Việc lái xe sau khi uống rượu, bia và sử dụng ma túy là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Vấn đề được đặt ra là hình thức xử phạt như thế nào đối với những vi phạm này?
[links()]Việc lái xe sau khi uống rượu, bia và sử dụng ma túy là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Vấn đề được đặt ra là hình thức xử phạt như thế nào đối với những vi phạm này?
Lực lượng chức năng kiểm tra một trường hợp lái xe về việc sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện trên quốc lộ 1, đoạn qua Đồng Nai. |
Tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy đang rất đáng lo ngại. Trong khi việc kiểm tra, xử lý hầu như chỉ phụ thuộc vào tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông hoặc các đợt khám sức khỏe tập trung.
* Tước bằng vĩnh viễn, phạt lao động công ích
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I, triển khai kế hoạch quý II năm 2019 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 24-4, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các ngành chức năng khi đánh giá nguyên nhân, mức độ thiệt hại và biện pháp xử lý cần phải có chế tài với cả chủ xe có tài xế gây tai nạn giao thông (TNGT).
Bởi vì doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát tài xế. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm, xử lý chủ xe nếu phát hiện để xảy ra trường hợp ép tài xế tăng chuyến, chạy quá giờ quy định, không đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có lượng xe container, xe tải, xe khách lớn với đủ các loại hình vận tải phức tạp, cũng đề xuất phải khẩn trương thực hiện những biện pháp mạnh theo hướng tăng nặng, đủ sức răn đe như: tăng mức phạt tiền, bỏ tù, bổ sung hình phạt lao động công ích, tước bằng lái dài hạn hoặc vĩnh viễn với tài xế uống rượu, bia, sử dụng ma túy.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe tải trên quốc lộ 51, đoạn qua khu vực xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) |
Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến kiến nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tước vĩnh viễn bằng lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng ma túy gây tai nạn.
Riêng Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng, cần phải có một chế tài đủ mạnh đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng ma túy, rượu, bia ngay cả khi họ chưa gây ra TNGT. Có như vậy mới góp phần phòng ngừa vi phạm ngay từ đầu, không để hậu quả xảy ra mới tính đến việc tăng mức phạt.
“Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có nguyên nhân từ việc lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy. Với lái xe sử dụng ma túy thì cần tước bằng lái vĩnh viễn vì những người nghiện ma túy rất khó bỏ, cần phải nghiêm khắc hơn với trường hợp này để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông” - ông Vĩnh nhấn mạnh.
* Tăng chế tài xử lý hình sự
Luật sư Lê Văn Nhân, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh phân tích, theo quy định hiện hành, bên cạnh các mức phạt tiền khác nhau nếu cơ quan chức năng phát hiện tài xế sử dụng ma túy sẽ bị tước bằng lái 22-24 tháng, tài xế vi phạm về nồng độ cồn sẽ bị tước giấy phép lái xe 1-6 tháng.
Các mức phạt hiện hành và kiến nghị mức phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, rượu bia. |
Do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Trước hết ở góc độ trách nhiệm hình sự, cần sửa đổi theo hướng xử lý lái xe sử dụng bia, rượu, ma túy gây tai nạn theo các tội danh tương ứng với hậu quả gây ra.
“Nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh “cố ý gây thương tích” hoặc gây ra chết người thì xử lý theo tội danh “giết người” - luật sự Nhân lý giải.
Ngay cả khi hành lang pháp lý được sửa đổi theo hướng tăng chế tài xử phạt cả về hành chính lẫn hình sự thì kết quả cũng còn phụ thuộc vào những người thực thi công vụ. Dẫu pháp luật có chặt chẽ đến đâu nhưng những người, cơ quan bảo vệ pháp luật thờ ơ, không làm hết trách nhiệm thì cũng không thể ngăn chặn hết những tai nạn thảm họa do lái xe uống rượu, bia hay sử dụng ma túy gây ra.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an nhận định, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và lái xe sử dụng ma túy là hai việc khó và phức tạp. Điều quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, vận động, còn xử lý vi phạm là khâu sau cùng. Còn về chế tài tước giấy phép lái xe vĩnh viễn lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng, chắc chắn sẽ cần phải được nghiên cứu rất kỹ trước khi áp dụng.
* Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh: Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý Các lực lượng công an, thanh tra giao thông của tỉnh phải tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm với những lái xe sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa tai nạn, không để xảy ra các vụ TNGT thương tâm. Đối với những tài xế đang làm công cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng khi tuyển chọn, yêu cầu cam kết không uống rượu, bia khi lái xe, đặc biệt là không sử dụng ma túy. * Thiếu tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: Đã uống rượu, bia thì không lái xe Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã tổ chức cho gần 1,5 ngàn lượt chủ phương tiện, người lái không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Đồng thời tổ chức ký cam kết đã uống rượu, bia thì không lái xe góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân. * Ông Phạm Văn Tiệp, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai: Đầu vào tốt, sẽ không lọt lái xe nghiện ma túy Nếu đầu vào không chặt, các doanh nghiệp, chủ xe chỉ nhìn giấy khám sức khỏe của lái xe mà không kiểm tra lại, không tự giám sát thì chẳng ai biết trước điều gì. Vì thế, khi tuyển dụng lái xe, các công ty vận tải phải kiểm tra, xét nghiệm kĩ càng đảm bảo đầu vào tốt. Tại Công ty cổ phẩn bến xe và dịch vụ vận tải Đồng Nai có hàng trăm lái xe, khi tuyển dụng công ty đều mời cán bộ bệnh viện đến thử máu, nước tiểu tại chỗ chứ không để họ tự đi khám sức khỏe rồi đem kết quả đó nộp cùng hồ sơ. Định kỳ 3 tháng một lần, việc này sẽ được tiến hành lại, nếu phát hiện trường hợp nào dương tính với ma túy là chấm dứt hợp đồng ngay. * Ông Hồ Đinh Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn: Giám sát chặt chẽ việc học và thi bằng lái Hiện nay, Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn đã trang bị hệ thống đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe theo chuẩn quốc tế. Từ việc gắn thiết bị giám sát hành trình trên các xe thực hành, đến máy quét vân tay điểm danh học viên… Qua đó, sẽ giám sát chặt chẽ học viên trong suốt quá trình từ học lý thuyết đến thực hành. Những trường hợp không chấp hành, gian dối trong học tập và thi sát hạch sẽ bị loại ngay từ đầu.
* Ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý người lái (Sở Giao thông - vận tải): Thi bằng lái xe sẽ khó hơn Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe, ngoài 450 câu hỏi hiện hành, sắp tới sẽ tăng thêm 150 câu. Trong số các câu thi lý thuyết sẽ có một số câu quyết định, nếu học viên trả lời sai thì có thể bị đánh rớt ngay lập tức cho dù những câu còn lại làm đúng; từ đó hạn chế tình trạng học vẹt, học tủ. Việc học sẽ được học thật, thi thật và kết quả thật. Đặc biệt, có một số câu bắt buộc phải trả lời đúng như: cấm uống rượu, bia rồi lái xe, cấm chạy quá tốc độ… |
Bài và ảnh: Thanh Hải