Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Tân Phú đã lãnh đạo đạt và vượt 25/26 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XI. Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho biết:
Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Tân Phú đã lãnh đạo đạt và vượt 25/26 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XI. Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành cho biết:
Bí thư Huyện ủy Tân Phú Nguyễn Trung Thành kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng tại Đảng bộ xã Phú Lộc - một trong 2 Đảng bộ được chọn đại hội điểm nhiệm kỳ 2020-2025 |
- Từ một huyện còn nhiều khó khăn, Tân Phú đã từng bước vươn lên. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng tăng tỉ trọng thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng.
Năm 2020 cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 43,82% (năm 2015 là 49,01%), công nghiệp xây dựng chiếm 19,75% (năm 2015 là 15,68%), thương mại dịch vụ chiếm 36,43% (năm 2015 là 35,31%); sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm, thực hiện tích cực; lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ.
Năm 2018, huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng, là kết quả nổi bật nhất của huyện trong gần 5 năm qua.
* Chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới
Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những kết quả nổi bật từ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện?
- Tân Phú bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp: tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn… nhưng với sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng vào cuộc của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả ấn tượng.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Tân Phú xác định tập trung 3 nhóm giải pháp lớn về kinh tế; văn hóa xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền và công tác Dân vận. Trong đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao; chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ… |
5 năm qua, tổng nguồn huy động trong nhân dân và trong xã hội đạt hơn 70 tỷ đồng cùng ngân sách nhà nước tập trung nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 55,49 triệu đồng (năm 2015 là 35,6 triệu đồng/người); hộ nghèo giảm mạnh từ 4,98% năm 2015 xuống còn 0,75% hiện nay (tương đương giảm 1.654 hộ)...
Tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn đạt 7.704 tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 38,7km đường huyện ngoài đô thị, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100% (năm 2015 mới chỉ 62%); 100% đường trục xã được bê tông hóa, nhựa hóa; hệ thống đường trục thôn, ngõ, xóm, nội đồng được bê tông, cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; hơn 99,9% hộ dân được sử dụng điện...
Hiện nay, Tân Phú có 11 dự án đã và đang thực hiện theo kế hoạch giai đoạn 2011-2020 với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án giao thông lớn như: nâng cấp đường Tà Lài - Trà Cổ; dự án xây dựng đường Đắc Lua nối với ấp 7 đang được đầu tư hoàn thiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có dự án mở rộng, nâng cấp đường kết nối Trà Cổ - Tà Lài (đường 774B) từ xã Phú Điền đến xã Nam Cát Tiên dài hơn 20km...
Hệ thống này khi hoàn thiện tạo điều kiện để Tân Phú khai thác được các tiềm năng kinh tế, du lịch và thương mại...
Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, theo đồng chí, đâu là nguyên nhân để huyện đạt được những kết quả này?
- Có được những kết quả này, Đảng bộ huyện đã luôn giữ vững khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và toàn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có tính then chốt để lãnh đạo.
Khi tổ chức thực hiện phải năng động, sáng tạo, sâu sát thực tiễn, có kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, điều hành quyết liệt, công khai, minh bạch...
* Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển
Quá trình thực hiện nghị quyết đối với một huyện về đích nông thôn mới muộn như Tân Phú còn gặp phải những khó khăn, thách thức nào, thưa đồng chí?
- Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng như trên nhưng nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện nhận thấy còn một số khó khăn, thách thức. Đó là, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn vẫn còn luẩn quẩn trong vòng “trồng - chặt” và khó tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Một số vùng thực hiện đúng quy hoạch thì chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn mác nông sản, hàng hóa nên khó khăn để tổ chức chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư nhưng chưa thực sự đồng bộ, còn chắp vá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án du lịch kết hợp với sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn còn hạn chế; việc huy động nguồn lực trong nhân dân đối với một địa bàn vùng núi còn nhiều khó khăn...
Trước những khó khăn, thách thức, Đảng bộ huyện tập trung vào những giải pháp gì để thúc đẩy huyện nông thôn miền núi phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
- Thời gian còn lại của nhiệm kỳ không nhiều, Huyện ủy sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm thực hiện tốt chương trình Mỗi xã một sản phẩm như: nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ; trồng bưởi tại xã Tà Lài; trồng sầu riêng ở xã Phú An hay rau sạch tại xã Phú Lâm... để phát huy hiệu quả sản phẩm chủ lực, có lợi thế về chi phí sản xuất, xây dựng chiến lược phát triển, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải...
Mô hình rau an toàn của nông dân xã Phú Lâm, H.Tân Phú |
Cùng với đó, tổ chức lại, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX để tạo tiền đề thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối sản xuất và tiêu thụ. Bởi thực tế, Tân Phú hiện có 37 HTX, trong đó có 19 HTX nông nghiệp nhưng do còn nhiều hạn chế trong tổ chức hoạt động nên người dân thường bị thương lái ép giá; rất khó để tổ chức được việc sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng các hình thức đầu tư ở tất cả các lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật để huy động cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tân Phú sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật để mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực về đầu tư vào khu công nghiệp huyện cũng như các dự án du lịch có tiềm năng trên địa bàn.
Đến nay, công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp trong huyện được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
- Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chủ động ban hành kế hoạch cụ thể hóa Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch 290-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 35 để thực hiện. Trong đó, huyện đã thành lập các tiểu ban: Văn kiện, nhân sự và phục vụ đại hội; ban hành kế hoạch thành lập các đoàn giám sát công tác chuẩn bị đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến nay, các chi, Đảng bộ cơ sở đã xây dựng xong văn kiện, tổ chức lấy ý kiến theo quy định; đồng thời thực hiện các bước hoàn thành Đề án nhân sự trình Ban thường vụ Huyện ủy phê duyệt. Đối với 2 Đảng bộ được chọn đại hội điểm, Ban thường vụ Huyện ủy đã họp xét duyệt nội dung văn kiện, công tác nhân sự và sẽ tổ chức đại hội cuối tháng 3-2020.
Ban thường vụ Huyện ủy tập trung xây dựng báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm Ban chấp hành Đảng bộ huyện cũng như chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 theo hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh ủy. Báo cáo chính trị đến nay đã được thông qua lần 6 và đang tiếp tục hoàn chỉnh để trình Ban chấp hành Đảng bộ huyện lấy ý kiến đóng góp theo quy định,
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyệt Trinh (thực hiện)