Dịp cuối năm, một số đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để lén lút hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép trên hồ Trị An vào ban đêm.
Dịp cuối năm, một số đối tượng lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để lén lút hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép trên hồ Trị An vào ban đêm.
Lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tăng cường tuần tra đêm trên hồ Trị An vào dịp cuối năm. Ảnh: T.Nhân |
Nắm bắt được tình hình, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn) đã tăng cường lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, chốt trực để kịp thời ngăn chặn, xử lý những vi phạm.
* Trắng đêm làm nhiệm vụ
Chiều muộn của một ngày đầu tháng 12-2022, lực lượng của 3 trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ trên hồ Trị An gồm: Trạm Kiểm lâm cơ động, Trạm Kiểm lâm số 1 và Trạm Kiểm lâm số 2 (thuộc Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn) đã tập trung tại đảo Bà Hương (xã Thanh Sơn, H.Định Quán). Lúc này, các thành viên trong đoàn khẩn trương ăn tối để chuẩn bị thực hiện kế hoạch tuần tra đêm.
20 giờ, bầu trời trở nên quang đãng và không còn sóng to, gió lớn, lực lượng kiểm lâm lên đường làm nhiệm vụ. 2 anh Trần Anh Đào (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 1) và Quách Thanh Bình (Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2) cùng 6 kiểm lâm viên lên 3 chiếc bobo để tiên phong đi trước. Những người còn lại do anh Lê Văn Thịnh (Trạm phó Trạm Kiểm lâm cơ động) phụ trách điều khiển tàu lớn theo sau để hỗ trợ khi có sự việc xảy ra.
Rời ánh đèn điện ít ỏi trên tàu, 3 chiếc bobo rồ ga rẽ sóng chạy trong đêm tối. Chúng tôi bắt đầu không nhìn thấy gì vì xung quanh bầu trời tối đen như mực. Thế nhưng, kiểm lâm viên Nguyễn Tiến Dũng vẫn điều khiển chiếc bobo nhỏ bé chạy với tốc độ cao lao vào giữa hồ mênh mông nước. Hiểu được sự lo lắng của chúng tôi, anh Dũng trấn an, anh đã có nhiều kinh nghiệm điều khiển bobo trong đêm tối nên đảm bảo an toàn. Anh giải thích: “Tàu lớn chủ yếu dùng vận chuyển đồ đạc, nơi để ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ… Còn lực lượng đi tuần tra phải dùng bobo nhỏ gọn, chạy với tốc độ cao thì mới đuổi kịp, áp sát đối tượng cùng tang vật vi phạm”.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 Quách Thanh Bình cho biết, đêm nay lực lượng sẽ tuần tra quanh lòng hồ, trong đó tập trung một số khu vực trọng điểm như: La Ngà (xã La Ngà, H.Định Quán); Suối Tượng và C.3 (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu)…, bởi những nơi này thường xảy ra tình trạng đối tượng dùng ngư cụ cấm đế đánh bắt thủy sản.
Sau khoảng nửa giờ lênh đênh trên nước, chiếc bobo đã đưa chúng tôi đến khu vực cần tuần tra. Các anh kiểm lâm bắt đầu ra hiệu tắt đèn pin, điều chỉnh động cơ bobo nổ nhỏ lại để không bị đối tượng phát hiện. Mọi người không nói chuyện riêng mà chú tâm vào công việc. Quan sát một lúc, lực lượng phát hiện khoảng cách chừng 100m có chiếc ghe đang hoạt động với nhiều khả nghi nên liền ra hiệu cho người điều khiển bobo tăng tốc để bất ngờ tiếp cận mục tiêu. Qua kiểm tra cho thấy, đối tượng đang làm nghề ghe te - một loại phương tiện, ngư cụ chỉ được phép hoạt động đến hết năm 2022.
Anh Quách Thanh Bình cho biết, thời gian qua, nhiều người đã sử dụng ghe te ủi dồn dưới nước sâu để bắt cá cơm và nhiều loại cá nhỏ khác. Điều này đã gây ảnh hưởng đến việc phục hồi nguồn thủy sản ở hồ. Hơn nữa, ghe te còn làm hư hỏng nhiều loại ngư cụ của những ngư dân làm ăn đàng hoàng. Do đó, tỉnh có chủ trương cho phép các chủ phương tiện hoạt động đến hết năm 2022 để họ có thời gian chuyển đổi sang nghề khác.
“Khu bảo tồn thời gian qua thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở bà con phải chấp hành đúng pháp luật. Đến năm 2023, nếu đối tượng nào vẫn cố tình vi phạm thì Khu bảo tồn buộc phải kiên quyết xử lý theo quy định” - anh Bình cho hay.
Giải quyết xong vụ thứ nhất, lực lượng tiếp tục lên đường tuần tra và lần lượt phát hiện thêm 3 ghe te ủi dồn đang hoạt động trên hồ. Lực lượng đã dành thời gian tuyên truyền, giải thích cho ngư dân hiểu về những quy định pháp luật đối với nghề này, đồng thời hướng dẫn bà con làm thủ tục để được hưởng tiền hỗ trợ và xin chuyển đổi sang nghề phù hợp.
Đi hết một vòng hồ, đồng hồ lúc này đã điểm 12 giờ đêm. Các thành viên trong đoàn quyết định trở lại tàu lớn để nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình tuần tra ngày mới.
* Nỗ lực vì sự bình yên nơi lòng hồ
Kiểm lâm viên Nguyễn Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, lực lượng đã gặp một số khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ. Chẳng hạn, động cơ bobo có tiếng nổ lớn nên lực lượng khó tiếp cận đối tượng. Bởi khi phát hiện có tiếng nổ bobo từ xa, đối tượng đã bỏ chạy hoặc tẩu tán các ngư cụ cấm để không còn chứng cứ. Thậm chí, lực lượng đã tiếp cận được mục tiêu nhưng khi tiến hành kiểm tra phương tiện, ngư cụ cấm thì các đối tượng rất manh động, chống đối, hoặc dùng điện thoại gọi “đồng minh” đến để giải vây.
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân chấp hành đúng quy định pháp luật trong hoạt động đánh bắt thủy sản. Ảnh: T.Nhân |
Trước những khó khăn trên, anh Dũng cùng anh em kiểm lâm bàn bạc và nghĩ cách chế tạo ra thiết bị giảm thanh gắn vào bobo để giảm tiếng ồn. “Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao trong công việc, giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều ghe te ủi dồn gắn điện, xung điện bắt cá. Đồng thời, chúng tôi đã tạm thời thu giữ điện thoại không để đối tượng gọi người đến giải vây. Những cách làm này đã giúp cho việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm được thuận lợi hơn” - anh Dũng bộc bạch.
Theo Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2 Quách Thanh Bình, mặc dù gặp rất nhiều áp lực trong công việc, nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn cố gắng làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao. Bất kể ngày hay đêm, khi nhận được thông tin, họ liền triển khai lực lượng tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm.
Điển hình, tối 26-8-2022, lực lượng của Trạm Kiểm lâm cơ động tổ chức tuần tra, kiểm tra trên lòng hồ Trị An và phát hiện ông N.T.N. (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, H.Định Quán) có hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép. Lực lượng đã buộc đối tượng tạm ngưng hoạt động, đồng thời lập biên bản và chuyển hồ sơ cùng tang vật vi phạm đến đơn vị chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hữu Phước cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh giao cho Khu bảo tồn quản lý hồ Trị An với diện tích trên 32 ngàn ha. Đơn vị đã bố trí 3 trạm kiểm lâm (Trạm Kiểm lâm cơ động, Trạm Kiểm lâm số 1 và Trạm Kiểm lâm số 2) với số lượng 20 người trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra quản lý, bảo vệ các hoạt động liên quan đến thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học ở hồ.
Trong thời gian qua, trên hồ Trị An thường xảy ra những hành vi vi phạm phổ biến như: sử dụng ngư cụ cấm, xung điện để khai thác thủy sản; xây cất nhà ở, công trình trái phép ở trên đất bán ngập…
“Diện tích hồ rộng lớn, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng đã khiến cho quá trình tuần tra của anh em gặp nhiều khó khăn. Đặc thù của anh em phụ trách ở hồ chủ yếu đi tuần tra, kiểm tra vào ban đêm nên thường phải đối diện với sóng to, gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão. Hơn nữa, đối tượng vi phạm thường rất manh động và tìm mọi cách chống trả lại lực lượng” - ông Phước chia sẻ.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, Khu bảo tồn cũng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt kiên quyết ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trên. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ hồ Trị An đã được đảm bảo. “Từ khi lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn đưa vào hoạt động xuyên suốt hơn 10 năm qua, tình hình an ninh trật tự trên hồ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, các hành vi vi phạm đã được kiểm soát khá tốt và có chiều hướng giảm, năm sau giảm hơn so với năm trước” - ông Phước cho hay.
Trong năm 2022, Khu bảo tồn đã phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phát hiện, tháo gỡ, phá bỏ tại hiện trường gần 10 ngàn m lưới các loại, 194 cái đú dớn, 26 dàn lưới chài điện, 77 máy xung điện. Đơn vị đã lập biên bản 60 vụ lấn chiếm đất bán ngập hồ Trị An và chuyển các chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. |
Thành Nhân