Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó, giúp đồng đội

09:11, 04/11/2018

Từ 2 bàn tay trắng, cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòe (68 tuổi, ngụ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh, từng chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị) đã xây dựng được một cơ ngơi vững chắc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và các hội viên Hội Cựu chiến binh ở địa phương.

Từ 2 bàn tay trắng, cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòe (68 tuổi, ngụ phường Xuân Thanh, TX.Long Khánh, từng chiến đấu tại tỉnh Quảng Trị) đã xây dựng được một cơ ngơi vững chắc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và các hội viên Hội Cựu chiến binh ở địa phương.

Ông Nguyễn Quang Hòe bên những bịch nấm do trại của ông tự đóng.
Ông Nguyễn Quang Hòe bên những bịch nấm do trại của ông tự đóng.

Đưa chúng tôi đi tham quan trại nấm rộng 1,2 hécta của gia đình ở ấp Suối Chồn (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh), cựu chiến binh Nguyễn Quang Hòe tâm sự, sau khi rời quân ngũ ông cũng rời quê nhà ở tỉnh Hà Tĩnh, xuôi ngược nhiều tỉnh, thành phía Nam để mưu sinh. Cuối cùng, ông chọn TX.Long Khánh là nơi an cư lạc nghiệp suốt hơn 30 năm nay.

* Chịu thương, chịu khó

Ông Hòe cho hay những năm đầu đến TX.Long Khánh, ông cũng làm nhiều nghề để sinh sống như: mở xưởng mộc, làm trại nuôi heo, trồng cà phê... nhưng thu nhập vẫn chỉ đủ ăn.

Ngã rẽ trong quá trình lập nghiệp của ông Hòe bắt đầu vào năm 1988, con trai ông tranh thủ sau giờ học đi làm thêm việc đóng bịch nấm cho các hộ ở gần nhà rồi về gợi ý cho ông nghiên cứu làm thử nấm để có thu nhập thêm. Sau khi suy nghĩ, ông Hòe quyết định liều lĩnh là dẹp bỏ một phần rẫy cà phê đang tuổi thu hoạch phía sau nhà và bán 2 con heo được 3 chỉ vàng rồi mua nứa về dựng trại khoảng 1 ngàn m2 làm nấm mèo.

Nhờ quen biết rộng, nhiều người quý mến nên ông đã được nhiều người giúp đỡ, bán thiếu vật tư để làm nấm thử. Ngay từ năm đầu tiên làm nấm, ông Hòe đã có lời. Ông nhanh chóng trả hết số tiền vay làm nấm ban đầu, số còn dư sắm cho gia đình vài chiếc xe đạp để đi lại hằng ngày. Sau đó, ông bán hết xưởng mộc và dốc hết vốn chuyển sang mở rộng các trại nấm. Từ người mua các bịch phôi nấm về treo, năm 1992 ông tiến tới tự làm các bịch phôi nấm và cung cấp cho nhiều hộ dân khác.

“Cũng có thời điểm tưởng chừng tôi trắng tay vì nấm bị sâu bệnh. Cụ thể như giai đoạn 1993-1998, hàng loạt bịch phôi nấm bị sâu bệnh làm hư, tôi cùng nhiều bà con có thử xịt thuốc nhưng không thấm vào đâu, năng suất sụt giảm thấy rõ. Không thể để sạt nghiệp vì sâu bệnh, tôi quyết tâm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu cách trị sâu bệnh cho nấm” - ông Hòe bộc bạch.

Sau một thời gian ròng rã thử nghiệm, với tinh thần quyết tâm, không ngại khó của một người lính, ông Hòe tìm ra cách ngừa sâu bệnh trên phôi nấm bằng cách rất đơn giản: khi cấy giống, nút bông cho nấm, ông hòa thuốc bột với nước rồi phết vào nút bông ở đầu bịch phôi để ngăn không cho sâu bệnh vào bịch nấm.

Cũng từ sự chuyên cần, bền bỉ, sáng tạo, ông Hòe dần tạo dựng được trại nấm bề thế tại ấp Suối Chồn, xã Bảo Vinh. Có thời điểm, trại nấm cho gia đình ông thu nhập quy ra gần 40 lượng vàng mỗi năm, từ đó ông có điều kiện mở rộng thêm nhiều hướng sản xuất sau này.

* Liên kết cùng làm giàu

Xưởng may của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp Long Khánh - nơi đang có trên 30 công nhân lao động là mô hình được ông Hòe cùng các hội viên cựu chiến binh của TX.Long Khánh chung tay gây dựng nên.

Ông Nguyễn Quang Hòe (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm mô hình hợp tác xã với các hội viên cựu chiến binh trong tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Hòe (thứ 2 từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm mô hình hợp tác xã với các hội viên cựu chiến binh trong tỉnh.

Ông Hòe kể lại, khoảng đầu năm 2013, ông nhận thấy đã có rất nhiều người làm nấm, có người thành công, có người thất bại, một số hộ không tìm được nguồn cung vật tư đầu vào hợp lý hay bán sản phẩm không được giá nên cũng chỉ cầm chừng ở mức nhỏ lẻ. Vì vậy, ông Hòe cùng một số bạn bè, đồng đội trong Hội Cựu chiến binh TX.Long Khánh cùng chung tay gầy dựng HTX để làm chủ giá cả đầu vào, đầu ra; đồng thời có thể cùng nhau chia sẻ, tìm hướng giải quyết những lúc nấm gặp dịch bệnh.

HTX nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp Long Khánh do ông Hòe làm giám đốc quy tụ được 11 hộ hội viên cựu chiến binh cùng tham gia vào sản xuất, kinh doanh một số nghề khác nhau như: làm mộc, trồng rau xanh... nhưng trồng nấm vẫn là chủ yếu. HTX tạo việc làm đều đặn cho trên 120 công nhân là con em cựu chiến binh địa phương, người dân tộc thiểu số các xã lân cận với thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/tháng/người.

Hoạt động trong cùng HTX nhưng trại nấm, cơ sở của nhà nào thì nhà đó quản lý, HTX có nhiệm vụ lên kế hoạch sản xuất cho từng thời vụ và định hướng hội viên trồng loại nấm có lợi nhuận cao, ổn định giá vật tư đầu vào. Do mạt cưa dùng cho trồng nấm vào mùa mưa rất đắt, HTX tìm nguồn cung cấp giá tốt cho các hội viên, không để các hội viên bị ép giá vật tư trồng nấm.

Ông Hòe kể lại: “Các hội viên trong HTX đều nhận thấy khi liên kết nhiều ngành nghề sẽ tạo thành mối đoàn kết hỗ trợ nhau trong sản xuất, giúp đỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Cụ thể là phế phẩm của ngành sản xuất này là vật tư đầu vào cho ngành khác và ngược lại, do đó ai nấy đều vui vẻ tham gia và duy trì hoạt động đến ngày nay”.

Từ khi thành lập HTX đến nay, sau khi đã trừ hết chi phí, thu nhập của gia đình ông Hòe lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện tại ông Hòe còn kết nối các cơ sở, nhà hàng, khu du lịch để tìm đầu ra, nguồn vật tư đầu vào cho hội viên HTX sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hưng (hội viên HTX) cho biết HTX đảm bảo đầu ra và đầu vào của sản phẩm nên thu nhập ổn định. Đồng thời, uy tín của HTX cũng giúp bà có thể mở rộng sản xuất, tìm kiếm nhân công dễ dàng hơn. Trên vai trò Giám đốc HTX, ông Hòe đã giúp đỡ hội viên rất nhiều, luôn sát cánh cùng gỡ khó khi hội viên gặp khó khăn. Nhờ đó các hội viên có thu nhập ngày càng cao, đời sống ngày càng khấm khá hơn.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều