PGS-TS.Trần Văn Ơn hiện là Trưởng bộ môn Thực vật (Trường đại học dược Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Dược Khoa (DK Pharma). Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế vì những đóng góp cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn.
PGS-TS.Trần Văn Ơn. |
PGS-TS.Trần Văn Ơn hiện là Trưởng bộ môn Thực vật (Trường đại học dược Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Dược Khoa (DK Pharma). Ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế vì những đóng góp cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn. Ông đã xây dựng và phát triển 15 hợp tác xã, công ty cổ phần tại cộng đồng để phát triển dược liệu ở Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh...
Với vai trò là Tư vấn quốc gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), PGS-TS.Trần Văn Ơn cho biết OCOP không chỉ là chương trình phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề về chính trị, xã hội ở vùng nông thôn.
* “Làn gió mới” cho nông thôn mới
Được xem là “làn gió mới” và là đề án quan trọng của xây dựng nông thôn mới từ nay trở đi, vậy có thể hiểu như thế nào về OCOP, thưa PGS?
- OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị; do thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
OCOP yêu cầu triển khai một cách có hệ thống với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà không phải là một phong trào hay cuộc vận động, lại càng không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp. Vì OCOP không đơn thuần là chương trình kinh tế mà còn tham gia thực hiện các vấn đề chính trị, xã hội ở vùng nông thôn. Nó tham gia giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn, như hình thành và tái cấu trúc các hợp tác xã, doanh nghiệp ở vùng nông thôn, từ đó người dân thông qua góp vốn vào các hợp tác xã, doanh nghiệp trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế hợp tác.
PGS-TS.Trần Văn Ơn đã xây dựng và triển khai dự án về phát triển dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo ở 6 huyện nghèo của Hà Giang nhằm đưa tỉnh này thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu gắn với du lịch. Ông còn thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học và công bố hơn 100 bài báo, công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. |
Chương trình còn góp phần thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, tạo công ăn việc làm thông qua sản xuất - kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ có lợi thế, hạn chế tình trạng nông dân đổ về các thành phố tìm việc làm; đào tạo, huấn luyện nhân lực tham gia OCOP.
* Chương trình này được triển khai như thế nào?
- Chương trình OCOP được triển khai thí điểm ở tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013 (là mô hình nhiều nước đã triển khai). “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 7-5-2018.
Như vậy, chương trình chỉ mới được chính thức triển khai trên toàn quốc gần 1 năm nay. Hiện cả nước có 39 tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình ở các mức độ khác nhau. So với tỉnh Quảng Ninh và nhiều quốc gia khác, Chương trình OCOP ở Việt Nam đang ở bước đầu tiên của giai đoạn 1 của OCOP là hình thành hệ thống.
Giai đoạn này gồm 3 năm (2018-2020) với mục tiêu là hình thành được hệ thống hỗ trợ cộng đồng thực hiện OCOP từ Trung ương đến địa phương, từ xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức đến bố trí cán bộ và triển khai trơn tru ít nhất 1 chu trình OCOP thường niên, từ đó hiểu rõ nội hàm, các khái niệm, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai giai đoạn 2.
* Nên chọn sản phẩm và dịch vụ như thế nào để tham gia đề án OCOP cho hiệu quả?
- Thời gian qua, trong kế hoạch triển khai, một số tỉnh có xu hướng chỉ chấp nhận và hỗ trợ sản phẩm đã có, còn việc hình thành và phát triển ý tưởng, hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp... là của cộng đồng. Có tỉnh định hướng và dồn lực cho sản phẩm có quy mô lớn, đã phát triển. Điều này sẽ bỏ sót các sản phẩm có tiềm năng khác, một mặt nó làm “lệch” định hướng của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn xác định rõ chương trình chia ra 3 trục sản phẩm và phát triển theo quy tắc hình tháp gồm: sản phẩm cấp quốc gia (sản phẩm tỷ USD); sản phẩm cấp tỉnh (sản phẩm trăm triệu USD) và sản phẩm cấp cộng đồng.
Trong đó, sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc về trục thứ ba và sản phẩm ở trục này có thể phát triển lên trục thứ hai, thậm chí trục thứ nhất. Các ngành hàng được xác định trong Chương trình OCOP cần dựa trên thực tiễn chung về các lợi thế và khả năng đầu tư của cộng đồng ở từng vùng nông thôn.
* Phải để nông dân chọn
* Theo ông, cần phải quan tâm điều cốt lõi gì trong thực hiện OCOP nếu không muốn đề án này “biến” thành một đề án có tính hình thức, không hiệu quả và thiếu thực tế?
- Do nhận thức về OCOP rất khác nhau. “Xương sống” của OCOP là chu trình thường niên, có nghĩa là năm nào đến kỳ cũng phải làm và được lặp đi lặp lại hằng năm.
Hiện cả nước có 12 tỉnh, thành phố được xác định chỉ đạo điểm như: Quảng Ninh, Hà Giang, Sơn La, Hà Nội... Ngày 8-3-2019, tại hội nghị toàn quốc văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2019 diễn ra ở Đồng Nai, các đơn vị đã tham gia ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. |
Điều đầu tiên phải xác định là các sản phẩm phải do nông dân đề xuất chứ không phải là chỉ định từ trên xuống. Khi nông dân tự đề xuất, họ sẽ tự giác theo đuổi ý tưởng của mình và dành nguồn lực để thực hiện nó. Một số địa phương vì nhiều lý do khác nhau đã xác định và chỉ định “ai phải làm sản phẩm nào” là sai cơ bản về nguyên tắc. Thứ 2, dựa trên đề xuất của nông dân, Nhà nước “bám theo” để hỗ trợ một cách toàn diện. Thứ 3, tất cả các sản phẩm đã đăng ký OCOP phải tham gia giới thiệu. Điều thứ 4 là được hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Có địa phương đã tiến hành đào tạo, huấn luyện cho các giám đốc hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác, chủ trang trại... trước khi nông dân đề xuất ý tưởng sản phẩm. Nhiều người được đào tạo, huấn luyện mà không đề xuất ý tưởng và ngược lại, nông dân đề xuất ý tưởng về sản phẩm lại chưa được đào tạo. Điều này có nghĩa phải “lội ngược dòng” để đào tạo, huấn luyện lại dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực. Các sản phẩm tham gia chương trình bắt buộc phải được chấm điểm và phân hạng theo tiêu chí.
* Vai trò của nông dân nói riêng và người dân nói chung, nhất là trong huy động nguồn lực cho đề án này như thế nào, thưa PGS?
- Việc triển khai OCOP sẽ thất bại nếu chỉ dựa trên nguồn ngân sách. Chương trình OCOP luôn xác định huy động nguồn lực từ người dân là rất lớn, lớn hơn nguồn lực từ ngân sách. Các nguồn lực này rất đa dạng như: tiền bạc, đất đai đến nguyên vật liệu, nhân công, công nghệ, sở hữu trí tuệ... Tất cả cần được chuyển thành vốn góp trong quá trình hình thành các pháp nhân kinh doanh như: hợp tác xã, doanh nghiệp. Huy động được nguồn lực của người dân còn có vai trò quan trọng là để thực hiện nguyên tắc “vốn chủ trước, vốn vay/hỗ trợ sau” trong kinh doanh.
* Ở bước khởi đầu còn nhiều lúng túng, xin PGS chia sẻ kinh nghiệm bắt tay vào triển khai thế nào để đề án không bị chậm trễ?
- Rất nhiều tỉnh loay hoay không biết triển khai OCOP từ đâu. Mấu chốt của triển khai OCOP là tổ chức các hội nghị triển khai OCOP cấp huyện. Khởi đầu tốt từ cấp huyện, cơ quan chủ trì phát triển ý tưởng cho bà con; chấm thử nghiệm sản phẩm. Chỉ một vài tuần sau hội nghị đó, người dân nộp ý tưởng lên, từ đó cơ quan chủ trì bám sát theo hỗ trợ. Riêng tỉnh Quảng Nam, còn tổ chức hội nghị đến từng cấp xã và hiệu quả rất tốt.
Mấu chốt khi triển khai OCOP là tổ chức được “Phòng OCOP” tại ban nông thôn mới hoặc chi cục phát triển nông thôn ở mỗi tỉnh và phải bố trí được cán bộ có tâm, có tầm ở mỗi tỉnh, huyện.
* Về chính sách, đề án cần được hỗ trợ ở mặt nào?
- Một số tỉnh đã sử dụng một phần nguồn lực từ chương trình xây dựng nông thôn mới cho OCOP, từ đó có nguồn lực dồi dào trong triển khai. Ngoài nguồn lực nông thôn mới có nhiều nguồn lực khác sẵn có như: khoa học - công nghệ, khuyến công, đào tạo nghề... Phần lớn các tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí vốn là do sợ sai nguyên tắc. Văn phòng Điều phối nông thôn mới cần nhanh chóng rà soát lại các văn bản hiện hành và hướng dẫn các tỉnh cân đối vốn từ các nguồn sẵn có.
* Thưa PGS, một tỉnh công nghiệp như Đồng Nai có lợi thế nào khi triển khai chương trình OCOP?
- Lấy công nghiệp, lấy đô thị để nuôi nông thôn. Hành lang để Chương trình OCOP triển khai hiệu quả là xây dựng được chu trình rõ ràng và có đánh giá hằng năm. Địa phương nào cũng có những đặc sản vùng, miền, văn hóa vùng miền, cảnh quan vùng miền riêng. Đó cũng là lợi thế cạnh tranh của địa phương đó nên tập trung khai thác nó, không nên đi theo, bắt chước nơi khác.
Cảm ơn PGS!
Bình Nguyên (thực hiện)