Đang lúc bề bộn công việc cuối năm, nhận tập bản thảo đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai của PGS-TS.Phạm Đức Mạnh, tôi "phát hoảng" và hứng khởi...
Đang lúc bề bộn công việc cuối năm, nhận tập bản thảo đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai của PGS-TS.Phạm Đức Mạnh, tôi “phát hoảng” và hứng khởi. Phát hoảng vì dung lượng của tập sách, hứng khởi vì đây là nội dung mong đợi đã lâu.
PGS-TS.Phạm Đức Mạnh nghiên cứu những chữ Hán khắc trên bia mộ của mộ cổ Cầu Xéo (phát hiện ở huyện Long Thành). |
Tập sách hơn 500 trang với 31 chuyên đề liền mạch nhau về lịch sử văn hóa xứ Đồng Nai qua góc nhìn khảo cổ. Mỗi trang viết của tập sách đều chi chít thông số kỹ thuật, ký hiệu chuyên biệt theo văn phong khuôn định của ngành khảo cổ. Người có chuyên môn khảo cổ “yếu bóng vía” cũng khó mà “tiêu hóa” được nội dung tập sách này trong một thời gian ngắn. Tôi là người “ngoại đạo” ngành khảo cổ, sao khỏi “lè lưỡi, lắc đầu?”. Nhưng, ngao ngán chỉ một thoáng thôi, liền theo là cảm xúc trân trọng, thú vị, thỏa mãn cuốn theo dòng mạch văn hóa cuồn cuộn trong các trang sách.
Tác phẩm gây ấn tượng ở chữ “đến với”. Ấy là nẻo lối dẫn đến mục đích, yêu cầu; cũng là xác định tọa độ, tư cách của tác giả và giá trị của tác phẩm. Lâu nay, Đồng Nai xuất bản rất nhiều sách về lịch sử văn hóa Đồng Nai, tôi thường quen với kiểu tư duy “địa phương tròn trịa”, phần lớn đều “của mình, tự mình, vì mình”. Nay, tiếp xúc với góc nhìn từ bên ngoài “đến với” mình: Bằng khoa học, của những nhà khoa học khách quan, ở lĩnh vực khoa học chuyên sâu, với phương pháp khoa học liên ngành, có tầm nhìn khoa học vượt ranh giới hành chính… Thực như là, có ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài soi vào mới thấu hiểu sức sáng của ngọn đèn dầu trong nhà vốn không tỏa rạng dưới chân đèn. Tôi cho rằng, lần này, “đến với” lịch sử văn hóa Đồng Nai, tác phẩm và tác giả “đánh thức” những gì còn ngủ yên, hoặc chưa thức tỉnh. Cốt lõi xuyên suốt của tác phẩm là sự “nối mạch” giữa các nhân tố cấu thành.
Mạch nối đầu tiên kể đến là sự kết nối giữa tác giả - các nhà nghiên cứu - chính quyền địa phương và người dân sở tại. Tự mỗi ai trong mối liên hệ này không thể tạo nên kết quả. Hơn 40 năm dọc ngang với nghề, Phạm Đức Mạnh hầu như để lại dấu ấn không quên trong tất cả các đợt nghiên cứu, khai quật, giải mã các di chỉ, di tích văn hóa trên địa bàn cả nước. Riêng ở Đồng Nai, PGS-TS.Phạm Đức Mạnh không xa lạ, thậm chí, nhiều mặt “chất Đồng Nai” còn đậm nét hơn cả người Đồng Nai. Hầu như, ở đâu có dấu vết văn hóa trên địa bàn Đồng Nai ở đó đều có dấu chân, mồ hôi, chất xám và thông tin tin cậy của nhà nghiên cứu Phạm Đức Mạnh. Ông thuộc lòng những địa chỉ văn hóa ở Đồng Nai, nhiều công trình có tiếng vang, nhiều kiến giải đóng góp quan trọng cho khoa học lịch sử Đồng Nai.
Tác giả tập sách đã nối mạch với đồng nghiệp bằng cách khéo léo, trung thực, khiêm tốn kết nối kết quả nghiên cứu đã có. Tập sách dẫn nguồn và danh tính của hàng trăm tác giả với hơn 400 công trình sách, bài viết đã công bố. Lần theo các trang viết, người đọc dễ nhận ra sự đóng góp của các công trình nghiên cứu đã công bố theo tiến trình thời gian, lĩnh vực nghiên cứu, nội dung tiếp nối và sự bổ sung, bổ khuyết. Rất cảm xúc khi tập sách dẫn ký ức tôi về với các nhà nghiên cứu tâm huyết đã góp sức cho Đồng Nai: Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa, Lê Xuân Diệm, Ngô Văn Lệ, Võ Văn Sen, Đỗ Đình Truật, Nguyễn Văn Long, Đào Linh Côn, Bùi Chí Hoàng, Nguyễn Quốc Mạnh, Chử Văn Tần, Nguyễn Giang Hải, Trịnh Sinh, Nguyễn Sơn Ka, Phạm Thị Ngọc Thảo, Đỗ Ngọc Chiến, Nguyễn Chiến Thắng, Nishi, Mariko; trong đó có những nhà khảo cổ đã hy sinh thân mình trong nghiên cứu ở Đồng Nai (Phạm Văn Kỉnh, Phạm Quang Sơn). Công sức của các nhà nghiên cứu không biết tri ân thế nào cho thỏa đáng. Sự nối mạch đồng nghiệp cũng cho thấy kết quả nghiên cứu lịch sử văn hóa ở Đồng Nai làm xuất hiện một đội ngũ nghiên cứu trẻ được các thầy dìu dắt, truyền nghề như: Lưu Văn Du, Nguyễn Hồng Ân và một số chuyên viên ở Bảo tàng Đồng Nai, Ban Quản lý di tích Đồng Nai.
Giá trị lớn nhất của tập sách là nối mạch các công trình nghiên cứu, các dòng mạch lịch sử văn hóa với nhau hình thành bức tranh tổng thể diện mạo của lịch sử văn hóa xứ Đồng Nai từ thời tiền sử - sơ sử đến cận trung đại. 31 chuyên đề được chọn lọc từ hơn 400 tác phẩm vốn đã được công bố lần lượt ở đây đó, nay được sắp xếp, diễn giải thành tập đại thành, làm rõ tính hệ thống, tính khái quát, tính lịch sử cụ thể để người đọc hiểu rõ hơn, nhận thức đúng hơn, tin cậy hơn về dòng chảy lịch sử văn hóa ở Đồng Nai qua các thời kỳ và các giá trị tiêu biểu.
Ở phần I, với tư duy biện chứng về văn hóa và điều kiện tự nhiên, tác giả Phạm Đức Mạnh đặt lịch sử văn hóa xứ Đồng Nai trong môi trường sinh thái Đông Nam bộ; phân tích có hệ thống các kết quả nghiên cứu về địa chất, địa mạo, thổ nhưỡng, tài nguyên, khí hậu từ thời đầu Đệ Tứ Kỷ (cách đây gần 2 triệu năm), để thấy lịch sử văn hóa không tự nhiên có, hình thành và phát triển mang đặc điểm của môi trường sinh thái tự nhiên. Về nội dung này, tác giả cho thấy ưu thế “địa lợi” tại xứ Đồng Nai - Đông Nam bộ thể hiện ở tính đa dạng, đa nguồn, thuận tiện cho di trú, hội cư, sản xuất và giao lưu. Đó là lý do vì sao các nền văn minh của người tiền sử, sơ sử phát triển dày đặc, liền mạch ở đây.
Những chuyên đề về di tích, di vật tiêu biểu thời tiền sử, sơ sử tưởng là khô khan, “khó gặm”, nhưng lại là các trang viết đem lại bổ ích nhiều nhất. Thời tiền sử, sơ sử thường không được văn bản hóa trong chính sử. Chỉ hình dung qua di tích, di vật khảo cổ. Nhưng di tích, di vật không biết nói. Phải làm sao để chúng cất tiếng nói tin cậy, tường minh, góp phần giải mã các giá trị và hoạt động trong dòng chảy lịch sử văn hóa, ấy mới là kỳ công. Kỳ công này đã được thể hiện rõ trong tập sách.
Đến kết quả nghiên cứu di tích Suối Linh (huyện Vĩnh Cửu) năm 1985 thì hơn 16 ngàn hiện vật gốm và 56 chiếc rìu vai cùng nhiều di vật khác đã cất tiếng nói rõ hơn về văn minh của người xưa, niên đại cách đây khoảng 4-5 ngàn năm. Di tích Suối Linh được nhận diện vừa khẳng định sắc thái bản địa của mình, vừa tiêu biểu cho dòng gốm hạ lưu sông Đồng Nai, vừa thể hiện quan hệ gần gũi với gốm Bình Đa, tương quan với phức hệ Sa Huỳnh.
Quan trọng là, từ hiện vật, di vật không biết nói, tập sách đã nói được những điều sử sách khó nói. Cụ thể là, đã phác thảo đôi nét về bức tranh kinh tế thời tiền sử - sơ sử ở Đông Nam bộ từ thiên niên kỷ thứ II-I trước Công nguyên. Đó là bức tranh nhiều đường nét bằng phức hệ văn hóa tiền sử - sơ sử Đồng Nai, dựa trên nền tảng kinh tế sản xuất nông nghiệp, kinh tế khai thác, sản xuất thủ công, có sự phân công lao động xã hội sơ khai, phân vùng khai thác tiềm năng và biết chuyên môn hóa những ngành thủ công quan trọng. Thời ấy, chủ nhân nền văn minh tiền sử - sơ sử đã biết sản xuất công cụ phổ dụng bằng nham thạch, chế tác công cụ khai thác kiếm sống bằng tre gỗ; biết tạo đồ gốm, luyện kim (đúc đồng, rèn sắt) và dệt vải. Đặc biệt, tính bản địa của nghề sản xuất khuôn mẫu và chế luyện tại chỗ đồ kim loại đã chứng minh Đồng Nai thực sự trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của kỹ nghệ luyện kim đồng thau Đông Nam Á.
Sau khi dẫn giải, chứng minh, tác giả đi đến kết luận khá thuyết phục: “Những di chỉ định cư làm nông nghiệp nương rẫy - chăn nuôi - săn bắn - đánh cá - khai thác vật phẩm thiên nhiên, với sự phân công lao động xã hội - phân vùng sản xuất và khai thác tiềm năng kinh tế tự nhiên và phân hóa hoạt động chuyên môn hóa đơn hoặc đa ngành, là thực thể vật chất của “Hình nổi văn hóa” nơi hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai thời tiền sử - sơ sử. Mô hình NÔNG NGHIỆP - KHAI THÁC - THỦ CÔNG (sản xuất đá - công cụ và trang sức, chế luyện kim loại - đúc đồng và rèn sắt, chế tạo gốm - đồ đựng, bàn xoa và dọi se sợi, dệt vải) và THÔNG THƯƠNG nội và ngoại vùng”.
Ở phần III, tập sách nối mạch giá trị của những di tích, di vật khảo cổ gần với chúng ta hơn. Đó là những giá trị tiêu biểu mà chính tác giả và đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu, giải mã trong nhiều chục năm liền.
Với di tích Thành cổ Biên Hòa, tác giả đã kết hợp nghiên cứu thư tịch, điền dã, thám sát, khai quật, đi đến kết luận thuyết phục để tránh sự ngộ nhận về thực trạng hiện nay; trên cơ sở đó, kiến nghị về giải pháp bảo tồn và phát triển khu di tích này một cách phù hợp, khả thi.
Qua khảo sát, nghiên cứu hệ thống mộ cổ ở Đồng Nai, gồm: Quần thể khu mộ đức ông Trịnh Hoài Đức ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa), cụm 5 mộ ở phường An Bình (TP.Biên Hòa), 40 ngôi mộ ở Cù lao Phố (TP.Biên Hòa), mộ hợp chất ở Cầu Xéo (Long Thành), và một số ngôi mộ hợp chất đã khai quật trước kia, tác giả cho rằng đây là những “nhân chứng” cho một giai đoạn khá dài trong lịch sử hình thành, phát triển Nam bộ hơn 320 năm qua. Ở đó, hàm chứa nhiều giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, quan niệm nhân sinh, hào khí của người phương Nam; thậm chí qua đó có thể tái hiện về đời sống văn hóa của tiền nhân.
Những kiến giải và kiến nghị của PGS-TS.Phạm Đức Mạnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mộ cổ ở Đồng Nai, nhất là khu mộ đức ông Trịnh Hòa Đức và quần thể mộ hợp chất ở Cù lao Phố đang làm thức tỉnh lòng người trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa.
PGS-TS.HUỲNH VĂN TỚI