Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Khuê hợp tác xã

08:07, 02/07/2018

Ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Hợp tác xã (HTX) Lê Lợi đã giúp nhiều người dân của xã có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề làm hàng thủ công xuất khẩu. Người sáng lập HTX là ông Trần Trọng Khuê (thương binh loại 4/4, Bí thư Chi bộ ấp 5).

Ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), Hợp tác xã (HTX) Lê Lợi đã giúp nhiều người dân của xã có việc làm, thu nhập ổn định từ nghề làm hàng thủ công xuất khẩu. Người sáng lập HTX là ông Trần Trọng Khuê (thương binh loại 4/4, Bí thư Chi bộ ấp 5).

Ông Trần Trọng Khuê, Giám đốc Hợp tác xã Lê Lợi, với những sản phẩm đã hoàn thành.
Ông Trần Trọng Khuê, Giám đốc Hợp tác xã Lê Lợi, với những sản phẩm đã hoàn thành.

Ông Khuê cho hay, gia đình ông thoát khỏi cái nghèo và làm giàu chính đáng cũng nhờ nghề đan lát nên ông muốn giúp cho nhiều hộ dân trong vùng, nhất là các gia đình cựu chiến binh, có công ăn việc làm, thêm nguồn thu nhập tranh thủ những lúc nông nhàn.

* Trăn trở tìm hướng đi

Như bao thanh niên cùng trang lứa, năm 1978, ông Trần Trọng Khuê lên đường nhập ngũ, được cấp tốc huấn luyện và đưa vào miền Tây trong đội hình Sư đoàn 339, Quân khu 9, cơ động chiến đấu trên tuyến biên giới từ tỉnh Đồng Tháp đến tỉnh An Giang. Năm 1979, trong lúc chiến đấu ở nước bạn Campuchia, ông bị thương và được đưa về nước, phục viên ngay sau đó. Khi đã bình phục, ông Khuê trở về quê làm nông ở huyện An Dương (TP.Hải Phòng).

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Phú, cho hay ông Trần Trọng Khuê đã làm tốt vai trò của một hội viên cựu chiến binh tại địa phương. Với nghị lực vượt khó, ông tìm tòi ra hướng làm ăn mới, đưa kinh tế gia đình đi đến ổn định, đồng thời giúp cho người dân ở địa phương, con em cựu chiến binh có việc làm ổn định.

Làm lụng quanh năm vất vả nhưng cuộc sống vẫn mãi khó khăn nên năm 1987 ông quyết định vào miền Nam làm kinh tế mới. Ông chọn xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) để lập nghiệp vì theo bạn bè của ông, đây là vùng đất trù phú, cây trồng có năng suất cao mà không cần tốn nhiều công sức, phân bón.

Thế nhưng từ việc trồng trọt cây cà phê, ca cao, vợ chồng ông Khuê làm lụng vất vả suốt nhiều năm trời nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn, trong khi chi phí cho 3 người con ăn học ngày một tăng. Năm 2002, ông cùng một số hộ gia đình nhận thêm việc đan lát tại nhà từ một số HTX ở địa phương khác.

Với ông Khuê, đan lát là nghề truyền thống của gia đình ở quê nên ông tiếp cận rất nhanh và thành thạo. Sản phẩm thủ công đan lát từ bàn tay của ông và vợ đã giúp gia đình có thêm thu nhập ngoài trồng trọt, đủ sức nuôi 3 người con ăn học thành tài. Nhưng khi tay nghề đã khéo, sản phẩm đã đẹp mà vẫn ít đơn đặt hàng, ông Khuê lại tiếp tục loay hoay tìm mối hàng để có nhiều đơn hàng ổn định hơn.

Năm 2013, trong quá trình tham gia một lớp học khởi nghiệp, ông Khuê nhận ra muốn đóng góp cho gia đình, cho địa phương thì chỉ dựa vào sức lực của bản thân không thể làm được mà phải thành lập HTX mới thu hút được nhiều lao động hơn, làm được nhiều điều hơn. Xuất phát từ thực tế địa phương, số lao động nhàn rỗi lúc nông nhàn nhiều nên ông cùng vài người bạn thành lập nên HTX Lê Lợi chuyên hàng thủ công đan lát dây cói, lục bình, dây chuối, mây tre nứa như bây giờ.

* Giúp nhiều người có việc làm

Hiện nay, HTX Lê Lợi có số công nhân lao động lúc nông nhàn từ 70-80 người, lúc bận rộn với vụ thu hoạch thì giảm còn 30-40 người. Phần lớn đều là người nội trợ tranh thủ lúc thưa việc nhà để đan lát. Ông Khuê đã liên kết được với một số HTX cùng ngành nghề ở tỉnh Lâm Đồng, ký được các hợp đồng lớn và quan trọng hơn là tạo thu nhập ổn định cho bản thân cũng như những người lao động trong HTX.

Ông Trần Trọng Khuê, Giám đốc Hợp tác xã Lê Lợi, hướng dẫn người lao động làm sản phẩm mới.
Ông Trần Trọng Khuê, Giám đốc Hợp tác xã Lê Lợi, hướng dẫn người lao động làm sản phẩm mới.

 “Trong nghề này, nếu không liên kết thì rất khó phát triển. Ví dụ trong vòng 30 ngày, số hàng phải giao lên đến 5 container, chỉ với một HTX sẽ rất khó hoàn thành. Nếu chậm trễ, mất uy tín thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của toàn bộ người lao động trong HTX”  - ông Khuê bộc bạch.

Ông Khuê cho hay, có những đơn hàng gấp vào lúc vừa qua tết, vào mùa thu hoạch điều, nhân công thiếu nhiều nhất, ông phải liên kết với các HTX tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) để kịp giao hàng. Ông Khuê chia sẻ: “Đó là thời điểm tôi đau đầu nhất vì thiếu nhân công trầm trọng. Ngay cả khi thu hoạch điều, thu hoạch tiêu, người địa phương còn phải thuê nhân công nơi khác. Lúc đó tôi phải liên kết, chia sẻ đơn hàng với một số HTX bạn và khi họ gặp khó khăn về nhân lực, họ cũng sẽ liên kết với chúng tôi, đây là thời của hợp tác cùng phát triển mà”.

Trước khi có HTX trung bình mỗi nhân công đan lát chỉ kiếm được trên 2 triệu đồng/tháng nhưng nay nhờ ký được các hợp đồng lớn, liên kết với HTX khác mà hàng tháng người lao động của của HTX Lê Lợi có thể kiếm trên 4 triệu đồng.

Đặc biệt, trong số lao động của HTX, có 30% là cựu chiến binh hay con cháu cựu chiến binh ở địa phương. Những người này tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào mùa hè hay khi đã thu hoạch, bán nông sản xong để đến HTX Lê Lợi nhận mẫu mã, nguyên vật liệu về nhà đan.

Là người lao động của HTX Lê Lợi từ ngày vừa thành lập, ông Nguyễn Văn Tú (ngụ ấp 5, xã Nam Cát Tiên) đều đặn nhận mẫu mã, nguyên vật liệu từ HTX đem về đan. Ông cho biết, việc đan lát giúp cho gia đình ông có thêm thu nhập ngoài việc trồng trọt khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Ông Tú bộc bạch: “Hầu hết người dân vùng này đều từ miền quê khác chuyển đến, rất cần cù, chịu khó. Nếu chỉ sống dựa vào nghề nông, cuộc sống cũng khó khăn. Mà ở vùng sâu, vùng xa muốn làm thêm gì cũng khó. May mà có HTX của ông Khuê, bà con trong vùng có điều kiện kiếm thêm thu nhập để lo cho các con học hành hoặc mua sắm thêm cho gia đình, cuộc sống cũng ổn định, khấm khá hơn”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều