Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai đã sẵn sàng cho 'hậu' nông thôn mới

09:02, 10/02/2020

Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), Đồng Nai đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng khi là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2019.

Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010-2020, Đồng Nai đạt nhiều thành quả ấn tượng khi là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2019; vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích nổi bật trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (bìa trái) đi kiểm tra kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Thống Nhất. Ảnh: L.Quyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (bìa trái) đi kiểm tra kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Thống Nhất. Ảnh: L.Quyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM Đồng Nai Võ Văn Chánh đã có chia sẻ về những thành quả cũng như về mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh trong thời gian tới.

* Thành tích ấn tượng

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả chương trình xây dựng NTM của Đồng Nai trong năm 2019?

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, Đồng Nai sẽ không có “điểm dừng” trong xây dựng NTM. Đồng Nai không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM và NTM nâng cao mà muốn đi vào thực chất. Trong đó phát triển NTM theo hướng hiện đại, phồn vinh nhưng vẫn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đảm bảo sự hài hòa với các tiêu chí phát triển kinh tế và văn hóa, giáo dục, môi trường…

- Nhìn lại năm 2019, ngành nông nghiệp nói riêng và phong trào xây dựng NTM của tỉnh nói chung đều đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Bản thân tôi cũng không nghĩ sẽ đạt được kết quả ấn tượng đến vậy vì những mục tiêu đặt ra trong năm này đều rất khó.

Trong quá trình thực hiện tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn như việc công nhận hoàn thành NTM cho 3 đơn vị cấp huyện cuối cùng, rồi khi 100% đơn vị này đều hoàn thành các tiêu chí NTM thì lại chưa có quy định quy chuẩn đạt NTM cho cấp tỉnh nên cũng gặp khó khăn về quy trình thủ tục, hồ sơ, nhất là vấn đề lấy ý kiến đồng thuận của người dân. Vượt qua rất nhiều thách thức, đến phút cuối, Đồng Nai mới chắc chắn về kết quả tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều khen thưởng khác cho các địa phương.

* Những thành tích nổi bật của Đồng Nai trong xây dựng NTM suốt 10 năm qua là gì, thưa ông?

- Năm 2019, Đồng Nai tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng NTM nhưng thực chất chỉ mới thực hiện trong 9 năm. Đồng Nai đã đạt được những kết quả rất ấn tượng, sâu sắc. Trong xây dựng NTM nâng cao Đồng Nai cũng vượt kế hoạch rất xa, toàn tỉnh hiện có 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn. Cụ thể, mục tiêu đặt ra trong năm 2019, toàn tỉnh chỉ có thêm từ 5-7 xã nhưng lại có đến 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và nhiều xã khác cũng đang trình hồ sơ để xem xét công nhận. Với đà này, đến năm 2025 thậm chí sớm hơn, Đồng Nai sẽ hoàn thành mục tiêu về NTM nâng cao.

Có được kết quả đột phá này vì ngay từ đầu năm 2015, Đồng Nai đã chủ động bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Theo quy luật, những năm đầu đạt ít và từ nay trở đi sẽ có nhiều xã hoàn thành NTM nâng cao chứ không phải là chạy theo thành tích. Việc đánh giá, công nhận xã NTM nâng cao được thực hiện rất khách quan, công bằng.

* Thưa ông, Đồng Nai có sự chuẩn bị gì trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo?

Đồng Nai đã tổ chức được 120 chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Tỉnh cũng có trên 3 ngàn trang trại với quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không ít mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu tốt đi nhiều thị trường khó tính. Hỗ trợ cho phát triển sản xuất, Đồng Nai đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn với ấn tượng nổi bật là không để xảy ra nợ đọng trong xây dựng NTM.

- Tuy đạt được kết quả ấn tượng nhưng Đồng Nai vẫn rất chủ động chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo để “không ngủ quên” trên thành tích đã đạt được. Từ năm 2019, Đồng Nai đã củng cố toàn bộ cơ sở pháp lý để xây dựng NTM bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt là ra được 2 chỉ thị của Ban TVTU gồm Chỉ thị về Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chỉ thị chỉ đạo về việc tiếp tục xây dựng NTM, NTM nâng cao, đặc biệt là đã ban hành được Bộ tiêu chí cho NTM kiểu mẫu.

Đến giờ này, Đồng Nai là tỉnh duy nhất trong cả nước có đủ 3 bộ tiêu chí trên cho thấy việc triển khai chương trình này rất bài bản, chặt chẽ. Việc chuẩn bị của Đồng Nai cho những năm tiếp theo của “hậu” NTM cũng được thực hiện rất tốt, thời gian tới chúng ta chỉ điều chỉnh, bổ sung và tiếp tục triển khai vào thực tế. Khởi điểm là Đồng Nai cũng đã có được xã NTM kiểu mẫu đầu tiên trong năm 2019.

* Phát triển sản xuất bền vững

 * Mục tiêu đặt ra cho “hậu” NTM của Đồng Nai là gì, thưa ông?

- Năm 2020, NTM nâng cao phải đặt mục tiêu chuẩn các xã đạt sau phải cao hơn các xã trước đó để phấn đấu thi đua chứ không chạy theo hình thức. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao cũng hoàn toàn nằm trong khả năng.

Về NTM kiểu mẫu, Đồng Nai có Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn làm thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Đồng Nai đã phê duyệt Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”. Đây là yêu cầu rất khó nhưng Đồng Nai sẽ nỗ lực để đạt mục tiêu đề ra.

* Định hướng của Đồng Nai trong phát triển nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn, bền vững gắn với xây dựng NTM như thế nào, thưa ông?

- Phát triển sản xuất là điều cốt lõi cho ngành nông nghiệp cũng như trong xây dựng NTM. Chính vì vậy, công tác chỉ đạo phát triển nông nghiệp của tỉnh được thực hiện rất quyết liệt; đặc biệt là nhiều đề án hay được lập ra với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Mục tiêu trong năm nay là tập trung mũi nhọn vào chủ đề phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Muốn sản xuất hàng hóa thì phải tập trung. Hiện tỉnh đã chuẩn bị cho sản xuất hàng hóa vì đã quy hoạch, hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn hơn 50 ngàn hécta các cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, sầu riêng, chôm chôm...

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết trong nông nghiệp hiện còn bấp bênh, thiếu bền vững nên cần đánh giá lại. Xây dựng chuỗi gì, chuỗi ở đâu, hình thức như thế nào phải rất cụ thể, thành một chương trình, giao trách nhiệm cho từng đơn vị liên quan.

Nhưng đầu tư chế biến sâu mới là lời giải căn cơ cho sự phát triển bền vững này. Tôi đã đưa nội dung này vào nghị quyết chỉ đạo trong năm 2020, đồng thời cũng đưa vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới để triển khai thực hiện. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển 2 cụm công nghiệp chế biến ở các huyện Định Quán và Cẩm Mỹ. Ngân sách tỉnh sẽ bỏ ra trong công tác giải phóng mặt bằng cho các cụm công nghiệp trên rồi kêu gọi các nhà máy chế biến vào các cụm này. Mục tiêu là Đồng Nai trở thành một vùng chế biến sâu của khu vực và cả nước.

* Xin cảm ơn ông!

Kế hoạch thực hiện chương trình NTM trong năm 2020, tuy được tỉnh giao chỉ tiêu có thêm 5-7 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu, nhưng mục tiêu các địa phương trên địa bàn tỉnh đặt ra cao hơn nhiều so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh sẽ có thêm ít nhất từ 10-12 xã NTM nâng cao và hiện các địa phương đăng ký xây dựng thêm 4 xã NTM kiểu mẫu trong năm 2020.

Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, các địa phương không chọn thực hiện kiểu mẫu với các tiêu chí dễ dàng mà chọn giải quyết những vấn đề còn hạn chế, khó khăn cố hữu của ngành nông nghiệp. Các xã NTM nâng cao trên địa bàn Đồng Nai hiện hình thành 2 nhóm rõ rệt: nông thôn giàu bản sắc dựa trên nền sản xuất nông nghiệp và nông thôn chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Lê Quyên (thực hiện)

Tin xem nhiều