Báo Đồng Nai điện tử
En

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn:
Tuyên truyền để người tiêu dùng biết tự bảo vệ mình

09:05, 24/05/2011

Đó là mong muốn của GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trong chuyến về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tuần qua.

Đó là mong muốn của GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) trong chuyến về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tuần qua. Ông cho biết:

 

- Qua làm việc, tôi nhận thấy thời gian qua Đồng Nai đã có nhiều bước tiến rõ rệt trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Cụ thể là công tác giám sát chủ động về VSATTP được tốt hơn, giảm thiểu số ca ngộ độc thực phẩm hàng năm, đặc biệt là trong 5 tháng đầu năm 2011 đã không để xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm đông người nào. Điều đó chứng tỏ Chi cục VSATTP tỉnh, Sở Y tế và cơ quan liên quan đã có nhiều biện pháp để kiểm soát vấn đề này. UBND tỉnh cũng đã có những quan tâm đối với công tác này. Tuy nhiên, để công tác quản lý ATVSTP có quy mô hơn so với nhu cầu của một tỉnh công nghiệp, Đồng Nai cần xây dựng đề án quản lý dịch vụ ăn uống và các đơn vị cung cấp suất ăn.

 

* Qua kiểm tra và giám sát tình hình ATVSTP, theo Cục trưởng, Đồng Nai cần tập trung vào những hoạt động nào?

 

 - Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của các cấp, ngành về vấn đề ATVSTP tại Đồng Nai. Để đảm bảo tốt hơn nữa công tác này, Đồng Nai cần tập trung vào những vấn đề sau:

 

Thứ nhất, đối với một tỉnh công nghiệp có nhiều khu công nghiệp tập trung, có gần 100 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, 500 bếp ăn tập thể đông người ở các khu công nghiệp lớn nhỏ, gần 400 bếp ăn trường học và nhà trẻ, tỉnh cần có đề án riêng để quản lý. Đề án thể hiện được kế hoạch, giải pháp cụ thể và cam kết một cách mạnh mẽ của chính quyền, của ngành, đặc biệt là liên ngành đối với công tác này. Từ đó, vai trò của các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống sẽ phải được thể hiện: họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này một cách cụ thể.

Thứ hai, đối với công tác ATVSTP không phải chỉ có ngành y tế mới thực hiện được, mà đây là công tác xuyên suốt "từ trang trại đến bàn ăn", phải có sự tham gia của tất cả các ngành. Trong đó có ngành nông nghiệp, công thương và nhiều ngành khác, làm sao cung cấp được các thực phẩm ngày càng an toàn, thông qua các quy định pháp luật về ATVSTP cho chuỗi sản xuất đó. 

 

* Cục trưởng có khuyến cáo gì tới người dân khi thời gian gần đây, dư luận hoang mang về một số gia vị gây ung thư, những thực phẩm không an toàn?

 

- Bất cứ một chuỗi lưu thông thực phẩm nào cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn. Như vậy, bên cạnh việc siết chặt quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, sự phối hợp của các hiệp hội, các ngành thì hơn ai hết lúc này người tiêu dùng dần có vị trí trung tâm. Chúng ta đang tiến tới thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ 1-7-2011 tới đây. Để đảm bảo cho người tiêu dùng thực hiện được quyền lợi của mình thì phải có 2 vấn đề song song. Một là, nhà nước, các cơ quan hữu trách phải tạo điều kiện hoặc tổ chức đại diện cho người tiêu dùng để thực hiện quyền của mình. Hai là, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng hiểu một cách chủ động, biết được phương pháp lựa chọn, bảo quản, chế biến và tự bảo vệ mình.

 

Còn trước những tin đồn về các thực phẩm có hại cho sức khỏe, người dân không nên hoang mang. Cục sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm các nhóm thực phẩm nguy cơ, nhất là phụ gia thực phẩm. Kết quả sẽ được thông báo và khuyến cáo kịp thời đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần chọn lựa các loại phụ gia và thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua hàng rẻ không rõ nguồn gốc để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc. Người dân cũng nên theo dõi những nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan y tế.

 

* Xin cảm ơn Cục trưởng!

 

Quỳnh Nga (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều
Bán thùng xốp dài Giá rẻ