Để bảo vệ bền vững nguồn thủy sản trên lòng hồ Trị An (rộng hơn 32 ngàn hécta), nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ dành nhiều thời gian, công sức cho công tác tuần tra, kiểm soát mà họ còn đối diện với nguy hiểm khi thường xuyên phải lênh đênh trên lòng hồ.
Để bảo vệ bền vững nguồn thủy sản trên lòng hồ Trị An (rộng hơn 32 ngàn hécta), nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ dành nhiều thời gian, công sức cho công tác tuần tra, kiểm soát mà họ còn đối diện với nguy hiểm khi thường xuyên phải lênh đênh trên lòng hồ.
Lực lượng kiểm lâm xuống ca nô kiểm tra vùng đất bán ngập trên lòng hồ Trị An. Ảnh: T.TÂM |
Trên lòng hồ Trị An có 3 trạm kiểm lâm, mỗi trạm có 7 cán bộ túc trực ngày đêm thay phiên nhau canh gác và tuần tra với mục đích bảo vệ nguồn nước, đất, nguồn thủy sản trên lòng hồ.
* Lênh đênh trên lòng hồ
Chúng tôi ghé thăm tàu tuần tra của Trạm Kiểm lâm số 3 hồ Trị An vào một ngày giữa tháng 6-2019. Vào buổi trưa nắng, nhìn lòng hồ Trị An khá phẳng lặng. Tuy nhiên, khi trời chuyển mưa, một cơn dông bất ngờ ập tới, sóng đánh mạnh, nước bắn tung tóe làm tàu chao đảo, ngay lập tức các kiểm lâm phải chống cơn dông bằng cách thả bạt phủ 2 bên tàu; di dời tàu neo đậu cách bờ khoảng 20m để những cơn gió không làm lật thuyền; dọn dẹp các vật dụng dễ bị đổ vỡ trên tàu...
Theo ông Trương Đình Minh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, dù có khó khăn vất vả nhưng tất cả các cán bộ kiểm lâm tại 3 trạm kiểm lâm trên hồ Trị An vẫn luôn nhiệt huyết trong công tác để bảo vệ lòng hồ Trị An phát triển bền vững. Để làm được điều này, cán bộ kiểm lâm luôn nhiệt tình, hăng hái, không ngại khó, gian khổ và phải có tính kiên nhẫn cao. |
Sau khi cơn dông đi qua, ông Trần Anh Đào, Trưởng trạm Kiểm lâm số 3 cho biết, nhìn mặt hồ Trị An phẳng lặng như vậy nhưng mỗi lúc gió lên, mưa lớn, mặt hồ cũng nổi sóng to, đòi hỏi người đi tàu phải có kinh nghiệm tránh gió bão để không bị nguy hiểm.
Theo ông Đào, vì nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ mà nhiều người dân bất chấp các quy định của pháp luật để dùng các cách thức đánh bắt thủy sản bị cấm như: nghề te (có gắn thiết bị kích điện), chích điện, giăng lưới dày... Trước tình trạng trên, lực lượng kiểm lâm đã phải tổ chức tuần tra cả ngày lẫn đêm để ngăn chặn sai phạm.
Ông Đào chia sẻ, sống trên tàu thiếu thốn rất nhiều thứ, sinh hoạt cũng rất bất tiện nhất là thiếu nguồn nước sạch. Vào mùa mưa phải thường đối diện với sóng to, gió lớn. Ông Đào còn nhớ mãi có lần đang đi tuần tra trên sông thì gặp cơn dông lớn làm thuyền chao đảo; đồ dùng như: chén, bát... không kịp dọn đều bị gió cuốn bay xuống hồ. May mà mọi người trên tàu đều bình yên.
Rời Trạm Kiểm lâm số 3, chúng tôi đến Trạm Kiểm lâm số 1 hồ Trị An để tìm hiểu thêm về công việc của lực lượng kiểm lâm nơi đây. Ngay lúc bữa cơm trưa vừa dọn ra trên tàu thì lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo có đối tượng dùng điện chích cá trên lòng hồ Trị An nên họ vội vàng xuống ca nô để đến hiện trường xử lý.
Ông Nguyễn Tiến Tới, Trưởng trạm Kiểm lâm số 1 hồ Trị An cho biết, những bữa cơm ăn vội, những giấc ngủ dang dở để lên đường làm nhiệm vụ mỗi khi nghe người dân gọi điện báo tin là chuyện rất bình thường. Ngoài chống chọi với thiên tai, lực lượng kiểm lâm nơi đây còn thường xuyên gặp phải sự chống đối của các đối tượng đánh bắt cá kiểu tận diệt.
* Gắn bó với hồ Trị An
Đối với khu vực do Trạm Kiểm lâm số 2 hồ Trị An quản lý thuộc các xã như: Thanh Sơn, Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định (huyện Định Quán), Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) thì việc quản lý lòng hồ vào mùa khô là điều khó khăn nhất. Ông Vũ Quang Kiên, Trưởng trạm Kiểm lâm số 2 cho biết, khi nước hồ cạn xuống, nhiều người dân lấn chiếm vùng đất bán ngập để sản xuất, đắp thành ao nuôi cá, trồng trọt gây ảnh hưởng đến lòng hồ.
Ông Trần Anh Đào, Trưởng trạm Kiểm lâm số 3 hồ Trị An giới thiệu về công tác tuần tra bảo vệ nguồn thủy sản ở hồ Trị An. Ảnh: T.TÂM |
“Ban ngày chúng tôi phải đi dọc lòng hồ để sớm phát hiện người dân lấn chiếm đất bán ngập và báo cho chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý. Ban đêm chúng tôi lại tuần tra ngăn chặn khai thác thủy sản trái quy định trên lòng hồ nên hầu như ít có thời gian nghỉ ngơi” - ông Kiên cho biết.
Dù nhiều khó khăn, vất vả là thế nhưng các cán bộ kiểm lâm vẫn ngày đêm âm thầm bảo vệ vùng sông nước, bảo vệ nguồn thủy sản và vùng đất thuộc lòng hồ Trị An được nguyên vẹn. Ông Đỗ Văn Thảo, kiểm lâm viên tại Trạm Kiểm lâm số 3 hồ Trị An cho rằng, công việc tuy vất vả và chiếm nhiều thời gian nhưng điều níu chân ông với công việc này là được ngắm nhìn thiên nhiên trong lành mỗi sớm thức dậy và được góp sức mình bảo vệ nguồn thủy sản trên lòng hồ không bị tận diệt, bảo vệ thiên nhiên khỏi bị phá hoại.
Không chỉ thường xuyên tuần tra, kiểm soát mà công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn thủy sản hồ Trị An cũng hết sức quan trọng. Ngoài việc tuyên truyền giúp ngư dân hiểu hơn các quy định của pháp luật, lực lượng kiểm lâm còn thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn của ngư dân và giúp đỡ những gia đình khó khăn đang sinh sống trên lòng hồ Trị An có công cụ đánh bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho họ mưu sinh, nâng cao đời sống. Đồng thời, các trạm kiểm lâm còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ, tư vấn, giải thích cho người dân việc nuôi trồng thủy sản phù hợp, đúng kỹ thuật.
Với những cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ nguồn thủy sản hồ Trị An, điều họ mong muốn nhất chính là cuộc sống ngư dân được cải thiện từng ngày, nguồn thủy sản luôn dồi dào và cuộc sống của mọi người trên hồ bình yên. Chỉ cần người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng việc đánh bắt thủy sản đúng quy định và không còn tình trạng lấn chiếm vùng đất bán ngập thì nguồn thủy sản sẽ được bảo vệ bền vững hồ Trị An sẽ mãi giữ được nét đẹp nguyên sơ, trong lành và là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch trong tương lai.
Tố Tâm