Khuyến công để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn được Bộ Công thương khá quan tâm. Thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tăng ngân sách cho công tác khuyến công lên gấp hơn 5 lần.
Khuyến công để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn được Bộ Công thương khá quan tâm. Thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tăng ngân sách cho công tác khuyến công lên gấp hơn 5 lần. Để rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải.
* Phóng viên: Trong 5 năm liền (2008-2012) khuyến công của vùng Đông Nam bộ đào tạo được hơn 17 ngàn học viên và chỉ gần 1/3 sau khi đào tạo có việc làm. Thưa Thứ trưởng, con số này có phải là quá ít so với nhu cầu thực tế?
- Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải: So với nhu cầu thực tế, con số này còn khá khiêm tốn. Nhưng phải công nhận là trong giai đoạn vừa qua, công tác khuyến công thúc đẩy đào tạo nghề, góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ nông nghiệp, tăng lao động tham gia công nghiệp nông thôn. Đồng thời, giảm bớt được lao động nông thôn chuyển dịch ra thành thị. Theo tôi, hạn chế của công tác khuyến nông thời gian qua một phần là do kinh phí đầu tư cho khuyến công ở 63 tỉnh, thành còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hiện Bộ Công thương đang đề nghị Chính phủ nâng mức đầu tư cho công tác khuyến công trong cả nước từ nay đến năm 2020 lên trên 3 ngàn tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư mỗi năm tăng gấp hơn 5 lần, tôi nghĩ công tác khuyến công sẽ có nhiều chuyển biến tốt.
* Hiện nay, các ngành lao động, công thương, nông nghiệp đều tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn. Như vậy, có xảy ra trùng lắp?
- Việc này, ngành công thương có đề cập đến và thời gian qua cũng khó tránh khỏi sự trùng lắp. Để khắc phục tình trạng này, tôi nghĩ khuyến công của các tỉnh nên phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội, Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) để đào tạo nghề, tránh sự trùng lắp. Mục tiêu của công tác khuyến công là đào tạo, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho các lao động nông thôn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay trong vùng. Để người dân nông thôn có thể “ly nông bất ly hương”. Ngoài đào tạo nghề, khuyến công còn hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp…
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Vĩnh Cửu |
* Theo Thứ trưởng thời gian tới, công tác khuyến công ở Đồng Nai nên tập trung vào lĩnh vực nào để đạt hiệu quả cao?
- Tôi nghĩ thời gian tới công tác khuyến công của tỉnh nên lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án quốc gia và địa phương để hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao tay nghề, đào tạo và truyền nghề, khuyến khích người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, nhằm giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống ở nông thôn. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh cho người quản lý, kiến thức về kỹ thuật, thiết kế mẫu mã sản phẩm cho thợ thủ công tại các cơ sở công nghiệp nông thôn và làng nghề. Trong đó, công tác khuyến công nên ưu tiên cho các xã đang xây dựng nông thôn mới.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hương Giang (thực hiện)
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: N. Tuyết