Báo Đồng Nai điện tử
En

Tôi không chạy theo thành tích để dung dưỡng tiêu cực

09:08, 16/08/2013

Ngày 18-10-2009 đã trở thành cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ của Công an Đồng Nai khi Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Khánh được phong quân hàm Thiếu tướng.

Ngày 18-10-2009 đã trở thành cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ của Công an Đồng Nai khi Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Khánh được phong quân hàm Thiếu tướng.

Đây là vị tướng đầu tiên của lực lượng Công an Đồng Nai, tính từ năm đầu thành lập (ngày 19-8-1945) với tên gọi Quốc gia tự vệ cuộc thời chống Pháp đến Ban An ninh thời đánh Mỹ và Công an nhân dân ngày nay. Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh nói: “Tôi luôn tâm huyết với mục tiêu xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai thật sự trong sạch và vững mạnh, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an thân thiện trong mắt nhân dân”.

* Từ khi nhậm chức Giám đốc Công an tỉnh (tháng 2 -2006), ông luôn thể hiện quyết tâm xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Đồng Nai thân thiện trong mắt nhân dân. Đến nay, ông đã cảm thấy hài lòng ở mức độ nào?

- Đối với lực lượng Công an Đồng Nai, điều tôi rất tâm huyết là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ kiên định, vững vàng, có bản lĩnh và năng lực công tác vươn lên xứng tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đảng ủy Công an Đồng Nai đã xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 về “Xây dựng phong cách của người chiến sĩ Công an Đồng Nai”,  Nghị quyết 05 về “tăng cường công tác quản lý cán bộ”…; đến nay trong toàn lực lượng đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, từ nhận thức đến phong cách làm việc, thái độ ứng xử trong khi thi hành nhiệm vụ và giao tiếp với người dân. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật đã giảm nhiều, từ trên 2% vào năm 2003 đến năm 2008 giảm xuống 1,8% và năm 2012 chỉ còn 0,75%.

Tôi ghét nhất tính giả dối, không trung thực, nói một đàng, làm một nẻo. Có thể nói khi đối mặt với điều này, tôi rất khó chịu và đôi khi khó mà kiềm chế được cho dù tôi là người khá trầm tính.

Tuy vậy, tôi vẫn còn nhiều trăn trở về những hạn chế trong lực lượng Công an Đồng Nai, đó là còn một số cán bộ, chiến sĩ sai phạm bị kỷ luật, vi phạm pháp luật, bị tước danh hiệu Công an nhân dân; trong giao tiếp với dân thiếu hòa nhã... Không ít cán bộ có tư tưởng “trung bình chủ nghĩa” khi chức vụ và quân hàm đã “đụng trần”, do vậy thiếu ý chí phấn đấu, có biểu hiện sức ì, hiệu quả công tác không cao. Điều này tác động không tốt đến đội ngũ chiến sĩ trẻ.

* Công an Đồng Nai có chọn một số đơn vị điểm về xây dựng lực lượng, cụ thể có Cảnh sát giao thông (CSGT). Thế nhưng trong những năm qua vẫn còn không ít điều tai tiếng về tiêu cực. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Trước tiên phải khẳng định lực lượng CSGT cũng có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý tai nạn và trong giao tiếp, ứng xử với người dân. Đã có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ CSGT không nhận hối lộ. Thế nhưng, vẫn còn xảy ra những hành vi nhũng nhiễu, điều tiếng tiêu cực hoặc gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ quan là do một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức dẫn đến vi phạm kỷ luật. Còn về khách quan, phải kể đến môi trường làm việc của cán bộ, chiến sĩ CSGT khá phức tạp, nhạy cảm, dễ bị cám dỗ bởi cuộc sống vật chất đời thường. Trong khi đó, cuộc sống của nhiều cán bộ, chiến sĩ còn khó khăn. Công tác kiểm tra của lãnh đạo một số đơn vị chưa thường xuyên và đã không phát hiện kịp thời các hành vi sai trái để uốn nắn, chấn chỉnh. Đảng ủy Công an Đồng Nai cũng đã xây dựng nghị quyết riêng về lực lượng CSGT, tôi nghĩ sắp tới sẽ phải có chuyển biến tốt hơn, để xóa dần đi định kiến về CSGT.

* Ông đã từng nói không thể chạy theo thành tích để xuê xoa với tiêu cực?

- Tôi nghĩ quan tâm xây dựng phong trào thi đua khen thưởng làm động lực trong thực hiện nhiệm vụ của toàn lực lượng Công an Đồng Nai là rất cần thiết, đúng đắn để lấy “tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Tuy nhiên, không vì thành tích trong thi đua mà có thể xuê xoa, giấu giếm các hành vi sai trái. Tôi không chấp nhận việc dung dưỡng, bao che với tiêu cực. Cần phải dũng cảm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật để xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai trong sạch, vững mạnh. Chỉ riêng 8 tháng của năm 2013, chúng tôi đã xử lý kỷ luật 31 trường hợp cán bộ, chiến sĩ sai phạm, trong đó có 9 trường hợp bị tước danh hiệu Công an nhân dân.

* Khi đặt bút ký kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, ông có nghĩ đó là điều bình thường trong một đơn vị có cả ngàn cán bộ, chiến sĩ?

- Thật ra mỗi lần phải đặt bút ký kỷ luật bất kỳ một cán bộ, chiến sĩ nào trong lực lượng là tôi rất buồn, cảm giác rất khó chịu, khác hẳn với tâm trạng hân hoan, phấn khích khi tôi ký quyết định khen thưởng hoặc đề bạt chức vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Tôi thấy cả trách nhiệm của mình trong đó nên cũng đắn đo, cân nhắc kỹ, xem xét thấu lý đạt tình. Điều quan trọng là sau đó phải tạo cơ hội cho cán bộ, chiến sĩ mắc sai phạm, bị kỷ luật tiếp tục được rèn luyện, phấn đấu sửa chữa khuyết điểm.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh thăm hỏi bà Năm Xuân, phu nhân cố Đại tướng Mai Chí Thọ.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh thăm hỏi bà Năm Xuân, phu nhân cố Đại tướng Mai Chí Thọ.

* Trong lãnh đạo điều hành hàng ngày, điều gì làm ông khó chịu nhất?

- Tính giả dối, không trung thực, nói một đàng, làm một nẻo. Có thể nói khi đối mặt với điều này, tôi rất khó chịu và đôi khi khó mà kiềm chế được cho dù tôi là người khá trầm tính.

* Cha ông, một sĩ quan công an, có ảnh hưởng gì đến cuộc đời binh nghiệp của ông?

Không vì thành tích trong thi đua mà có thể xuê xoa, giấu giếm các hành vi sai trái. Tôi không chấp nhận việc dung dưỡng, bao che với tiêu cực. Cần phải dũng cảm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật để xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai vững mạnh, trong sạch theo đúng thực chất.

- Đấy là tấm gương, là niềm tự hào của tôi và gia đình.  Năm 1947, cha tôi (ông Nguyễn Văn Trung, thường gọi là Năm Trung) giữ chức vụ Phó công an quận Châu Thành (Biên Hòa ngày nay) rồi tập kết ra Bắc công tác ở Bộ Công an. Năm 1974, Bộ Công an điều động ông quay trở vào công tác ở Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Sau giải phóng, ông làm việc ở Công an TP.Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1981 với cấp bậc Đại tá. Cha tôi rất nghiêm khắc, sống giản dị đến khắc khổ, nhưng lại hết mực thương yêu vợ con. Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình, ông còn là một cán bộ công an kiên trung, rất kỷ luật và sống liêm khiết, trong sạch. Ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả cuộc đời binh nghiệp của tôi.

* Có thể với nhiều người  thì kỷ niệm Ngày thành lập Công an nhân dân (19-8) là ngày truyền thống, nhưng có lẽ với ông sẽ có một ý nghĩa nhất định?

- Nếu tính từ khi vào Trường đại học An ninh đến nay, tôi tham gia lực lượng công an được 39 năm. Mỗi dịp tới ngày kỷ niệm thành lập ngành luôn nhắc nhở tôi phải soi rọi vào bản thân để sống, làm việc xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành. Tôi tự hào và luôn tâm niệm rằng mình đang kế thừa trọng trách xây dựng lực lượng Công an Đồng Nai trong sạch, vững mạnh, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân. Tuy vậy, cũng còn không ít điều khiến tôi trăn trở, đó là lực lượng Công an Đồng Nai vẫn chưa vươn lên đúng tầm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên địa bàn, tình hình tội phạm hình sự, tai nạn giao thông... vẫn còn khá cao. Trách nhiệm của lực lượng Công an Đồng Nai là phải đảm bảo an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn, góp phần đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều