Vào mùa mưa, nhất là những khi có áp thấp nhiệt đới, các tổ trực sửa chữa điện tại các địa phương lại làm không hết việc. Ngoài công việc sửa chữa hằng ngày, họ còn tham gia khắc phục sự cố điện sau các cơn mưa to, gió lớn, lũ lụt...
Vào mùa mưa, nhất là những khi có áp thấp nhiệt đới, các tổ trực sửa chữa điện tại các địa phương lại làm không hết việc. Ngoài công việc sửa chữa hằng ngày, họ còn tham gia khắc phục sự cố điện sau các cơn mưa to, gió lớn, lũ lụt...
Nhân viên tổ sửa chữa Điện lực Biên Hòa khắc phục sự cố vật thể bị gió cuốn lên đường dây điện |
Nhiều thợ điện cho biết, mùa mưa bão này là mùa làm việc áp lực nhất của nghề sửa chữa điện. Công việc nhiều nhưng phải đảm bảo sửa chữa, khắc phục sự cố nhanh chóng, sớm cung cấp điện cho người dân sử dụng.
* “Gồng mình” khắc phục sự cố sau thiên tai
Từ đầu mùa mưa năm 2019 đến nay, các thợ điện thuộc các tổ sửa chữa điện Điện lực Định Quán (phụ trách 2 huyện Tân Phú và Định Quán) thường xuyên bận rộn với cường độ công việc rất lớn khi hệ thống điện ở hai huyện Tân Phú và Định Quán liên tiếp gặp sự cố do thiên tai, nhiều nhất là gió lốc, lũ lụt làm cây đổ đè vào đường điện, mái tôn bay lên đường điện làm cả ngàn hộ dân bị mất điện.
Mới đây nhất là đợt lũ tràn về một số xã tại hai huyện Định Quán và Tân Phú trong 3 ngày 8, 9, 10-8, các tổ sửa chữa của Điện lực Định Quán đã làm việc không ngơi nghỉ. Đơn vị đã cử người chốt trực và phối hợp với địa phương để kịp thời phối hợp xử lý sự cố về điện, đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng lũ.
Trước đó, ngày 31-7, các tổ sửa chữa của Điện lực Định Quán cũng phải dồn tổng lực khắc phục sự cố do cơn lốc lớn đi qua địa bàn hai huyện Định Quán và Tân Phú khiến hơn 25 ngàn hộ dân bị mất điện. Ông Phạm Hải Lâm, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành Điện lực Định Quán cho biết, bình thường các tổ trực chỉ duy trì khoảng 1/3 số thợ nhưng ngày xảy ra sự cố phải huy động 100% cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, thậm chí còn tiếp nhận phương tiện, lực lượng từ Điện lực Thống Nhất lên hỗ trợ. Mãi đến gần nửa đêm 31-7, sự cố cơ bản được khắc phục sau khoảng 8 giờ liên tục làm việc.
Nhân viên tổ sửa chữa Điện lực Định Quán khắc phục sự cố cột điện bị đổ vì mưa gió lớn. |
Ông Phạm Hải Lâm cho biết thêm: “Tại một số điểm vùng sâu, vùng xa, phần lớn lưới điện được kéo qua các khu vực sườn đồi, nền đá, chiều tối 31-7, nhiều nơi đã sạt lở, cây cối đè lên đường dây điện. Có nhiều khu vực cả mái tôn nhà dân còn “bay” trên đường điện, khi đó chúng tôi phải huy động xe gàu đưa thợ lên, dùng dây thừng cột vào xử lý tấm tôn thành từng phần nhỏ chứ không thể đẩy thẳng xuống đường nguy hiểm cho người xung quanh”.
Sự cố mất điện do thiên tai không chỉ xảy ra tại các huyện nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay tại khu vực đô thị như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh từ đầu mùa mưa đến nay cũng không ít lần gặp phải. Như cơn mưa dông chiều 4-6 làm gần 7 ngàn khách hàng tại phường Hóa An và phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) mất điện; cơn mưa lớn kèm lốc xoáy chiều 31-7 cũng làm cả ngàn hộ dân tại phường Xuân Trung và xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) mất điện...
Anh Nguyễn Thành Thức, thợ điện của Điện lực Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi phụ trách 19/30 phường, xã của TP.Biên Hòa và khu vực trung tâm thành phố nên áp lực khi xử lý sự cố điện khá cao. Việc xử lý sự cố khá vất vả, nhất là sự cố điện ở khu vực đông dân cư, nhà cao tầng có nhiều pa-nô, biển quảng cáo. Khi xử lý sự cố, thợ điện phải làm thật khéo và kỹ, tránh làm rơi mái tôn, các vật liệu của bảng hiệu quảng cáo xuống nhà dân ở phía dưới”.
* Nguy hiểm rập rình
Nhiều thợ điện tâm sự, mùa mưa bão này, khi ra hiện trường khắc phục sự cố thiên tai, sửa chữa lưới điện, có rất nhiều nguy hiểm rình rập. Điển hình như khi thợ đang làm việc trên cao, dễ bị “vật thể lạ” va vào khi chúng bị gió mạnh cuốn; ong vò vẽ làm tổ trên các trụ điện; hoặc vị trí tiếp cận nơi có sự cố rất khó khăn, đường ngập trong nước phải di chuyển bằng xuồng. Đặc biệt là với các thợ điện của Điện lực Định Quán mỗi khi vào sửa điện trong xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) vì nơi đây thường xuyên có voi rừng đi ra khu dân cư.
Nhân viên Tổ sửa chữa Điện lực Định Quán khắc phục sự cố cột điện bị đổ vì mưa gió lớn |
Ông Lê Đức Hùng, Tổ trưởng Tổ trực sửa chữa Điện lực Định Quán cho biết: “Có hôm trời tối đang đi trên đường thì gặp đàn voi đi ra, anh em trong tổ phải chạy thật nhanh mới thoát được. Những lần sau, để đảm bảo an toàn, khi vào các khu vực trên, chúng tôi luôn có người dân dẫn đường”.
Để đảm bảo an toàn, các tổ trực sửa chữa điện luôn tuân thủ quy định về an toàn (trang bị bảo hộ đúng, kiểm tra đường điện theo quy trình, cô lập các khu vực xảy ra sự cố...) khi ra hiện trường xử lý sự cố. Bên cạnh đó, một số nơi khi sự cố xảy ra liên quan đến nhiều đơn vị viễn thông, công ty cây xanh, quản lý đô thị nên phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan (thợ điện không thể tự ý đốn hạ các cành cây đô thị khi ngả vào dây điện, đặc biệt là các cây thuộc rừng phòng hộ, vườn quốc gia).
Nhiều thợ điện cho hay, khi xảy ra sự cố lúc mưa gió, dù khách hàng gọi hối liên tục nhưng để đảm bảo an toàn cho người, hệ thống điện và cả khách hàng nên thợ điện phải đảm bảo quy trình an toàn. Vì chỉ khi bản thân ý thức tự đảm bảo được an toàn thì mới sửa chữa tốt, nhanh chóng cấp điện lại được. Do đó từ đầu năm 2019 đến nay, chưa xảy ra sự cố nào khi thợ điện tại các địa phương khắc phục sự cố do thiên tai.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cho biết, từ tháng 3, điện lực các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hạn chế thiệt hại do sự cố thiên tai gây ra như: gia cố các vị trí cột điện, phát quang hành lang lưới điện, đồng thời tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... Khi có sự cố xảy ra, các tổ trực sửa chữa điện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố, sớm có điện lại cho khách hàng sử dụng. Trong quá trình khắc phục sự cố, anh em luôn tuân thủ quy trình, quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và các khách hàng trong khu vực. |
Minh Thành