Thời gian qua, xây dựng nông thôn mới là chương trình được tỉnh tập trung khá nhiều nguồn lực để thực hiện. Để rõ thêm những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh |
Thời gian qua, xây dựng nông thôn mới là chương trình được tỉnh tập trung khá nhiều nguồn lực để thực hiện. Để rõ thêm những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ông cho biết:
Đồng Nai có 126 xã lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh sẽ xây dựng xong 34 xã điểm NTM ở các huyện, thị.
* Thưa ông, hầu hết các xã xây dựng NTM đều cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư xây dựng, như vậy năm 2013 tỉnh sẽ huy động nguồn vốn từ đâu để đáp ứng đủ nhu cầu?
- Năm 2013, tình hình kinh tế cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để đáp ứng đủ nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ngoài nguồn vốn tỉnh đầu tư, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn vốn khác, như: vốn vay, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông thôn, xã hội hóa và yêu cầu các ngành ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình xây dựng NTM.
* Hiện nay, Đồng Nai được đánh giá là tỉnh thực hiện Quy hoạch đề án xây dựng NTM rất chậm. Vì sao tỉnh lại triển khai việc này quá chậm, thưa ông?
- Theo tôi, Đồng Nai là tỉnh có đặc thù không giống các tỉnh khác. Tại các tỉnh, các xã vùng nông thôn đa số chuyên sản xuất nông nghiệp, đất đai ít biến động nên việc xây dựng quy hoạch dễ làm. Còn Đồng Nai, đất đai biến động nhiều, đồng thời tỉnh có nhiều chương trình đầu tư cho nông thôn, như: cây, con chủ lực, quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi… nên khi làm quy hoạch, các xã phải cập nhật tất cả các chương trình của tỉnh vào trong quy hoạch. Do đó, việc hoàn tất quy hoạch mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khi tiến hành quy hoạch các xã NTM, Ban chỉ đạo các xã lấy ý kiến của dân nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch cho đầy đủ, chặt chẽ. Do vậy, Đồng Nai chấp nhận là tỉnh tiến hành quy hoạch xã NTM chậm, nhưng đảm bảo chất lượng và không làm theo kiểu hình thức.
* Theo phản ánh của nhiều xã thì một số tiêu chí trong xây dựng NTM, như: xây dựng chợ, nhà văn hóa ấp đòi hỏi nhiều kinh phí nhưng nhu cầu lại không cao. Với các tiêu chí này, tỉnh có sự điều chỉnh gì cho phù hợp?
- Hiện nay, một số tiêu chí về xây dựng NTM đã linh hoạt hơn trước. Vì thế, những tiêu chí không phù hợp với những xã chưa có nhu cầu, như: xây dựng chợ, nhà văn hóa ấp có thể để lại sau, khi nào nhu cầu thực tế thật cần thiết mới làm để tránh lãng phí.
* Kế hoạch từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở 34 xã điểm. Để thực hiện được việc này, tỉnh sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Trong năm 2012, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều đóng góp và nỗ lực trong phong trào xây dựng NTM. Cụ thể, cuối năm 2011 cả tỉnh mới có xã Xuân Định hoàn thành 19 tiêu chí trong xây dựng NTM thì đến đầu năm 2013, đã có 5 xã (đều thuộc huyện Xuân Lộc) hoàn thành. Ngoài ra, qua 1 năm có nhiều xã hoàn thành thêm 6-9 tiêu chí.
Xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch bưởi. |
Tuy nhiên, để chương trình xây dựng NTM thời gian tới đi vào chiều sâu, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tỉnh tập trung chỉ đạo các xã sớm hoàn thành đề án quy hoạch NTM. Những xã thực hiện chậm, tỉnh sẽ xuống trực tiếp tìm hiểu nguyên nhân, khó khăn để có hướng hỗ trợ giải quyết kịp thời. Sau khi quy hoạch các xã NTM được phê duyệt, tỉnh tiến hành kiểm tra thường xuyên việc triển khai quy hoạch của từng xã, có như vậy việc xây dựng NTM mới thực sự đem lại hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)