Trong những năm qua, ngành Tư pháp Đồng Nai luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trao đổi với Báo Đồng Nai về hoạt động của ngành, Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết:
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến. |
Trong những năm qua, ngành Tư pháp Đồng Nai luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trao đổi với Báo Đồng Nai về hoạt động của ngành, Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết:
Các hoạt động của ngành Tư pháp tỉnh thời gian qua đã có nhiều đổi mới, cải cách theo hướng vì nhân dân phục vụ, góp phần cùng với các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân; đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Xin ông cho biết vai trò “người gác cổng” của Sở Tư pháp trong công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao?
- Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh là khâu được Sở Tư pháp chú trọng, thận trọng và làm với trách nhiệm cao. Bởi đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Sở Tư pháp được UBND tỉnh giao phải làm tốt, kịp thời, chính xác. Qua đó, góp phần đảm bảo các văn bản pháp luật do địa phương ban hành phù hợp với các quy định, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước của địa phương và nguyện vọng của nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 11 nghị quyết, 33 quyết định, thực hiện góp ý 200 dự thảo và thẩm định 48 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực...
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác của Sở Tư pháp là cải cách hành chính. Công tác cải cách hành chính của ngành đã thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sở Tư pháp đã cụ thể hóa chủ trương cải cách hành chính bằng việc sớm công bố, niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; tăng cường tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu điện... Nếu như trước đây, người dân phải đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp tại Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai để làm lý lịch tư pháp thì hiện nay người dân có thể đăng ký tiếp nhận hồ sơ tại nhà qua bưu điện hoặc đăng ký hồ sơ qua mạng. Điều này giúp người dân hạn chế thời gian đi lại, chờ đợi để làm các thủ tục hành chính.
Ông nhận xét như thế nào về hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp (các tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng thừa phát lại, các tổ chức hành nghề luật sư, đấu giá...) trên địa bàn tỉnh?
- Hiện nay, các tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Công chức Sở Tư pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công. Ảnh: Đ.PHÚ |
Toàn tỉnh có 26 tổ chức hành nghề công chứng với 61 công chứng viên, 5 văn phòng thừa phát lại, 106 tổ chức hành nghề luật sư, 12 tổ chức hành nghề đấu giá. Nhìn chung hoạt động của phần lớn các tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo theo quy định pháp luật, đã góp phần đảm bảo các hợp đồng, giao dịch được thực hiện đúng pháp luật, hạn chế những tranh chấp, khiếu kiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận hành nghề luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản... chưa nhận thức một cách đầy đủ hoặc cố tình thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật cũng như quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Do đó, Sở Tư pháp đã và sẽ tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức này đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và phục vụ nhu cầu của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Tư pháp đã tiếp nhận hơn 11,2 ngàn hồ sơ thủ tục hành chính trên lĩnh vực tư pháp, giải quyết hơn 10,2 ngàn hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,15 %, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt gần 100%. |
Xin ông cho biết hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của ngành Tư pháp trong năm 2018 cần tiếp tục chú trọng nội dung nào?
- Nội dung tuyên truyền trọng tâm của ngành trong năm 2018 là những chủ trương, chính sách mới, các quy định pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: pháp luật dân sự, hình sự, giao thông đường bộ, bảo hiểm xã hội... Đặc biệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng các dự án, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng... Từ đầu năm đến nay, toàn ngành tư pháp tỉnh đã tổ chức được trên 27 ngàn buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, có trên 1,5 triệu lượt người dự, số tài liệu tuyên truyền được cấp trên 600 ngàn tài liệu. Điểm nổi bật là Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật năm 2018”; biên soạn và phát hành 10 ngàn cuốn tài liệu hỏi - đáp về các văn bản pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Đoàn Phú (thực hiện)