Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đưa các anh về

08:07, 26/07/2018

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau thương, mất mát khi chưa tìm được người thân, đồng chí, đồng đội vẫn khắc khoải trong lòng người còn sống. Ai cũng mong muốn đưa các anh về với người thân,...

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau thương, mất mát khi chưa tìm được người thân, đồng chí, đồng đội vẫn khắc khoải trong lòng người còn sống. Bên cạnh những cuộc tìm kiếm có quy mô lớn thì hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ có quy mô nhỏ, lẻ của các gia đình liệt sĩ vẫn là hành trình không mệt mỏi với mong muốn đưa các anh về với người thân, với nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Bài 1: Vẫn mãi đi tìm ...

Từ thông tin rất mờ mịt ghi trên giấy báo tử và lời kể của đồng đội các liệt sĩ, nhiều gia đình đã bỏ nhiều thời gian, công sức, có khi đến hàng chục năm, mới lần tìm ra được nơi các liệt sĩ nằm lại.

Ông Vũ Bộ bên phần mộ em trai mình - liệt sĩ Vũ Bá Hộ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh
Ông Vũ Bộ bên phần mộ em trai mình - liệt sĩ Vũ Bá Hộ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh

Nhận giấy báo tử của em trai từ năm 1976 nhưng mãi đến 19 năm sau, ông Vũ Bộ (86 tuổi, ngụ xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mới có được thông tin về nơi chôn cất em trai ông - liệt sĩ Vũ Bá Hộ, quê TP.Hà Nội, hy sinh năm 1973 ở tỉnh Gia Lai. Và cũng phải đợi thêm 23 năm nữa, gia đình ông Bộ mới có thể đưa phần mộ liệt sĩ Hộ từ Nghĩa trang liệt sĩ Gia Lai về an táng lại ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai.

* Từ dòng tin mờ mịt...

Đặt bó hoa lên mộ em trai mình ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, ông Bộ nói khẽ: “Hôm nay anh lại đến thăm em đây” rồi im lặng hồi lâu. Ông kể, năm 1971 liệt sĩ Vũ Bá Hộ lên đường nhập ngũ khi đang là sinh viên năm 4 của Trường đại học lâm nghiệp Hà Nội. Ở chiến trường, liệt sĩ Hộ vẫn gửi thư về cho gia đình nhưng đến cuối năm 1973 thì bặt tin. Mãi đến năm 1976, gia đình mới nhận được giấy báo tử rằng liệt sĩ Hộ đã hy sinh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Nhu cầu gia đình liệt sĩ khắp nơi trên cả nước mà phần lớn là ở các tỉnh phía Bắc muốn tìm kiếm phần mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ tại Đồng Nai rất lớn. Trung bình hằng năm có khoảng 30-40 trường hợp đến yêu cầu tra cứu hồ sơ liệt sĩ để tìm mộ người thân theo tin báo từ nhiều nguồn mà họ có được”.

Ông cho biết giấy báo tử chỉ ghi tên, tuổi, ngày nhập ngũ, còn đơn vị thì mã hóa bằng mật danh, nơi hy sinh thì ghi mặt trận phía Nam, mà miền Nam bao la như thế gia đình ông Bộ không biết tìm nơi nào. Sau này, khi gia đình ông chuyển hết vào TP.Biên Hòa sinh sống, ông cũng không nắm được thêm thông tin nào về em trai.

Khi hòa bình lập lại đến suốt mười mấy năm ròng rã, đất nước khó khăn, đi lại không dễ như bây giờ, muốn trao đổi thông tin với nhau chỉ có cách viết thư nên ông Bộ gần như mất hy vọng. Đầu những năm 1990, khi thấy Báo Cựu chiến binh đăng các dòng tin về mộ liệt sĩ đang ở các nghĩa trang khắp cả nước, ông mới nhen lên hy vọng và quyết định đặt báo dài hạn với niềm tin sẽ tìm ra mộ em trai.

Cũng giống như gia đình ông Bộ, ông Nguyễn Văn Tuyển (44 tuổi, ngụ xã Hố Nai, TP.Biên Hòa) là con út của liệt sĩ Nguyễn Văn Lăng (quê tỉnh Thái Bình, nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1975). Cũng mất gần 20 năm trời tìm kiếm, thăm hỏi khắp nơi, ông mới tìm được mộ cha mình. Ông Tuyển kể gia đình ông nhận được giấy báo tử cũng không ghi rõ nơi hy sinh, muốn hỏi thăm những người cùng lên đường vào chiến trường với cha thì không biết hỏi ai.

 “Nhà lúc đó nghèo lắm, vả lại đi lại khó khăn, có ai nghĩ đến việc vào tận miền Nam để tìm mộ cha. Mà dù có đi được thì cũng biết tìm ở đâu. Đã nhiều lần thấy mẹ lặng lẽ khóc một mình trước tấm hình của cha nên tôi quyết tâm khi lớn lên sẽ lên đường vào Nam tìm hài cốt cha đưa về cho mẹ yên lòng. Cho đến năm 1992, gia đình mới gặp được người đồng đội của cha và báo tin rằng ông hy sinh ở tỉnh Đồng Nai” - ông Tuyển cho biết.

* …đến hành trình gian nan

Từ hành trình tìm em trai của ông Vũ Bộ mới thấy việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất gian nan. Nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, đồng chí, đồng đội của liệt sĩ và người thân không có sự quyết tâm, kiên trì thì khó tìm được mộ liệt sĩ sau hàng chục năm bặt vô âm tín.

Ông Bộ kể, ông may mắn khi tìm thấy mộ em trai mình từ năm 1995 sau vài năm liên tục theo dõi tin nhắn tìm đồng đội trên Báo Cựu chiến binh. Nhưng để đưa được liệt sĩ Hộ về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai cũng là hành trình lắm gian nan khi dòng tin trên báo chỉ có tên một liệt sĩ gần giống tên em ông đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Theo trực giác, ông tin rằng đó là người em mà ông tìm kiếm suốt 19 năm qua nên ông Bộ viết thư báo cho người cung cấp thông tin và lên tận Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai để tìm hiểu nhưng vẫn thấy không chính xác tên liệt sĩ Vũ Bá Hộ.

Quyết không bỏ cuộc, ông Bộ lại tìm đến các cơ quan chức năng và xin xem được bản ghi chép gốc về phần mộ của liệt sĩ này thì thấy khớp quê quán, tên cha mẹ, năm sinh, chỉ có quá trình ghi chép bị sai nên tên liệt sĩ Hộ lúc khắc lên bia bị sai chữ lót. Lúc ấy ông đã gục xuống ôm lấy phần mộ em trai mà khóc vì sau bao nhiêu năm mới tìm lại được hài cốt của người em trai đã hy sinh hơn 20 năm trước.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Tuyển tuy nhận được tin báo sớm hơn nhưng vì điều kiện khó khăn mà phải 1 năm sau đó, mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Lăng mới được tìm thấy tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành vào năm 1993. Ông Tuyển chia sẻ: “Tôi vào TP.Biên Hòa lập nghiệp từ năm 1996, hơn 20 năm sống ở Đồng Nai tôi thường xuyên lên thắp nhang cho cha. Giờ này khi điều kiện kinh tế ổn định, anh chị em tôi mới quyết định đưa cha về quê cho đoàn tụ cùng tổ tiên vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên không phải gia đình liệt sĩ nào cũng may mắn có thể biết được người thân đang nằm ở đâu, nhiều gia đình suốt nhiều năm tìm kiếm vẫn bặt tin tức. Vì nhiều nguyên nhân như nơi chôn cất ngày xưa nay đã thay đổi địa hình, người chôn cất, đồng đội năm xưa đã qua đời... nhưng không vì thế mà họ bỏ cuộc.

Đăng Tùng

Bài 2: Đồng hành cùng gia đình liệt sĩ

Tin xem nhiều