Trước sự hấp dẫn từ việc chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ nhanh có tiền tỷ bỏ túi hơn bám đồng nên nhiều nông dân xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) không tránh được sự cám dỗ. Tuy vậy, vẫn còn những nhà nông quyết bám ruộng để giữ đất trồng lúa.
Trước sự hấp dẫn từ việc chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ nhanh có tiền tỷ bỏ túi hơn bám đồng nên nhiều nông dân xã Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch) không tránh được sự cám dỗ. Tuy vậy, vẫn còn những nhà nông quyết bám ruộng để giữ đất trồng lúa.
Nông dân Nguyễn Văn Hòa (tổ 4, ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh) có thói quen thăm đồng khi trời vừa hừng sáng. Ảnh: Đ.Phú |
“Cây lúa ở đây không bao giờ thiếu nước. Chúng tôi chỉ cần cầm sào chọc một lỗ sâu chừng 5-10m xuống bất kỳ nơi nào của đám ruộng là nước mạch phun lên” - nông dân Nguyễn Văn Hòa (ngụ ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh) bộc bạch.
* Giữ dòng nước mạch trời cho
Xã Vĩnh Thanh có diện tích lúa 3 vụ đạt gần 440ha. Các cánh đồng lúa phân bổ đều trên 10 ấp. Những ngày giữa tháng 10, lúa vụ mùa của xã đang giai đoạn làm đòng, ngậm sữa.
Nhẩn nha thăm đồng lúc trời vừa bừng sáng, nông dân Nguyễn Văn Hòa (tổ 4, ấp Sơn Hà) cho biết, làm ruộng giờ sướng hơn 10-15 năm trước, mọi thứ đều được máy móc hỗ trợ. Tuy vậy, khâu thăm đồng thì không thể nhờ máy móc. Cho nên, ông rất siêng thăm đồng để kịp thời phát hiện cây lúa bị nhiễm bệnh mà “cứu chữa”, không cho lan rộng, ảnh hưởng đến mùa vụ.
Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh NGUYỄN GIANG THANH bày tỏ, dù địa phương trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhiều nông dân bán đất để làm công việc khác nhưng số nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã của địa phương là 421 hộ/822 hội viên Hội Nông dân của xã. Đó là tín hiệu mừng khẳng định việc bám đồng của nhà nông vẫn hiệu quả. |
Chỉ tay về mạch nước đang tuôn trào lên từ lòng đất, ông Hòa cho biết, mạch nước này được ông dùng cây sắt tròn thọc sâu xuống ruộng. Sau đó, ông lấy ống nhựa phi 40 (4cm) dài chừng 10m đặt xuống. Vậy là nước cứ theo ống nhựa trào lên mặt ruộng tưới cho cây lúa quanh năm.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Cánh đồng Vĩnh Thanh được trời phú cho mạch nước ngầm tự nhiên tốt như vậy mà bỏ cây lúa thì tiếc vô cùng. Cho nên chúng tôi giữ đất là giữ cho cuộc sống của gia đình mình và cả mạch nước ngầm quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Vĩnh Thanh” - ông Hòa bộc bạch.
Cũng thú nhà nông với thói quen thăm đồng từ lúc sáng sớm khi hạt sương còn bám trên những lá lúa và hương lúa phảng phất khắp cánh đồng, nông dân Bảy Nghĩa (ấp Thanh Minh) rảo khắp ruộng nhà xem lúa có bị sâu rầy, ngã đổ.
Gặp chúng tôi, ông khoe: “Vụ lúa này, 9 sào ruộng của tôi tệ lắm cũng cho năng suất được 8 tạ/sào. Với giá lúa hiện nay khoảng 5,5 triệu đồng/tấn bán tại ruộng thì tôi cũng bỏ túi được 25 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Tuy mỗi vụ lúa, nông dân ở xã Vĩnh Thanh chỉ lãi từ 3-4 triệu đồng/một sào (công) đất nhưng phần lớn ai cũng phấn khởi vì làm ruộng giữ được đất, giữ gìn nguồn nước mạch ngầm mà không phải vùng đất nào cũng có.
“Năm 1954, khi cha mẹ tôi về đây khai khẩn bưng biền để làm ruộng thì đã phát hiện các mạch nước ngầm trào tuôn ra từ lòng đất không bao giờ dứt. Lúc ấy không có máy móc, khi ruộng cần nước thì nông dân chỉ cần dùng sào tre chọc lỗ rồi lấy nước dẫn vô ruộng thấp hay dùng gàu tát nước vào ruộng cao. Vì vậy, ruộng ở Vĩnh Thanh còn được nhiều người gọi là ruộng mật, vì có nguồn nước ngọt quanh năm, không bị nhiễm mặn, phèn” - nông dân Hai Đấu (ngụ ấp Đại Thắng) cho biết.
* Những nông dân không bị cám dỗ
Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, nông dân xã Vĩnh Thanh khó thoát được sự cám dỗ khi việc trồng lúa thu nhập không cao, trong khi giá trị 1 sào ruộng sẵn sàng được người khác nhận chuyển nhượng cả tỷ đồng.
Nông dân nơi cánh đồng chùa Bà Đại (ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh) trao đổi kinh nghiệm về trồng lúa vụ hè thu. Ảnh: Đ.Phú |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thanh Nguyễn Ngọc Minh cho hay, với những nhà nông không mặn mà với cây lúa, mạch nước ngầm thì chỉ cần ai đó trả giá cao là họ gật đầu chuyển nhượng ngay. Điều này, Hội và chính quyền địa phương cũng không thể nào ngăn cấm, vì họ chuyển nhượng theo đúng pháp luật.
“Tuy vậy, chúng tôi rất hoan nghênh những nhà nông bám đồng, giữ ruộng để sản xuất. Nhờ họ mà quy hoạch vùng đất sản xuất lúa của địa phương vẫn không bị phá vỡ. Chính vì vậy, khi nhà nông gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật hay bị mất mùa…, chúng tôi kịp thời kiến nghị chính sách hỗ trợ nên họ vững tin bám đồng, giữ đất” - ông Minh nói.
Xã Vĩnh Thanh vốn là xã thuần nông, diện tích lúa 3 vụ của xã trước kia đạt trên 900ha, nay thu hẹp còn gần 440ha. Không chỉ diện tích trồng lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, nông dân địa phương không những chuyển nhượng đất lúa mà ngay cả đất nông nghiệp khác cũng được chuyển nhượng khá nhiều.
“Ai chuyển nhượng mặc họ, tôi vẫn gắn bó với 7 sào ruộng của mình. Bởi vì, nông dân bán đất lấy tiền tỷ bỏ túi, rồi thuê lại mảnh đất mình vừa bán để sản xuất thì sớm muộn gì họ cũng bỏ cây lúa vì trong tay đang có tiền ăn xài” - nông dân Chín Dũng (ngụ ấp Đại Thắng) bộc bạch.
Gió trên cánh đồng Vĩnh Thanh mang hương lúa vào khắp các xóm dân cư. Tuy vậy, ngày càng có nhiều nông dân ăn mặc tươm tất ra quán cà phê bàn chuyện bán đất, môi giới đất đai. Những nông dân lặng lẽ vác cuốc ra thăm đồng hay gặp nhau bên bờ ruộng bàn chuyện phân thuốc, sâu bệnh, giá lúa… không còn nhiều.
“Tiền tỷ ai cũng ham nhưng bán đất lấy tiền tỷ để rồi không còn ruộng cày bừa, làm của hồi môn cho con cái thì tụi tôi thà làm anh “hai lúa” của cánh đồng Vĩnh Thanh hơn là đại gia bán đất” - ông Út Tèo (ngụ ấp Nhất Chí) bộc bạch.
Cánh đồng xã Vĩnh Thanh ngoài sản xuất ra hạt gạo sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP còn nổi tiếng với hạt nếp thơm làm ra loại cốm dẹp Vĩnh Thanh nổi tiếng. Toàn xã hiện có 6 cơ sở sản xuất cốm dẹp để thu mua ngay tại đồng cho nông dân. |
Đoàn Phú