Báo Đồng Nai điện tử
En

'Tự tìm cơ hội từ các hiệp định thương mại'

04:12, 07/12/2019

Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các nước, tổ chức khu vực trên thế giới. Là một nền kinh tế mở, việc ký kết các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu cũng như nội lực của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam đã ký hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với các nước, tổ chức khu vực trên thế giới. Là một nền kinh tế mở, việc ký kết các FTA, đặc biệt là những FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu cũng như nội lực của nền kinh tế Việt Nam. TS.Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc VCCI đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

TS.Nguyễn Thị Thu Trang
TS.Nguyễn Thị Thu Trang

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang, cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Việc có hiện thực hóa được cơ hội hay không lại phải trông đợi vào chính sự chủ động của doanh nghiệp, Nhà nước hay các tổ chức nào khác không thể làm thay được.

* Cơ hội mở rộng quy mô xuất khẩu

* Thưa bà, các FTA thế hệ mới có ý nghĩa như thế nào đối với hàng xuất khẩu Việt Nam?

-  “FTA thế hệ mới” có những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các FTA truyền thống nhưng mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình). Cơ chế thực thi các hiệp định chặt chẽ và mở rộng ra cả những lĩnh vực như: lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Việt Nam hiện đã tham gia một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA. Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng cùng những cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA. Những sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép… được dự báo sẽ có tốc độ gia tăng giá trị xuất khẩu nhanh chóng.

* Cụ thể hơn, hàng hóa Việt Nam sẽ có những lợi thế gì?

“Có được cơ hội là may mắn, nhưng lãng phí cơ hội sẽ rất có tội, thậm chí tội lớn. Chúng tôi đang cố gắng để tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức thương mại để doanh nghiệp nắm rõ hơn các cam kết. Doanh nghiệp cũng có thể liên hệ trực tiếp tới VCCI để làm rõ những thắc mắc của mình. Hơn ai hết, bản thân doanh nghiệp phải chủ động thì mới có thể hội nhập thành công được”.

- CPTPP cũng như EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hơn là thách thức. Bởi vì cơ cấu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và các thành viên mang tính bổ sung cho nhau mà không cạnh tranh trực tiếp. Phân khúc thị trường xuất khẩu của Việt Nam và các quốc gia khác cũng khác nhau và thực tế doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thích ứng, tận dụng các thị trường, phân khúc khá tốt. Ngay cả việc cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước, giữa các nước với nhau cũng giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam được hưởng lợi nhờ đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, công nghệ phục vụ sản xuất cũng như giảm giá nguyên liệu.

Kết quả thực tế cho thấy điều đó. Đơn cử như CPTTP được Việt Nam thông qua từ đầu năm và đến hết tháng 11-2019, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada 11 tháng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%...

* Không chỉ cam kết về xuất nhập khẩu, các hiệp định này đặt ra những yêu cầu phải cải cách ngay chính các vấn đề trong nước, nhưng cụ thể là cải cách gì, thưa bà?

- Việc thực thi các FTA thế hệ mới cũng đồng nghĩa với việc Chính phủ cam kết hoàn thiện thể chế, cải cách môi trường kinh doanh, tạo cơ chế thuận lợi thương mại, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ… Những vấn đề này sẽ hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên về thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với nhiều nước đối tác cũng như thông lệ quốc tế. Điều này bắt buộc Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa. Bởi chính những hạn chế trong môi trường thu hút đầu tư sẽ là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, dẫn tới năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế thấp.

* Hơn ai hết, doanh nghiệp phải chủ động

* Bà đánh giá như thế nào về sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, đón nhận các FTA thế hệ mới?

- Hiện nay, CPTTP đã có hiệu lực đối với 7/11 nước tham gia, còn EVFTA vẫn phải chờ các nước châu Âu và liên minh phê chuẩn. Các cam kết trong CPTPP tạo ra những lợi ích lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong nước đã nhìn nhận và bắt đầu tận dụng được những cơ hội mà hiệp định này mang lại. Tuy nhiên, từ thực tế tận dụng các FTA cũ và mới vừa qua, có một điểm dễ thấy là hiểu biết của doanh nghiệp về các yêu cầu, ưu đãi còn hạn chế.

“Cần lưu ý với các doanh nghiệp rằng, những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cải cách thể chế của Việt Nam đều có lộ trình. Thay vì để hưởng lợi thêm trong ngắn hạn thì doanh nghiệp cần tận dụng thời gian này xây dựng chiến lược phát triển bài bản, dài hạn của mình”.

Theo khảo sát của VCCI, vẫn có nhiều trở ngại với doanh nghiệp khi tìm hiểu như các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị. Hai yếu tố cản trở nhất đối với việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn cho rằng quy tắc xuất xứ quá khó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thấp so với đối thủ...

Theo tôi, để có thể hưởng lợi từ CPTPP thì doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần phải chủ động tìm hiểu thông tin, chủ động nêu khó khăn để cơ quan nhà nước hiểu và tìm cách tháo gỡ. Đối với xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cơ hội về thuế quan, các điều kiện về quy tắc xuất xứ, từ đó chuẩn bị điều chỉnh nguồn nguyên liệu, cách thức sản xuất, tìm kiếm khách hàng ở các thị trường này để được hưởng những lợi ích tốt nhất.

* Để trợ giúp doanh nghiệp trong nắm bắt thông tin, các cơ quan nhà nước cần làm gì?

- CPTPP đã có hiệu lực, EVFTA thì sắp sửa có. Theo tôi, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền và hiệp định, còn một việc khác cũng cần được đẩy mạnh là rà soát và chuyển hóa các cam kết CPTPP vào pháp luật nội địa.

Do đó, việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần sự nâng đỡ và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội giúp họ hiểu cam kết, có những thay đổi chính sách để từ đó tạo đà nâng cao năng lực sản xuất, mở đường hội nhập.

 Nhưng chắc chắn không ai có thể làm thay được doanh nghiệp nếu muốn “lớn lên” và hội nhập?

- CPTPP, EVFTA và các hiệp định khác mang lại nhiều cơ hội, nhưng cơ hội chỉ là tiềm năng, hiện thực hóa cơ hội được hay không là hoàn toàn khác. Điều này thì phải phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp.

Về định tính, chúng ta thống nhất với nhau là thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội, song cơ hội của Việt Nam, những cam kết ưu đãi cũng công bằng như nhau đối với doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác tham gia hiệp định. Dù là VCCI, hay các cơ quan nhà nước, Chính phủ nỗ lực thay đổi môi trường đầu tư, cải cách thể chế... thì cũng không thể làm thay doanh nghiệp được. Điều đầu tiên là bản thân doanh nghiệp cần chủ động trong việc thay đổi mình nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải dũng cảm để thay đổi, đón đầu cái mới thì bản thân doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế mới có khả năng thay đổi, vươn lên mạnh mẽ.

 Xin cảm ơn bà!

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều