Tại TP.Biên Hòa hiện vẫn còn một số cây cầu tạm do người dân tự đóng góp kinh phí xây dựng, bắc ngang các con suối trong khu dân cư. Vào mùa mưa, việc lưu thông qua các cây cầu này không đảm bảo an toàn.
Hiện nay, tại TP.Biên Hòa vẫn còn một số cây cầu tạm do người dân tự đóng góp kinh phí để xây dựng, bắc ngang các con suối trong khu dân cư. Tuy đây là cầu tạm nhưng lại là lối đi lại chính và quan trọng với nhiều người. Vào mùa mưa, việc lưu thông qua các cây cầu này không đảm bảo an toàn.
Lan can bảo vệ cầu Kim Bích (nối phường Hố Nai với phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được lắp sơ sài nên lúc trời mưa lớn, khi đi qua đây người dân vẫn sợ bị trôi xe. Anh: T.HẢI |
Thời gian qua đã có không ít vụ người đi đường bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong khi qua cầu tạm ở TP.Biên Hòa. Những chiếc cầu này đều được xây dựng từ khá lâu nên đã xuống câp, hư hỏng nặng gây nguy hiểm cho người qua lại.
* Nguy hiểm chết người
Mới đây, vào tối 8-5, cơn mưa lớn kèm gió mạnh đổ xuống TP.Biên Hòa khiến nước từ thượng nguồn ồ ạt chảy về suối Bà Lúa (KP.1, phường Long Bình Tân) làm nơi đây bị ngập nặng. Chỉ trong phút chốc, cây cầu Bà Lúa và dọc hành lang ven suối Bà Lúa chìm nghỉm trong nước. Trên đường đi học thêm ngang khu vực này, 2 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh đã bị dòng suối dữ cuốn trôi mất tích.
Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “UBND TP.Biên Hòa đã yêu cầu các địa phương phải phối hợp với lực lượng công an, quân đội nhanh chóng ứng cứu khi xảy ra sự cố; kiên quyết không để xảy ra các vụ tai nạn khi qua cầu tạm; đồng thời các xã, phường phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho bà con khi bước vào mùa mưa bão”. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, ngay sau tai nạn xảy ra, địa phương đã tiến hành gia cố lại khu vực bị sạt lở ở gần cầu Bà Lúa, đồng thời lắp đặt lan can kiên cố hai bên suối. Tuy nhiên, cây cầu Bà Lúa xuống cấp, thường xuyên ngập chìm trong nước khi có mưa lớn vẫn là mối nguy hiểm với người lưu thông qua đây.
Bà Đặng Thị Hoa (ngụ KP.1, phường Long Bình Tân) làm nghề bán trái cây ngay cầu Bà Lúa cho biết, cầu Bà Lúa được xây dựng bằng bê tông cách đây nhiều năm hiện đã xuống cấp, hư hỏng. Cầu bắc qua suối không rộng lại còn nằm ở chỗ thấp nên chỉ cần một trận mưa lớn là nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao lên đến thành cầu tạo thành những vùng xoáy nước vô cùng nguy hiểm.
“Nằm ở khu dân cư đông đúc nên mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại cây cầu cũ. Không chỉ xe máy, xe ba gác mà xe tải nhỏ cũng đi qua khu vực này đủ thấy rằng dù cầu tạm, cầu dân sinh, nhưng rất quan trọng với người dân. Người dân trong khu vực đều biết nguy hiểm nên không dám qua lại khu vực này khi nước ngập. Tuy nhiên, nhiều người lạ không biết vẫn vô tư đi qua nên rất nguy hiểm” - bà Hoa nói.
Không chỉ cầu Bà Lúa mà ngay trong TP.Biên Hòa, nhiều năm nay cầu Kim Bích (nối phường Trảng Dài với phường Hố Nai) cứ sau mỗi trận mưa lớn lại ngập sâu, chìm trong “biển” nước. Những lúc như thế, người dân phải bì bõm, mò mẫm lội qua dòng nước đang chảy xiết vô cùng nguy hiểm.
Vào cuối tháng 9-2017, một nam công nhân trên đường đi làm về khi qua khu vực này đã bị dòng nước dữ cuốn trôi dẫn đến tử vong. Đến nay, cây cầu vẫn chưa được xây dựng kiên cố. Nguy hiểm vẫn còn đó nên người dân khi qua đây vào trời mưa lớn đều lo sợ.
“Mới đây, cơn mưa tối 27-5 làm cây cầu này tiếp tục ngập sâu trong nước. Bà con sống 2 bên cầu buộc phải cử người đứng ra gác, ngăn không cho người dân qua lại để tránh xảy ra những vụ tai nạn tương tự. Biết cầu tạm rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng vì không còn cách nào khác” - ông Nguyễn Hoàng Minh (ngụ KP.5, phường Hố Nai) cho biết.
* Tăng cường biện pháp an toàn
Theo UBND TP.Biên Hòa, hiện nay các cây cầu dân sinh tập trung chủ yếu tại các phường Tân Biên, Hố Nai, Trảng Dài, Long Bình Tân và xã An Hòa. Trong đó, khu vực suối Săn Máu đoạn qua các phường Tân Biên, Hố Nai và Trảng Dài được xem là “rốn lũ” mỗi khi có mưa lớn. Thực tế, nhiều năm qua cứ bước vào mùa mưa, những khu vực này đã xảy ra các vụ việc như: cầu sập, người đi đường bị nước cuốn trôi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Cầu Bà Lúa (đoạn qua KP.1, phường Long Bình Tân) đông đúc người và phương tiện qua lại dù cây cầu cũ đã xuống cấp |
Người dân sống hai bên suối Săn Máu phản ảnh, khoảng mấy năm trở lại đây dòng suối này trở nên “hung dữ” hơn. Nguyên nhân một phần do tình trạng xây cất, san lấp, lấn chiếm lòng suối đã làm cho lũ quét bất thường và dữ dội. Vì vậy, mong mỏi của người dân là TP.Biên Hòa sớm triển khai nạo vét thông luồng suối Săn Máu để không còn tình trạng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn.
Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Trần Mạnh Hùng cho biết sau các vụ tai nạn thương tâm, địa phương đã tiến hành lắp hàng rào lan can dọc hai bên bờ suối qua các cầu Bà Huế, cầu Kim Bích giữa phường Trảng Dài với phường Hố Nai. Ngoài ra, khi trời mưa lớn và kéo dài có khả năng gây ngập, chính quyền đều cử lực lượng để hỗ trợ người dân đi đường, tránh qua những đoạn ngập có thể dẫn đến tai nạn thương tâm.
Cũng theo ông Hùng, dù đã có người hướng dẫn việc lưu thông cho các phương tiện qua lại các cây cầu tạm khi trời mưa lớn nhưng một số người đi đường vẫn bất chấp vượt qua. Do đó, để không xảy ra tai nạn, người dân khi qua những khu vực này cần phải cảnh giác và chấp hành theo biển cấm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, thành phố đã tiến hành rà soát, thống kê số cầu yếu, cầu tạm hiện có trên địa bàn để lên phương án bảo vệ cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông. Trước mắt, đã tiến hành lắp đặt biển cảnh báo, cử người hướng dẫn người dân lưu thông khi có mưa lớn, nước ngập.
Thanh Hải