Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tốt lợi thế, tạo bứt phá để phát triển

09:02, 11/02/2019

Vĩnh Cửu từng là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh ngày nay đã trở thành huyện nông thôn mới, đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình phát triển.

Vĩnh Cửu từng là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh ngày nay đã trở thành huyện nông thôn mới, đang chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình phát triển.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân báo cáo với lãnh đạo tỉnh một số kết quả thực hiện chỉ thị, Nghị quyết trong 6 tháng đầu năm 2018 của huyện
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân báo cáo với lãnh đạo tỉnh một số kết quả thực hiện chỉ thị, Nghị quyết trong 6 tháng đầu năm 2018 của huyện

Trao đổi với Báo Đồng Nai, đồng chí Trần Trung Nhân, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu cho biết, từ khi có Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện chương trình của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện đã khởi sắc. Trong đó, mức tăng trưởng kinh tế bình quân những năm qua của huyện đạt 7,89%. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã phát huy được sức mạnh của nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc để phát triển.

* Phát huy lợi thế để phát triển

 Đồng chí có thể cho biết những tiềm năng, lợi thế của huyện là gì và huyện đã khai thác tiềm năng, lợi thế đó như thế nào để góp phần vào những thay đổi trong sự phát triển đáng mừng ngày nay?

- Trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có hồ Trị An với diện tích hàng chục ngàn hécta, là nguồn nước phong phú phục vụ nước tưới cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Huyện còn có các cảnh quan nổi tiếng như: hồ Trị An, khu di tích lịch sử văn hóa Chiến khu Đ, các vườn cây ăn trái ven sông Đồng Nai... là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái và tham quan nghiên cứu.

Thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu khá “nóng” về tình trạng xây dựng trái phép do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, nhất là những xã giáp ranh TP.Biên Hòa. Để xử lý tình trạng này, Huyện ủy Vĩnh Cửu đã chỉ đạo thành lập Tổ phản ứng nhanh, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm trên lĩnh vực đất đai và xây dựng. Đến nay tất cả các trường hợp xây dựng trái phép đã được xử lý.

Những năm qua, huyện đã xác định tập trung phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay huyện Vĩnh Cửu có khá nhiều điểm du lịch đang được khai thác như: làng bưởi Tân Triều, homestay Bà Đất, Đảo Ó - Đồng Trường, sinh thái Cao Minh, du lịch Hồ Trăng, Chiến khu Đ và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Năm 2018, Vĩnh Cửu đã đón 85 ngàn lượt khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện, tăng 4 lần so với năm 2017, góp phần đáng kể tăng thêm nguồn thu cho huyện từ du lịch. Theo đó, Vĩnh Cửu đang đứng thứ 5/11 đơn vị cấp huyện có số thu ngân sách lớn.

Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển nông nghiệp, một đặc thù và cũng là thế mạnh của huyện. Huyện đã xác định một số cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tập trung phát triển cây có múi, nâng diện tích loại cây trồng này lên gần 7 ngàn hécta.

 Huyện Vĩnh Cửu vốn có bề dày truyền thống cách mạng, nơi ra đời chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Biên Hòa cũ (Chi bộ Bình Phước - Tân Triều). Tiếp nối truyền thống đó, công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện đã được chăm lo như thế nào, thưa đồng chí?

- Huyện Vĩnh Cửu rất tự hào là chiếc nôi của cách mạng, nơi có Chiến khu Đ nên công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm để Vĩnh Cửu không chỉ kiên cường trong kháng chiến mà ngày nay còn đi đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Theo đó, Đảng bộ huyện đã xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trước mắt cũng như lâu dài, là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Những năm qua, Đảng bộ huyện đã chú trọng xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu. Kết quả, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, số tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt hơn 80% và số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hơn 85% (đạt chỉ tiêu nghị quyết hằng năm của Huyện ủy). Đảng bộ huyện 4 năm liền (từ 2015 đến nay) được tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong giai đoạn 2011-2017, nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã đóng góp 7.247 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhân dân còn tự nguyện hiến đất và tài sản khác có trị giá 112 tỷ đồng để mở đường và xây dựng các công trình công cộng, góp phần hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Kết quả, huyện đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ huyện. Ngoài ra, huyện đã thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 4 xã rất có hiệu quả. Dự kiến đến năm 2021, huyện sẽ thực hiện mô hình này ở 5 xã nữa, nâng tổng số 9/11 xã thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã.

Huyện còn chú trọng đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ và thực hiện luân chuyển cán bộ để cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, phục vụ tốt hơn cho công việc. Đồng thời, luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời sai phạm để xây dựng đội ngũ cán bộ và bộ máy trong sạch vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.

* Bứt phá vươn lên

 Đồng chí có thể cho biết nhiệm vụ của Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu trong thời gian tới là gì?

- Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, quan tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác Dân vận và xây dựng chính quyền vững mạnh. Đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

 Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên, cần những điều kiện nào cho Vĩnh Cửu phát triển mạnh hơn nữa?

- Huyện Vĩnh Cửu rất cần tỉnh hỗ trợ cơ chế về đất đai để phát triển mạnh hơn nữa, nhất là du lịch. Thời gian qua có một số doanh nghiệp mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực du lịch, muốn vậy phải có đất để làm du lịch, nhưng quy định pháp luật liên quan đến đất đai cho phát triển du lịch còn nhiều vướng mắc. Huyện cũng đã kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét giao một phần đất của một số đơn vị đang sử dụng không hợp lý về cho huyện quản lý, để huyện có quỹ đất công thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Tuy là huyện có diện tích rất lớn, với 109 ngàn hécta, nhưng diện tích để phục vụ phát triển kinh tế cho địa phương chỉ khoảng 15 ngàn hécta, còn lại là diện tích rừng, hồ Trị An. Quỹ đất công do huyện quản lý còn rất ít, manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến không đảm bảo nhu cầu diện tích để thực hiện các dự án đầu tư.

Huyện cũng đã kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cầu, đường trên địa bàn huyện, kết nối giao thông giữa các vùng trong huyện và giữa Vĩnh Cửu với các huyện khác, góp phần đưa kinh tế của huyện ngày càng phát triển. Hỗ trợ huyện làm nông nghiệp hữu cơ; cho phép huyện chuyển đổi diện tích đất lúa ở khu vực Tân Triều (xã Tân Bình) sang trồng bưởi. Hiện nay, thu nhập từ trồng bưởi của người dân Tân Triều gấp khoảng 20 lần trồng lúa.

Gỡ được những khó khăn này có ý nghĩa rất lớn để Vĩnh Cửu có điều kiện bứt phá vươn lên.

 Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Hằng (thực hiện)

Tin xem nhiều