Vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe chữa cháy và xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (TP.Hà Nội) mới đây đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều về việc xe ưu tiên có được quyền đi ngược chiều trên đường cao tốc không?
Luật sư Ngô Văn Định. |
Vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe chữa cháy và xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (TP.Hà Nội) mới đây đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều về việc xe ưu tiên có được quyền đi ngược chiều trên đường cao tốc không?
Bạn đọc Báo Đồng Nai cũng có những ý kiến thắc mắc về quyền của các loại xe ưu tiên trong khi làm nhiệm vụ. Trao đổi về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho rằng:
- Trường hợp xe cứu hỏa đi ngược chiều trên đường cao tốc là đúng luật định, nhưng cần phải xem xét nhiều yếu tố pháp lý khác thì mới có thể kết luận đầy đủ.
Thưa ông, theo luật định thì những loại xe nào được xem là xe ưu tiên; quyền ưu tiên của phương tiện này được quy định ra sao?
- Luật Giao thông đường bộ quy định, xe ưu tiên là những loại phương tiện đang thực thi công vụ. Vì được quyền ưu tiên nên xe không bị hạn chế tốc độ và được phép đi vào đường ngược chiều hoặc bất cứ đường nào khác có thể đi được, kể cả khi đã có tín hiệu đèn đỏ (chỉ trừ đoàn xe tang).
Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước các phương tiện khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đang thực thi nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.
Liên quan đến vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (TP.Hà Nội) chiều 18-3 vừa qua khiến nhiều người thương vong, trong đó có 1 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hà Nội hy sinh đang gây ra nhiều tranh cãi về quyền ưu tiên của xe cứu hộ khi chạy ngược chiều. Trả lời các cơ quan truyền thông trong nước về vấn đề này, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Giao thông - vận tải) cho biết bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành và nhân dân về quy định xe ưu tiên được đi ngược chiều trên đường cao tốc để trình Chính phủ chủ trương sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. |
Theo đó, tất cả các phương tiện khi nhận được tín hiệu của xe ưu tiên thì người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường; nghiêm cấm các hành vi cản trở xe ưu tiên.
Luật cũng quy định, các xe được quyền ưu tiên kể trên (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có các tín hiệu, như: còi, cờ, đèn. Trong quá trình làm nhiệm vụ, xe không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều hay những đường khác có thể đi được, kể cả tại các giao lộ khi có đèn đỏ. Xe ưu tiên chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông ở những nơi giao lộ đông đúc những lúc cần thiết.
Trường hợp xe ô tô có gắn ở kính trước phù hiệu, logo của ngành công an, báo chí… hoặc giấy ra vào cơ quan nhà nước có được hưởng quyền ưu tiên không?
- Pháp luật về giao thông đường bộ không quy định về các trường hợp ưu tiên khi gắn logo trên xe. Ngay cả với các giấy ưu tiên của xe đại biểu dự các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao cũng chỉ có giá trị trong thời gian nhất định và tại điểm tổ chức sự kiện đó. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp xe gắn logo, giấy ra vào cơ quan nhà nước… bị cảnh sát giao thông xử lý vì vi phạm trật tự an toàn giao thông. Điều này cho thấy, một số chủ xe sử dụng các giấy tờ dán trên kính xe không hợp lệ hoặc được sử dụng không đúng quy định nên bị xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, không phải xe nào có trang bị các thiết bị ưu tiên thì có quyền ưu tiên.
Lâu nay có không ít trường hợp một số phương tiện ưu tiên không thực thi nhiệm vụ, như xe cứu thương không có bệnh nhân nguy cấp; xe chở bị can cũng hụ còi inh ỏi trên đường để được “quyền” ưu tiên. điều này có vi phạm pháp luật?
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy đưa người gặp nạn trong vụ cháy nhà ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa. Ảnh: DANH TRƯỜNG |
- Theo quy định, xe ưu tiên chỉ hưởng quyền ưu tiên khi làm nhiệm vụ. Trường hợp không làm nhiệm vụ thì bất cứ xe được hưởng quyền ưu tiên mà tham gia giao thông đều phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ như các xe thông thường khác. Ví dụ: nếu xe cứu thương không chở người bệnh cấp cứu hoặc chở người đi làm các công việc khẩn cấp khác sẽ không được hưởng quyền ưu tiên vì phương tiện bị sử dụng sai mục đích. Trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện xe sử dụng tín hiệu còi, đèn của xe ưu tiên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp thì được xem là xe ưu tiên, khi chở bị can đến tòa án để xét xử cũng được xem là đang thi hành nhiệm vụ khẩn cấp nên có thể sử dụng tín hiệu ưu tiên.
Từ vụ tai nạn giữa xe chữa cháy đi ngược chiều và xe khách trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đây, nhiều người cho rằng nếu tài xế xe chữa cháy thận trọng hơn khi đi ngược chiều từ ngã ba xuống đường cao tốc thì sẽ không xảy ra tai nạn. ông nhận định gì về góc độ pháp lý của vụ việc?
- Xét về quy định của Luật Giao thông đường bộ đối với quyền của xe ưu tiên như đã nêu ở trên thì xe chữa cháy đó đang trên đường đi làm nhiệm vụ cứu hộ nên không sai luật. Tuy nhiên, để có đánh giá chính xác đúng sai đối với toàn bộ vụ việc thì cần phải có nhiều căn cứ pháp lý khác.
Thực tế, việc ban hành Luật Giao thông đường bộ nhằm mục đích buộc những người tham gia lưu thông phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông để không để xảy ra những tình huống xấu có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Do vậy, khi sử dụng phương tiện giao thông dù được quyền ưu tiên thì cũng phải đáp ứng điều kiện trên. Nghĩa là xe ưu tiên trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện khác. Từ vụ tai nạn này, theo tôi các cơ quan chức năng cần bổ sung những quy định chưa đầy đủ để tránh xảy ra những trường hợp tương tự sau này.
Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)