Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi thấy mình có duyên và nghiệp với ngành tuyên giáo

10:08, 02/08/2013

Từng giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, rồi Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ít ai biết rằng xuất thân của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới vốn là một nhà giáo, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian...

Từng giữ cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh, rồi Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ít ai biết rằng xuất thân của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới vốn là một nhà giáo, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian...

Được đào tạo bài bản nghề sư phạm, tâm huyết với công việc nghiên cứu văn hóa dân gian, vậy cơ duyên nào đưa ông đến với ngành tuyên giáo từ năm 2005 đến nay?

- Được đào tạo nghề giáo, làm công tác tuyên giáo, vậy là công việc của tôi hiện nay cũng có được chữ giáo, làm đúng nghề được một nửa đó chớ.

Thật ra, tôi đã làm công tác tuyên giáo từ năm 1987. Tháng 10 năm đó, tôi từ Trường đại học sư phạm Quy Nhơn về, lúc đó đã được đào tạo sau đại học, có nguyện vọng được bố trí về ngành sư phạm ở Đồng Nai. Vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề biên chế, tôi không được tiếp nhận ngay mà phải chờ đợi, hơn một tháng trời. Tình cờ, tôi gặp đồng chí Võ Minh Quang (lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), đồng chí bảo tôi, rất chân tình: “Mầy về Tuyên giáo với tao đi”. Thú thật, lúc đó tôi không biết “tuyên giáo” là gì, chỉ mong muốn có việc làm, giải quyết được vấn đề hộ khẩu, chỗ ở. Tôi đến với ngành tuyên giáo như thế, vừa bỡ ngỡ, vừa mới mẻ, chỉ biết vừa học vừa làm, tự học hỏi cộng thêm những kiến thức do các anh, các chú chỉ dẫn. Ba năm sau, tôi mới rời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo nhiệm vụ phân công để sang HĐND tỉnh, rồi Sở Văn hóa - thông tin và UBND tỉnh.

Đến giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (2005-2010), anh Mười Thành (đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành) gặp tôi, gợi ý tôi về phụ trách Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước phân công, tôi đồng ý mà không băn khoăn gì, mặc dù lúc đó vị trí Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đang cần và tôi đã quen với công việc đó. Tôi nhớ, lúc đó anh Mười Thành nói với tôi: “Em về đó như trở về nhà, nhưng ngôi nhà bây giờ đã khác xưa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng chính là công tác tư tưởng, và cần phải được xây dựng ngang tầm thì mới đủ sức chiến đấu”. Lúc đó, tôi đã cảm nhận được nhiệm vụ nặng nề thiêng liêng, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận. Anh Mười Thành cũng nói thêm: “Về đó chính là thử lửa, nếu thật là vàng ròng thì không sợ ngọn lửa của khó khăn, của thực tế”. Thế là tôi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Tôi tự thấy mình là người rất nồng nhiệt, có trách nhiệm nhưng quả tình không được đào tạo bài bản về công tác Tuyên giáo nên làm gì cũng khó, không nhanh chóng đạt kết quả cao nhất. Từ thực tế đó, tôi càng nhận ra được sự cần thiết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, nghiệp vụ ở cơ sở.

Người ta có nói “Thà làm lính ủy ban còn hơn làm quan tỉnh ủy”, thời điểm ấy ông lại làm “quan ủy ban”, vậy khi đó được điều chuyển nhiệm vụ, ông có thấy “lợn cợn” gì không?

- Đó là câu nói vui, so sánh dựa trên cách đánh giá thông thường dưới góc độ quyền lợi, quyền lực và lợi ích là chính. Còn ở góc độ là người có trách nhiệm đối với công tác của Đảng, Nhà nước, tôi thấy việc nào cũng quan trọng, như Bác Hồ đã nói: “Không có nghề nào thấp kém, nghề nào cũng vẻ vang, cao quý”. Vấn đề là mình có đáp ứng được công việc hay không. Cái lấn cấn của tôi hồi đó là mình chưa được đào tạo về công tác tuyên giáo, không biết có hoàn thành được nhiệm vụ hay không; có được tin cậy, hội nhập được vào một cơ quan đã hoàn chỉnh như Ban Tuyên giáo hay không, có đoàn kết được với anh em để làm tốt công tác hay không. Những câu hỏi đó đã nhanh chóng được trả lời bằng kết quả thực tiễn đạt được chỉ sau một thời gian ngắn.

Từ đó đến nay, tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, và càng ngày tôi càng thấy đúng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nói, công tác tuyên giáo ngày càng khó khăn, yêu cầu cao, thử thách ngày càng lớn, luôn phải hết sức cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Đối với tôi, có thể nói đã đến với ngành tuyên giáo như một cái duyên, và gắn bó như một cái nghiệp

 Vừa rồi, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 có kết luận là phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị đến cơ sở. Với tư cách Trưởng ban Tuyên giáo, theo ông cần phải làm gì?

-  Tôi đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều, cũng nhận ra rằng cốt lõi vấn đề nằm ở điều mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đặt ra: xây dựng hệ thống chính trị, thì trước hết phải xây dựng từ cơ sở. Mô hình hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay giống như chiếc nón lá ngửa, nơi chạm dân, gần dân lại là nơi mỏng manh, chông chênh nhất. Như vậy, muốn củng cố Ban Tuyên giáo cũng phải bắt đầu từ cơ sở, từ đội ngũ, con người. Hiện nay, đội ngũ ở tỉnh, huyện đã tương đối ổn, nhưng ở cơ sở còn nhiều vấn đề bất cập. Trong thực tế, hệ thống tuyên giáo phường, xã chỉ có một định suất. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần phải gieo cấy lòng tin để người cán bộ tuyên giáo vững lòng tin vào chính mình, vào công việc; có được vị thế để thực hiện nhiệm vụ một cách thuyết phục; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để có thể bám dân, làm tốt công tác dân vận.

Trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở không thể tăng về lượng thì phải tăng về chất. Cần phải tăng hệ thống giáo dục, bồi dưỡng bằng các biện pháp, như: chuẩn hóa về trình độ, bồi dưỡng các kỹ năng nói, viết, dân vận, xử lý tài liệu mà nếu không được đào tạo sẽ không có được. Nhưng trước hết, cán bộ tuyên giáo phải làm công tác tư tưởng cho chính mình, để thấy được chức năng, nhiệm vụ, tính thiêng liêng, sức chiến đấu của đội ngũ mình, như bản thân tôi trước đây cũng đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm công tác tư tưởng.

Nhiều người băn khoăn khi không thấy tên ông trong quy hoạch nhiệm kỳ tới, trong khi vẫn còn 4 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Ông có cảm thấy “chạnh lòng” về điều này?

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới tặng quà cho bà con nghèo ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Hà
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới (bìa phải) và các đại biểu chụp hình lưu niệm với các em học sinh, sinh viên nghèo học tốt tại Lễ trao học bổng "Tiếp sức ước mơ đại học" năm 2013

- Đó là việc rất bình thường, theo đúng nguyên tắc của Đảng. Cũng có nhiều người không hiểu nên cần giải thích thêm, nhiệm kỳ này có những nét mới, đó là những ai đang đương nhiệm thì đương nhiên vị trí đó đã được thử thách, hàng năm được đánh giá, trên cơ sở đó xây dựng tiêu chí, định mức để tạo nguồn cán bộ đạt chuẩn. Vậy, những người đáp ứng tiêu chí trẻ, khỏe, phục vụ tròn đủ ít nhất một nhiệm kỳ, đủ tư cách, tiêu chuẩn thì sẽ được đưa ra giới thiệu, chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đánh giá để có cơ sở chọn lựa.

Tính đến thời điểm nhiệm kỳ sau, tôi đã tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 khóa liền, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc tôi không tham gia nhiệm kỳ tới không ảnh hưởng, liên quan gì đến định hướng phát triển của tỉnh.

 Riêng cá nhân mình, ông có thể định hướng gì cho tương lai?

- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ phải tham mưu về mặt định hướng sẽ giải quyết vấn đề gì cho Đảng bộ. Đến năm 2015, cả nước phải tiếp tục vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đồng Nai phải đi trước một bước, trên nền tảng an sinh xã hội phải giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn trong xã hội, đó mới thật là mục tiêu thực chất của chủ nghĩa xã hội: tăng trưởng kinh tế quá nhanh làm nảy sinh các vấn đề trong xã hội, mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích, giữa lớp người thu nhập cao với thu nhập thấp, giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn... Tất cả những vấn đề đó đều phải được tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đánh giá để từ đó đề ra nhiệm vụ chiến lược, điều đó phải bắt đầu lo từ bây giờ. Đó là thực chất của công tác tư tưởng phải đi trước một bước, và đó cũng là trăn trở hiện nay, sắp tới của tôi.

 Xin cảm ơn ông!

Thanh Thúy (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều