Tạm gác việc học thêm, tạm "chia tay" điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, tivi..., gần 100 học sinh (từ lớp 6 đến lớp 12) của Đồng Nai đã có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa khi tham gia chương trình Học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) tổ chức.
Tạm gác việc học thêm, tạm “chia tay” điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, tivi..., gần 100 học sinh (từ lớp 6 đến lớp 12) của Đồng Nai đã có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa khi tham gia chương trình Học kỳ quân đội do Tỉnh đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) tổ chức.
Các học viên học cách sơ cứu, băng bó vết thương. Ảnh: M.Thành |
Phó bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên cho hay, 1 tuần được rèn luyện trong môi trường quân đội đã giúp các em học sinh có ý thức tự lập, biết cách chăm sóc bản thân, quan tâm gia đình, người thân hơn. Đặc biệt, các em hiểu được vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ với tương lai đất nước.
* Rèn vào nền nếp
Nhiều học viên cho biết, những ngày đầu sinh hoạt trong quân ngũ, các học viên cũng khá vất vả khi phải chấp hành theo đúng giờ giấc sinh hoạt; ăn uống đôi khi không hợp khẩu vị; luyện tập dưới nắng nóng nơi thao trường; không được sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng... Tuy nhiên qua 2-3 ngày đầu, các em đã tự điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt để hòa nhập cùng tập thể, theo đúng kỷ luật của đơn vị.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Hồ Hồng Nguyên cho hay, chương trình Học kỳ quân đội được Tỉnh đoàn tổ chức định kỳ hằng năm. Ngoài lớp của Tỉnh đoàn thì trong tháng 7 này, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng tổ chức 11 lớp học kỳ quân đội nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về lực lượng vũ trang cho thiếu niên trong tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh, tinh thần yêu nước, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống… |
Em Nguyễn Anh Đức (14 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mấy ngày nghỉ hè ở nhà, em hay ngủ dậy trễ, khi dậy lại đi học thêm và đi chơi với bạn bè. Vì vậy, 2 ngày đầu vào đây thật khó khăn để dậy sớm đúng giờ nên thường hay buồn ngủ nhưng sau vài ngày vào nếp quen, em thấy sức khỏe tốt hơn vì được ngủ đủ giấc và được tham gia các hoạt động để rèn luyện thể dục - thể thao”.
Không chỉ tự rèn luyện thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc, nền nếp, các học viên còn được tham quan nơi sinh hoạt, tập luyện của các chiến sĩ tại Lữ đoàn Pháo binh 75. Qua đó, các em hiểu hơn sự vất vả của người lính trong thời bình, vẫn phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Các học viên cũng được giới thiệu những thao tác cơ bản của một số loại vũ khí, cách đào bếp Hoàng Cầm và nấu ăn ngoài thực địa. Trong những giờ thực hành, các em hăng hái xung phong thực hiện bài học, nhất là băng bó, các kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ, thiên tai...
Em Phạm Hoàng Đăng Khoa (15 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tâm sự: “Cha em đang là sĩ quan quân đội, do đó em luôn ấp ủ ước mơ sau này lớn lên sẽ tiếp nối công việc của cha. Nay được tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Pháo binh 75 luyện tập, em rất khâm phục ý chí, nghị lực của các chú, các anh. Những ngày tham gia Học kỳ quân đội đã cho em nhiều trải nghiệm khá thú vị, học được nhiều kỹ năng sống để tự lập hơn. Em sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập để sau này được trở thành sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.
* Trang bị nhiều kỹ năng sống
7 ngày tham gia Học kỳ quân đội tại Lữ đoàn Pháo binh 75, 100 em học sinh được chia làm 6 tiểu đội thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3. Các em được ăn uống, sinh hoạt và học tập theo đúng chế độ của một chiến sĩ. Việc sắp xếp các em vào tiểu đội bên cạnh giúp cán bộ quản lý dễ hơn còn giúp các học viên học được cách làm việc nhóm, giải quyết tình huống chung với tập thể, từ đó xây dựng tinh thần đồng đội.
Các học viên Học kỳ quân đội nhận thẻ học viên trước khi bước vào rèn luyện .Ảnh: M.Thành |
Đại úy Bùi Đức Anh, Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 cho biết, anh có 5 năm làm công tác quản lý các học viên chương trình Học kỳ trong quân đội nên chứng kiến nhiều em rất khó hòa nhập. Vì vậy ngay ngày đầu tiên, anh đã tiếp cận, nắm tình hình gia đình các em để từ đó có biện pháp giúp các em sớm hòa nhập; tích cực tham gia các hoạt động chung.
Theo Thượng tá Phùng Hồng Hoàng, Phó chính ủy Lữ đoàn Pháo binh 75, qua nhiều năm tham gia tổ chức Học kỳ quân đội, đơn vị đã nỗ lực xây dựng chương trình rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống như: cách sơ cứu, phòng chống bạo lực học đường, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ; kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp; biết yêu thương và có trách nhiệm với gia đình...
“Đặc biệt, điều chúng tôi muốn gửi gắm qua việc tổ chức các học kỳ quân đội cho học sinh chính là phải truyền được tinh thần yêu nước qua các bài giảng về lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam; tinh thần dũng cảm của các anh hùng, liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc; ý nghĩa của tinh thần tương thân tương ái trong cuộc sống” - Thượng tá Phùng Hồng Hoàng nhấn mạnh.
Ông Phạm Xuân Dưỡng, phụ huynh của em Phạm Hoàng Đăng Khoa cho biết: “Tham gia Học kỳ quân đội đã giúp con tôi thay đổi nhiều về tính tự giác. Tôi thấy chương trình rất hay và bổ ích, giúp các em học sinh có thêm trải nghiệm trong môi trường mới, nâng cao ý thức chăm sóc bản thân, biết quan tâm hơn đến gia đình. Trong môi trường tập thể, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, học tập với bạn bè đồng trang lứa, các cháu sẽ thấy cái hay để học hỏi và tự điều chỉnh hành vi tích cực hơn”.
Tuy nhiên, để sau khi về nhà, các học viên tiếp tục duy trì được nền nếp sinh hoạt trong những ngày học tập, rèn luyện tại Học kỳ quân đội lần này thì vai trò của gia đình rất lớn trong việc quan tâm nhắc nhở, chấn chỉnh giờ giấc học tập, sinh hoạt, vui chơi của các em học sinh cho hợp lý; tiếp tục rèn luyện cho các em tinh thần tự lập, biết tự chăm sóc bản thân, phụ giúp cha mẹ công việc nhà; thường xuyên trang bị các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ để các em tự biết bảo vệ mình khi gặp nguy hiểm.
Minh Thành