Từ khi còn được bế trên tay, cách đây hơn 55 năm Trần Định đã theo cha mẹ (cặp đôi nghệ sĩ xiếc Trần Lực - Lê Hoa) đi biểu diễn khắp nơi cùng với 7 anh chị em khác trong gia đình. Gánh xiếc - ảo thuật gia đình lúc đó rất nổi tiếng và chuyên biểu diễn lưu động khắp cả nước.
Từ khi còn được bế trên tay, cách đây hơn 55 năm Trần Định đã theo cha mẹ (cặp đôi nghệ sĩ xiếc Trần Lực - Lê Hoa) đi biểu diễn khắp nơi cùng với 7 anh chị em khác trong gia đình. Gánh xiếc - ảo thuật gia đình lúc đó rất nổi tiếng và chuyên biểu diễn lưu động khắp cả nước. Trần Định sau đó mau chóng học nghề xiếc và ảo thuật, sân khấu từ rất sớm và theo nghề suốt hơn 50 năm qua, trở thành một trong những tên tuổi nổi tiếng của ngành ảo thuật Việt Nam.
Ông là ảo thuật gia đầu tiên của Việt Nam tham gia liên hoan ảo thuật quốc tế vào năm 2010 với những tiết mục đạt độ khó cao, như: chặt người làm 8 khúc, bay trên nước thoát hiểm 24 mũi chông... và đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhỏ tại các liên hoan xiếc - ảo thuật trong và ngoài nước. Hiện tại cả vợ, con trai, con gái, con dâu và cháu nội ông cũng theo ông lên sân khấu biểu diễn. Và các thành viên trong “gia đình ảo thuật” của ông (hiện ở TX.Long Khánh) đều có tuổi nghề gần bằng tuổi đời, được tiếp cận và tôi luyện với nghệ thuật xiếc - ảo thuật ngay từ khi mới chào đời, trong đó có con trai ông - ảo thuật gia Trần Dũng - giờ cũng rất thành công.
* Theo nghề là xác định gian khổ
Hơn 50 năm theo nghề, ông có nhận thấy xiếc - ảo thuật là nghề nghiệp thử thách người nghệ sĩ rất nhiều?
- Trong các bộ môn nghệ thuật, thì xiếc - ảo thuật được coi là vất vả nhất. Đơn cử, là vấn đề tai nạn nghề nghiệp, vì chúng tôi phải tập luyện và biểu diễn với dao, chông, mũi tên, độ cao... và chỉ cần sơ ý thì chấn thương ngay. Ví dụ, màn biểu diễn đu bay, do thiếu thốn về dụng cụ nên anh em trong đoàn phải biểu diễn mà không có lưới hứng, phải tính toán làm sao để từ chỗ chiếc đu này phải nắm bằng được chiếc đu kia, tuột tay là rớt xuống chấn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi gặp những chấn thương nhỏ hàng ngày, lâu lâu thì gãy tay, gãy chân...
Xiếc - ảo thuật cũng đòi hỏi sự sáng tạo lớn vì không nhiều nơi dạy làm các tiết mục mới, đi nước ngoài học thì không có điều kiện nên chúng tôi phải vừa diễn kiếm sống vừa sáng tạo tiết mục. Thời gian tập luyện trong ngày ít nhất 4 tiếng liên tục, người nghệ sĩ xiếc - ảo thuật không bao giờ được bỏ bê tập luyện vì chỉ cần lơ là, độ khéo léo sẽ mất đi ngay và không diễn được nữa.
Xiếc - ảo thuật là một ngành khá đặc biệt, đòi hỏi đầu tư khá nhiều về đạo cụ biểu diễn. Ông và các nghệ sĩ khác xử lý điều này ra sao?
- Người ngoài không mấy ai biết, đến cả các đạo cụ để biểu diễn, chúng tôi cũng phải đặt làm riêng hoặc mày mò tự chế. Điều này làm phát sinh các vấn đề, như: chi phí cao, mất thời gian sửa đi sửa lại và đặc biệt là có thể gây chấn thương nguy hiểm khi biểu diễn, vì dù sao đó cũng chỉ là đồ tự chế, không được thử nghiệm nhiều lần bởi các nhà sản xuất chuyên nghiệp về độ nguy hiểm. Chúng tôi phải tự mày mò làm việc của người thợ, từ thợ may đến thợ hàn, thợ sắt, thợ mộc… để có những bộ đạo cụ biểu diễn cho riêng mình, tốn kém nhưng phải chịu nếu xác định theo nghề lâu dài.
Người ta có thể làm giàu từ việc theo nghề xiếc - ảo thuật không?
- Đã theo nghề xiếc - ảo thuật mà nghĩ ngợi quá nhiều về sự ổn định hay cơm áo gạo tiền như những nghề khác thì chắc không làm được. Trước hết, sự di chuyển liên tục theo đặc thù của nghề sẽ làm mất tính ổn định của cuộc sống gia đình, chuyện học hành của con cái. Thu nhập sẽ bấp bênh tùy theo sự quan tâm của khán giả, trong khi việc sáng tạo và tập luyện lại đòi hỏi nhiều công sức. Anh em nghệ sĩ trong ngành xiếc - ảo thuật cũng khó nổi tiếng như các ngành khác. Thù lao biểu diễn một tiết mục có khi chỉ vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, đã theo nghề thì nên có khát vọng và trách nhiệm. Khát vọng đứng vào đâu trong nghề, vào vị trí nào trong nghề và trách nhiệm của mình khi mình là một người trong ngành đó.
Ông suy nghĩ thế nào về nghề nghiệp mà mình đã theo suốt hơn 50 năm?
- Tôi cố gắng không bao giờ tự mãn với bản thân, vì chỉ cần tự mãn một chút là thụt lùi ngay. Tôi vẫn học, vẫn tập luyện hàng ngày vì ảo thuật đòi hỏi độ khéo léo, tinh xảo đến mức có thể đánh lừa cặp mắt khán giả, chỉ cần lọng cọng chút xíu là thất bại ngay nên không lười biếng được. Anh em con cháu trong đoàn tôi đều bắt tập hàng ngày, biểu diễn hàng ngày. Tôi vẫn nói với con tôi là “phải làm sao để khán giả thỏa mãn chứ bản thân con đừng thỏa mãn”.
* Mong một môi trường chuyên nghiệp hơn
Theo ông, sự đón nhận của khán giả qua các thời kỳ dành cho bộ môn này thế nào?
- Trước khi đất nước giải phóng, gia đình tôi có riêng một đoàn xiếc - ảo thuật do cha tôi dẫn đầu là đoàn Việt Tiến, chuyên đi diễn lưu động khắp miền Bắc - Trung - Nam nên 8 anh em tôi sinh ra ở 8 tỉnh khác nhau. Tôi ngấm máu biểu diễn từ lúc lọt lòng, và khoảng 7-8 tuổi tôi đã lên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp.
Gia đình tôi tự lực cánh sinh hết: đào tạo, tập luyện, làm đạo cụ, biểu diễn kiếm sống... Sau giải phóng thì có tham gia vào các đoàn xiếc - ảo thuật của nhà nước, điều kiện đỡ hơn một chút song vẫn rất gian khổ. Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giá suốt các thời kỳ là một niềm an ủi động viên lớn. Ngày tôi còn theo cha tôi đi biểu diễn, khán giả lúc nào cũng chật kín rạp. Cho đến ngày nay, khán giả vẫn đón nhận các màn biểu biễn của chúng tôi rất nhiệt tình. Tôi không đòi hỏi nhiều, vì biết so với các một môn nghệ thuật khác, xiếc - ảo thuật vẫn được khán giả chào đón, trong khi những bộ môn truyền thống, như: tuồng, chèo, cải lương... không được như thế dù anh chị em nghệ sĩ rất tâm huyết với nghề.
Hiện nay, gần như chưa có trường đào tạo chuyên nghiệp cho ảo thuật Việt Nam. Vậy theo ông, làm sao để giúp giới trẻ được đào tạo và có lòng yêu nghề, theo nghề?
- Tôi lo lắng nhất và việc làm sao đào tạo lớp trẻ theo nghề có đam mê, có hoài bão. Cũng khó khăn như một số bộ môn nghệ thuật khác, xiếc - ảo thuật hiện tại có rất ít nơi đào tạo bài bản và chủ yếu là anh em tự học. Nhiều em có năng khiếu rất tốt cũng chỉ biết mở Youtube lên học theo các tiết mục nước ngoài, hoặc đến các đoàn xin học việc, đạo cụ thì tự mày mò mua trên mạng hoặc tự làm…
Tôi vẫn nhận dạy học trò thường xuyên với mong muốn truyền nghề cho những người đi sau. Tôi không giấu nghề, không thể nghĩ riêng cho bản thân mình được. Những tiết mục mình sáng tạo ra, nếu không chỉ dạy lại cho lớp sau thì nó sẽ chết sau khi mình chết, rất uổng. Mong muốn của tôi là lớp trẻ sẽ mang xiếc - ảo thuật Việt Nam đi xa hơn, ra nước ngoài nhiều hơn - điều mà thế hệ chúng tôi chưa làm được.
Anh em trong nghề có khi nào “trách” là Nhà nước chưa đầu tư thêm, đầu tư bài bản để phát triển ngành xiếc - ảo thuật Việt Nam?
- Mình chưa thể đòi hỏi Nhà nước phải lo cho mình, lo cho nghề của mình khi ngân sách còn phải cáng đáng rất nhiều để duy trì các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, chẳng hạn: chèo, chải lương, hát bội... cùng hàng trăm nhu cầu duy trì và phát triển khác của các bộ môn nghệ thuật. Thực tế, chúng tôi cũng đã được tạo điều kiện nhiều khi tham gia các liên hoan xiếc - ảo thuật trong và ngoài nước, được động viên nhiều để theo nghề, cũng được tài trợ một chút vào dịp này dịp nọ. Dù tôi vẫn ao ước có một môi trường đào tạo và biểu diễn chuyên nghiệp hơn cho ngành xiếc - ảo thuật Việt Nam, nhưng nếu chưa được thì chúng tôi cũng thấy bình thường và vẫn thấy mình có trách nhiệm trong việc duy trì, đào tạo học trò, quảng bá cho nghề.
Ông có thấy thỏa mãn, hạnh phúc sau hơn nửa thế kỷ theo xiếc - ảo thuật?
- Tôi thấy mình đã được đền đáp sau hàng chục năm làm nghề. Vừa qua, tôi và con trai là ảo thuật gia Trần Dũng được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch triệu tập để tham dự liên hoan xiếc ảo thuật quốc tế tại Huế (gần 20 nước tham gia) và Dũng đã đạt huy chương bạc. Tôi cũng từng đạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng toàn quốc, giải Cống hiến quốc tế do Ban tổ chức liên hoan xiếc - ảo thuật quốc tế là Bộ văn hóa - thể thao và du lịch trao tặng. Tôi đã dàn dựng hàng trăm tiết mục xiếc - ảo thuật để biểu diễn và sau này chỉ dạy lại cho con cháu, cho học trò. Gia đình cũng 4 thế hệ theo nghề, tính từ đời cha tôi. Với tôi, thế là đã đủ cho hàng chục năm phấn đấu.
Xin cảm ơn ông!
Kim Ngân (thực hiện)