Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam thuộc Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) đang trong quá trình hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam thuộc Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) đang trong quá trình hoàn thiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, người phản biện cho đồ án quy hoạch này của tỉnh.
Một góc TP.Biên Hòa, khu vực phường Quyết Thắng. |
* Là người phản biện đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông có nhận xét gì về quy hoạch này?
- Đây là một đồ án rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Đồ án này phức tạp và khó nhưng đơn vị tư vấn đã xử lý khá hoàn thiện. Trước hết, cách tiếp cận, cách nghiên cứu hiện trạng đã đặt quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tầm nhìn quốc tế. Đây là cách nhìn đúng và rất phù hợp với chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam.
Đồng Nai trong tương lai sẽ có sân bay Long Thành, mặc dù đơn vị tư vấn đã nói rất rõ điều này, nhưng theo tôi phải đề cao hơn nữa. Bởi sân bay này khi đạt đến 80 - 100 triệu hành khách mỗi năm thì mức độ tăng trưởng của vùng Đồng Nai rất quan trọng, ảnh hưởng đến các nơi khác chung quanh. Biên Hòa hiện đang là đô thị loại II và sắp tới trở thành đô thị loại I, sẽ là nơi tạo động lực cho phát triển của toàn tỉnh. Đồng Nai không chỉ có tác động đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn có tác động đến cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Trục quốc lộ 51 là trục đô thị đặc biệt của tỉnh. Tôi thấy ít có địa phương nào lại có lợi thế như tỉnh Đồng Nai, một tỉnh có diện tích 5.900 km2 và dân số là 2,7 triệu người, đây là một tỉnh lớn, lại có một vị thế rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước. TP.Biên Hòa là cửa ngõ hết sức quan trọng đối với TP.Hồ Chí Minh, sức ảnh hưởng qua lại lẫn nhau rất lớn.
* Theo ông, vấn đề phát triển công nghiệp của Đồng Nai trong tương lai cần được xác định như thế nào cho phù hợp?
- Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, có rất nhiều khu công nghiệp được lấp đầy. Từ trước giải phóng đến nay, Đồng Nai vẫn đi đầu lĩnh vực này, nhưng về lâu dài thì tỉnh cần có những khu công nghiệp chuyên ngành, phát triển công nghiệp hướng đến xanh, sạch và sử dụng công nghệ cao; công nghiệp gắn với nông nghiệp.
Thưa ông, trong tương quan quy hoạch vùng của TP.Hồ Chí Minh và quy hoạch vùng Đồng Nai, cần lưu ý điều gì để phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế cho phát triển?
- Quy hoạch vùng thực ra là việc phân bổ, kết nối hệ thống giao thông, kết nối đô thị. Sự kết nối đó rất quan trọng, làm thế nào để mỗi địa phương phát huy được những lợi thế của mình trong các lĩnh vực mà không cạnh tranh triệt tiêu nhau. Vùng nào có thế mạnh gì sẽ phát huy thế mạnh đó. Ở đây, phải lấy TP.Hồ Chí Minh làm hạt nhân, vì đây là trung tâm về thương mại, dịch vụ, nơi cung cấp khoa học - kỹ thuật cho toàn vùng. Trong quá trình làm phải tính toán kỹ để phát huy hết sức mạnh của nhau nhằm đưa vùng đó phát triển đúng theo yêu cầu.
* Thời gian qua, khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch được xem là yếu, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Quy hoạch của chúng ta được thực hiện từ quy hoạch vùng rồi đến quy hoạch chung đô thị, đến quy hoạch phân khu và cuối cùng là quy hoạch chi tiết. Tất cả các nội dung quy hoạch đó phải phản ánh được thực trạng của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, nên quy hoạch phải đi trước một bước.
Làm quy hoạch phải có tầm nhìn và chất lượng, bởi nếu quy hoạch tốt thì phát triển đúng, nếu quy hoạch sai, phải trả giá rất lớn. Nhưng đã có quy hoạch tốt rồi thì phải có người quản lý. Do đó, chúng tôi hết sức quan tâm đến cán bộ quản lý từ cấp trung ương đến cấp phường, xã. Cán bộ phải hiểu về quy hoạch và biết cách quản lý nó. Không chỉ vậy, cũng cần làm cho người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của quy hoạch để thực hiện đúng, nếu người dân không hiểu và cán bộ quản lý chỉ hiểu một phần thì sẽ rất tai hại.
Xin cảm ơn ông!
Vân Nam (thực hiện)