Hiện nay với gần 4,5 ngàn người nghiện ma túy trên địa bàn Đồng Nai thì có tới gần 70% người có độ tuổi từ 16-30. Đây là con số đáng lo ngại cho thấy độ tuổi người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Hiện nay với gần 4,5 ngàn người nghiện ma túy trên địa bàn Đồng Nai thì có tới gần 70% người có độ tuổi từ 16-30. Đây là con số đáng lo ngại cho thấy độ tuổi người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hồ Văn Lộc (giữa) và Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai Hồ Trí Lịch (bên phải) thăm hỏi học viên |
Tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, đóng tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), nhiều người trẻ đang phải vật vã với những cơn nghiện ma túy. Họ đang từng ngày phải đấu tranh với ma túy để tìm lại chính mình.
* Hủy hoại bản thân vì ma túy
21 tuổi, H.D.P. (ngụ huyện Tân Phú) đã vướng vào ma túy được gần 2 năm. P. kể lại, khi còn là học sinh lớp 6, nhiều lần chứng kiến cha mẹ cãi nhau dẫn đến ly hôn nên P. đã bỏ học đi theo đám bạn xấu ngoài xã hội rồi bắt đầu tập tành ăn nhậu, hút thuốc. Lâu dần, P. nghe lời bạn dụ dỗ nên đã thử dùng ma túy và sớm trở thành “con nghiện”. “Lúc đó tôi cứ tưởng sử dụng một vài lần sẽ không sao nhưng hóa ra không dễ bỏ tí nào. Số tiền sinh hoạt mẹ cho, tôi dùng để mua ma túy. Khi không có tiền, tôi về quậy phá nhà mẹ để đòi tiền” - P. kể. Đến tháng 3-2019, khi đang cùng bạn dùng ma túy tại thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) thì P. bị bắt và lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc, lúc đó mẹ P. mới biết con là người nghiện.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh, đa phần người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay đều sử dụng các loại ma túy tổng hợp như: ma túy đá, thuốc lắc... và có khoảng 90-95% đối tượng không có nghề nghiệp ổn định. |
Nghe P. nói, học viên N.M.H. (26 tuổi, ngụ xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) nghẹn ngào cho biết: “Chí ít P. còn có mẹ để quan tâm, chăm sóc. Còn tôi thì có cha, có mẹ cũng như không”.
Ngay khi H. còn học lớp 2, cha mẹ của H. đã bỏ nhau. H. về sống cùng ông bà nội. Mẹ của H. từ đó cũng bỏ đi biệt xứ không về thăm con lần nào, còn người cha thì suốt ngày say xỉn. Vì hoàn cảnh khó khăn, lại chán nản bởi gia đình ly tán nên H. dễ dàng bị bạn bè lôi kéo và tham gia vào việc hút chích ma túy. “Lúc đó tôi chẳng còn nghĩ gì đến tương lai. Cuộc sống cứ quay cuồng theo ma túy nên giờ nghĩ lại thấy mình đã phung phí một thời tuổi trẻ” -
H. tỏ ra nuối tiếc.
Còn đối với T.N. (30 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) mặc dù có cha mẹ yêu thương, anh chị em đùm bọc nhưng vẫn vướng vào ma túy. Khi mới 20 tuổi, N. đem lòng yêu một người đàn ông và về sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cả hai có với nhau một đứa con vừa đầy năm thì N. phát hiện chồng có tình nhân mới.
Sau khi cuộc sống gia đình tan vỡ, N. bồng con về nhờ cha mẹ ruột chăm sóc, một mình đi vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp mong có cuộc sống tốt hơn. Nơi đất khách quê người, N. làm đủ thứ việc để kiếm sống từ tiếp viên tại quán cà phê, bán quần áo, tiếp thị bia... Những tưởng cuộc sống cứ thế bình yên cho đến năm 2016, N. đem lòng yêu một người đàn ông khác rồi sinh thêm con thứ 2.
Mối tình thứ 2 tan vỡ, N. bắt đầu lao vào những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng để tìm niềm vui trong men say và ma túy. “Tuổi trẻ bồng bột nên tôi đi từ sai lầm này tới sai lầm khác và sai lầm lớn nhất là trở thành con nghiện” - N. thổ lộ.
* Giúp người trẻ tránh xa ma túy
Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, tình trạng nghiện ma túy ngày càng tăng và số người sử dụng ma túy trẻ hóa theo từng năm, trong đó chủ yếu là người trẻ tuổi từ 16-30 tuổi, thậm chí dưới 16 tuổi cũng chiếm gần 1% số người nghiện trên địa bàn tỉnh.
Công an bắt quả tang nhiều người trẻ sử dụng ma túy trong một quán bar ở TP.Biên Hòa |
Đáng chú ý nhất, hiện nay tình trạng thanh thiếu niên có lối sống ăn chơi, đua đòi, tụ tập số lượng lớn cùng sử dụng ma túy tổng hợp (thuốc lắc, ma túy đá...) trong các quán bar, karaoke, nhà nghỉ... diễn ra ngày càng phổ biến.
“Hiện có nhiều người trẻ do hoàn cảnh gia đình bị tan vỡ, thiếu sự quan tâm của cha mẹ dẫn đến việc tìm ma túy để giải tỏa. Nhưng chủ yếu vẫn là do thói ăn chơi, đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã tự đẩy mình vướng vào ma túy” - ông Hòa cho hay.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai cho hay, học viên tại cơ sở hầu hết đều nghiện ma túy khi tuổi đời còn trẻ, chưa ý thức hết tác hại của ma túy nên đến lúc hiểu biết thì không thể từ bỏ được bởi do bản thân chưa đủ quyết tâm, gia đình bỏ bê, xã hội còn kỳ thị. Cũng theo ông Lịch, cơ sở còn mở các lớp dạy nghề cho học viên như: may vá, cơ khí, sửa chữa ô tô, nấu ăn... để giúp những người nghiện ma túy có cơ hội làm lại cuộc đời, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tránh xa ma túy.
Theo anh Vũ Văn Khanh, Phó trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn, trong những năm qua Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức nhiều đợt tuyên truyền với nhiều chủ đề liên quan đến tác hại của ma túy. Đặc biệt, trong phong trào 4 giảm của Tỉnh đoàn có chỉ tiêu giảm về ma túy. Ngoài ra, Tỉnh đoàn cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thi tìm hiểu về tác hại của ma túy.
Anh Khanh cho biết, thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường tuyên truyền trong trường học, khu nhà trọ của công nhân. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan công an để tạo điều kiện cho các thanh niên có quá khứ lầm lỡ hoặc người sau cai nghiện được vay vốn từ nguồn Quỹ Doanh nhân với an ninh trật tự tỉnh để làm ăn, buôn bán.
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Hồ Văn Lộc cho biết, thời gian qua đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp cai nghiện cho người nghiện ma túy như cai nghiện tại cơ sở, tại gia đình, cộng đồng, thực hiện quản lý sau cai, tổ chức dạy nghề... Hiện người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa nên đòi hỏi công tác tuyên truyền, giáo dục phải được thực hiện ngay trong gia đình, nhà trường. Đặc biệt, các đoàn thể, ban, ngành, doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn vay để sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người sau cai để họ sớm từ bỏ ma túy, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Tố Tâm