Cảnh giác với bệnh tay chân miệng
* Xuất hiện chủng virus mới

09:06, 02/06/2011

Số trẻ bị bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng nhanh đột biến. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trẻ tử vong vì bệnh này. Cảnh giác và phòng ngừa bệnh TCM cho trẻ em, nhằm tránh các biến chứng của bệnh là rất cần thiết đối với các bậc cha mẹ. Để rõ hơn về căn bệnh này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bác sĩ LÊ VĂN GIAI, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Số trẻ bị bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng nhanh đột biến. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 trẻ tử vong vì bệnh này. Cảnh giác và phòng ngừa bệnh TCM cho trẻ em, nhằm tránh các biến chứng của bệnh là rất cần thiết đối với các bậc cha mẹ. Để rõ hơn về căn bệnh này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bác sĩ LÊ VĂN GIAI, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Bác sĩ Giai cho biết:

 

- Cùng thời điểm này năm ngoái, khoa nhiễm chỉ có khoảng 30 ca TCM điều trị nội trú nhưng năm nay, con số này đã tăng hơn gấp 3 lần. Nghĩa là hiện nay, khoa đang điều trị cho khoảng 90-100 cháu bị TCM trong tổng số 130 bệnh nhi nhiễm khác. Đây là con số rất đáng báo động.

 

* Thưa bác sĩ, hiện số bệnh nhi bị bệnh TCM nhiều, biến chứng phức tạp hơn là do đâu?

 

- Những năm trước, bệnh TCM ở nước ta đều do virus EV71 phân nhóm C1, C4 và C5 gây ra bệnh TCM, chủng virus này thường không gây biến chứng. Nhưng năm nay đã xuất hiện chủng mới, đó là  EV71 thuộc phân nhóm B2. Chủng virus này mới, độc tính hơn, dễ gây biến chứng. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện chủng virus này.

 

Bác sĩ Lê Văn Giai kiểm tra cho một bé bị bệnh TCM đang điều trị tại khoa nhiễm.Ảnh: P.LIỄU

* Xin bác sĩ cho biết các biểu hiện của bệnh TCM nói chung và dấu hiệu cảnh báo của bệnh TCM gây biến chứng nói riêng là gì?

 

- Biểu hiện của bệnh TCM dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước. Khi nổi bóng nước màu hồng hoặc xám không đau rát, trừ bóng nước ở niêm mạc miệng, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhi bị TCM biến chứng thường có các biểu hiện sốt liên tục, khó ngủ, quấy khóc, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, có biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật... Nếu thấy trẻ có các triệu chứng này phải đưa gấp đến bệnh viện vì đến trễ 6-10 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng trên sẽ rất khó cứu được trẻ. Một số triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng... Lúc này, trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

 

Cũng cần phân biệt các bóng nước của bệnh TCM khác với bóng nước của một số bệnh khác như thủy đậu hay zona. Bóng nước của bệnh TCM mọc chủ yếu ở lòng bàn tay, chân, miệng, mông và không gây đau rát da (trừ ở miệng) nên phụ huynh thường chủ quan vì tưởng trẻ bị sốt phát ban bình thường.

 

* Vậy độ tuổi nào thường bị bệnh TCM? Và phụ huynh nên làm gì để phòng ngừa bệnh TCM cho trẻ, thưa bác sĩ?

 

- Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây lan. Đặc biệt là đối với những trẻ dưới 3 tuổi, tỷ lệ lây cao, biến chứng nhanh và tử vong nhiều hơn. Bệnh thường lây qua đường tiêu hóa, giữa các trẻ nhỏ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ, trường mẫu giáo. Do chưa có thuốc tiêm ngừa, nên ngoài việc giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ, cả những người trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ (cho ăn, bế ẵm, vui chơi với trẻ) cũng phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giữ vệ sinh môi trường học tập, vui chơi, ăn uống của trẻ như sát khuẩn hằng ngày sàn nhà, giường chiếu, đồ chơi... bằng dung dịch cloramin B. Nếu trẻ bị bệnh, nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ về những thông tin trên.

 

Phương Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều