ.

Ví dụ, một nhân viên văn phòng nếu chẳng may bị đột quỵ, được cứu sống nhưng không thể làm công việc cũ, hoặc một bác sĩ nếu chẳng may bị đột quỵ, dù được cứu sống nhưng  không thể quay trở lại làm công việc của một bác sĩ như trước kia. Điều này có nghĩa là người bị đột quỵ mặc dù được cứu sống nhưng sẽ trở thành gánh nặng không nhỏ cho gia đình, xã hội. Chất lượng cuộc sống của bản thân người bị đột quỵ bị sa sút rất nhiều. Có những người lâm vào trầm cảm, thậm chí tự tử vì không thể chịu đựng nổi chất lượng cuộc sống sau khi được cứu sống vì đột quỵ. Chính vì thế, mục đích của bác sĩ đột quỵ không chỉ là cứu được mạng sống cho bệnh nhân mà phải điều trị như thế nào để bệnh nhân có thể đạt được chất lượng cuộc sống tốt nhất sau điều trị.

* Mức chứng nhận cao nhất trong điều trị đột quỵ là Kim cương. Vậy làm thế nào để đạt được chứng nhận này?

- Cho đến nay, chưa có trung tâm, đơn vị điều trị đột quỵ nào ở Việt Nam đạt được chứng nhận Kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới, bởi đây là một tiêu chuẩn cực kỳ khó, đòi hỏi trung tâm, đơn vị đó phải gần như hoàn hảo. Ngay cả những nước châu Âu, để đạt được tiêu chuẩn Kim cương cũng không phải đơn giản.

Có rất nhiều tiêu chí khắt khe của chứng nhận này, không chỉ ở vấn đề chủ quan là tay nghề, trình độ của bác sĩ, của bệnh viện mà ở cả những điều kiện khách quan mà bác sĩ không hoặc khó có thể thực hiện được. Chẳng hạn như tiêu chí tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được tái tưới máu. Trong điều trị tái tưới máu, điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến bệnh viện kịp thời gian. Vì thế, mặc dù bác sĩ điều trị tốt nhưng tỷ lệ bệnh nhân đến với bệnh viện trong giờ vàng đạt thấp thì đơn vị đó cũng không thể đạt chứng nhận Kim cương. Do đó, đòi hỏi trung tâm, đơn vị điều trị đột quỵ đó không chỉ hoạt động tốt mà còn phải có sự phối hợp, hoạt động với cộng đồng, để người dân nhận biết được triệu chứng đột quỵ, đến bệnh viện sớm để được điều trị tốt.

* Xin cảm ơn ông!

Quy trình điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai như sau: Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu, nhân viên y tế tiến hành nhận bệnh và xử trí ban đầu. Sau đó, Khoa Cấp cứu mời bác sĩ nội thần kinh hội chẩn khẩn, bệnh nhân được đưa vào chụp CT ngay tại Khoa Cấp cứu. Bác sĩ nội thần kinh cho y lệnh điều trị thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân được chụp CT động mạch não, được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ dưới hệ thống DSA và chuyển đến Khoa Nội thần kinh để tiếp tục được điều trị.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều