Sự hy sinh anh dũng của 10 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 suốt 30 năm qua đã trở thành sức mạnh để thế hệ bộ đội nhà giàn hôm nay tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự hy sinh anh dũng của 10 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 trong suốt 30 năm qua đã trở thành sức mạnh để thế hệ bộ đội nhà giàn hôm nay tiếp bước, tiếp tục thực hiện sứ mệnh bảo vệ vững chắc những “cột mốc chủ quyền” thiêng liêng trên vùng biển của Tổ quốc.
Trung tá Dương Văn Hoan, người sống sót trở về trong cơn bão Fathes tháng 12-1998 xúc động nhìn mô hình nhà giàn DK1 |
Sáng 5-7, tại Căn cứ quân sự Long Sơn, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Tiểu đoàn DK1 phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ra đời, phát triển, trưởng thành và đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhì. Tham dự buổi lễ còn có một số nhân chứng lịch sử sống sót trở về trong các cơn bão ở nhà giàn DK1 suốt 30 năm qua.
* Quá khứ bi hùng
Đến nay đã 21 năm trôi qua nhưng ông Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ nhà giàn Phúc Nguyên 2A vẫn còn nhớ như in cơn bão Fathes đánh sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A, nhấn chìm 1 sĩ quan và 2 quân nhân chuyên nghiệp xuống biển vào tháng 12-1998.
30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã làm nên truyền thống: “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Năm 2005, Tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Có 10 liệt sĩ hy sinh, trong đó 6 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại biển khơi. |
Ông Thủy vẫn nhói lòng khi nhắc lại quá khứ đau thương ngày ấy: “Bão đổ vào nhà giàn lúc nửa đêm. Sóng dựng như quả núi. Đói và rét vô cùng. Biết không trụ được trước sóng ngày càng lớn, Đại úy Vũ Quang Chương đã chỉ huy chúng tôi rời nhà giàn và nhảy xuống sau cùng. Lúc đó không ai nghĩ mình sẽ sống. Trong phút giây sinh tử ấy, tôi gọi điện về đài canh Hải Phòng nhờ chuyển lời chào vĩnh biệt đất liền, bố mẹ ở Nghệ An rồi nhảy xuống biển”.
“Giữa đêm đen, chúng tôi tìm nhau, gọi tên nhau, cố chống chọi với sóng gió để sống. Anh Chương, Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng đều đã hy sinh trong trận bão này” - ông Thủy nghẹn ngào kể lại.
Vượt hơn 400km đến từ tỉnh Đắk Lắk, đến dự lễ ông Vũ Quang Dương (cha của anh hùng liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương) đem theo tấm ảnh đen trắng của con trai bỏ ngay ngắn trong ngực áo. 7 năm trước, ông đến Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho con trai, lần này ông đến dự lễ kỷ niệm 30 năm DK1 với tư cách thân nhân liệt sĩ.
21 năm qua, kể từ ngày nhận giấy báo con trai hy sinh, ông vẫn dùng nhành san hô lấy dưới vùng biển con trai ông đóng quân đặt lên bàn thờ và coi đó là xương cốt của con để thắp hương mỗi ngày. Trong niềm xúc động chen lẫn tự hào, ông chia sẻ: “Con tôi hy sinh là nỗi đau không gì bù đắp được nhưng hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của một người lính biển và đó cũng là niềm tự hào của gia đình”.
Cũng như nhiều thân nhân khác đến dự lễ kỷ niệm DK1 tròn tuổi 30, chen lẫn niềm vui là nỗi lòng trăn trở, bà Vương Thị Trâm, vợ của liệt sĩ - Đại úy Dương Văn Bắc tâm sự: “Đã là bộ đội thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu. Chồng tôi cũng như bao liệt sĩ khác, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ canh giữ biển khơi thì đó là sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc”.
Hiện bà Trâm đang sống cùng 2 con trong căn nhà cấp bốn cuối hẻm sâu ở đường 30-4 (phường 12, TP.Vũng Tàu). Bà đang làm kế toán cho Chi đội Kiểm ngư 2 và 2 con của bà đều được hưởng trợ cấp chế độ con liệt sĩ đến năm 18 tuổi. “Anh Bắc hy sinh gần chục năm rồi nhưng quả thật tôi không nguôi ngoai được. Mỗi lần gió bão, tôi lại nghĩ về anh, chỉ mong có ngày đưa thi thể anh từ biển trở về” - bà Trâm tỏ bày.
* Sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển
Tiểu đoàn DK1 thành lập ngày 5-7-1989 với tên gọi đầu tiên là Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới. Nhà giàn xa đất liền nhất là nhà giàn Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630km; nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cách mũi Cà Mau gần 200km, cách tỉnh An Giang 385km.
Ông Vũ Quang Dương (phải), cha của liệt sĩ Vũ Quang Chương xúc động kể chuyện về con trai mình |
Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Phó bí thư Đảng ủy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 cho biết, 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió với bao khó khăn, gian khổ “chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng nắm rau xanh” với nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng; đặc biệt là sự chiến đấu chống chọi với bão tố cuồng phong và anh dũng hy sinh của 10 liệt sĩ. Tất cả tinh thần và nghị lực, ý chí và hành động, sự cống hiến và hy sinh thầm lặng cao cả ấy, đều nhằm mục tiêu bảo vệ nhà giàn DK1 mãi mãi trường tồn trên Biển Đông.
“Công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng, cống hiến tuổi xuân cho sự vững chãi, trường tồn của mỗi nhà giàn DK1 trong 30 năm qua, không những là sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển thời bình lặng im tiếng súng, mà còn thể hiện tình yêu, nghĩa cử, trách nhiệm đối với biển đảo của Tổ quốc” - Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh.
Thay mặt Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã biểu dương, ghi nhận thành tích của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 qua 30 năm xây dựng và trưởng thành. Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng kêu gọi cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công, để mỗi nhà giàn DK1 là một pháo đài vững chắc canh đường biên trên biển của Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Mai Thắng