Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện đằng sau những cây cầu dân sinh

09:07, 03/07/2018

Nhiều người dân ở khu vực đá Ba Chồng (huyện Định Quán) rất quý mến bà Lương Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán. Nhờ sự kết nối của bà Kỳ, nhiều hộ gia đình nghèo đã được giúp đỡ,...

Nhiều người dân ở khu vực đá Ba Chồng (huyện Định Quán) rất quý mến bà Lương Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán. Nhờ sự kết nối của bà Kỳ, nhiều hộ gia đình nghèo đã được giúp đỡ, nhiều vùng quê có sông, suối đi lại dễ dàng hơn vì có những cây cầu bê tông chắc chắn.

Bà Lương Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán, cùng người dân đi trên chiếc cầu bê tông ở tổ 4, ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Định do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động mạnh thường quân xây dựng.
Bà Lương Thị Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán, cùng người dân đi trên chiếc cầu bê tông ở tổ 4, ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Định do Hội Chữ thập đỏ huyện vận động mạnh thường quân xây dựng.

Gần 6 năm nay, người dân ở 2 ấp 8, 9 xã Gia Canh đã không còn lo lắng vì không còn phải đi qua cầu ván tạm bợ bắc ngang con suối sâu nối liền 2 ấp khó khăn nhất trong xã. Từ năm 2012, với sự vận động của bà Kỳ, cùng sự góp sức của người dân, cây cầu bê tông rộng 2m, dài 6m đã được xây dựng chắc chắn.

* Nối những bờ vui

Bà Kỳ nhớ lại, hồi đó lần nào dẫn đoàn cán bộ Hội Chữ thập đỏ của huyện đi qua chiếc cầu này để khảo sát nhà tình thương, cứu trợ dân nghèo, bà cũng thấp thỏm lo âu, thương người dân nơi đây đi lại quá khó khăn. Nhất là vào mùa mưa lũ, nước dưới suối dâng cao cuồn cuộn, cây cầu ván chòng chành, tạm bợ nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm để qua suối về nhà hoặc đi làm rẫy.

6 tháng đầu năm 2018, Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán vận động được trên 9 tỷ đồng. Hội đã kịp thời hỗ trợ cho gần 58 ngàn lượt người thông qua các hoạt động: cứu trợ và trợ giúp nhân đạo (trị giá hơn 7 tỷ đồng); chăm sóc sức khỏe (gần 1,8 tỷ đồng)... Trong năm 2017, Hội đã huy động nguồn lực xã hội được trên 22 tỷ đồng triển khai các hoạt động như: khám bệnh nhân đạo, xây nhà tình thương, cầu nhân ái, cứu trợ... 

Thấy vậy, bà Kỳ vận động mạnh thường quân hỗ trợ 138 triệu đồng, cộng thêm đóng góp của người dân ở đây để xây một cây cầu bê tông (đi vào hoạt động từ tháng 9-2012) trong niềm vui vô bờ bến của người dân ấp 8, ấp 9 xã Gia Canh.

Từ đó, mỗi lần đi qua những chiếc cầu dân sinh xập xệ tại các ấp vùng sâu, vùng xa tại xã: Thanh Sơn, La Ngà, Ngọc Định... bà Kỳ lại không khỏi trăn trở, băn khoăn khi còn nhiều cây cầu tạm bợ bắc ngang qua suối. Cứ nghe người dân kể lại có nhiều người té ngã thương vong khi vội vã qua cầu là bà thấy cần phải làm gì đó giúp cho dân.

Như câu chuyện về cầu ván Căm Xe mục nát ở ấp Hòa Đồng (xã Ngọc Định) từng cướp đi sinh mạng của một em học sinh và cuốn trôi rất nhiều nông sản của nông dân đã khiến bà Kỳ không khỏi xót xa. Bà đã vận động bạn bè, những tấm lòng hảo tâm để xây dựng chiếc cầu bê tông rộng 2m, dài 6m giúp người dân trong vùng đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, thuận tiện hơn.

Tuy nhiên theo bà Kỳ, việc vận động xây dựng cầu dân sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng vì kinh phí xây cầu lên đến hàng trăm triệu đồng nên phải vận động nhiều đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm, trong khi trên địa bàn huyện không có nhiều doanh nghiệp. Những lúc đó, đòi hỏi người đi vận động phải kiên trì, biết cách thuyết phục, không được nản, vì nản sẽ khó huy động đủ nguồn lực xây một cây cầu mới.

Quá trình vận động để xây chiếc cầu dân sinh tổ 4, ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định) là một ví dụ. Cây cầu này đã nhiều lần lùi ngày khởi công do chưa tìm được nhà tài trợ. Mãi đến tháng 9-2017, chiếc cầu sắt rộng 2m, dài 10m, kinh phí trên 500 triệu đồng mới được khởi công. Sau đó, Hội Chữ thập đỏ huyện còn vận động mạnh thường quân ủng hộ thêm xi măng, đá và người dân thì góp tiền, công lao động làm đoạn đường bê tông nối từ đường chính vào cầu giúp tuyến đường này trở nên khang trang, sạch đẹp và đi lại an toàn hơn.

* Đi đầu trong các phong trào

Đến nay, Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán đã đứng ra vận động mạnh thường quân xây được 10 cây cầu dân sinh (tổng kinh phí khoảng 3 tỷ đồng) cho người dân tại các ấp vùng sâu, vùng xa tại các địa phương không có nguồn kinh phí xây dựng. Để vận động được số tiền trên, bà Lương Thị Kỳ là một trong những thành viên tích cực đi gặp gỡ, vận động nhiều đơn vị, cá nhân đóng góp kinh phí xây cầu.

Bà Lương Thị Kỳ (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán cùng đoàn y, bác sĩ thiện nguyện Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân.
Bà Lương Thị Kỳ (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán cùng đoàn y, bác sĩ thiện nguyện Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Bà Kỳ cho biết lý do Hội Chữ thập đỏ huyện mạnh dạn đứng ra vận động mạnh thường quân xây được nhiều cây cầu dân sinh là do Hội chủ động xin chủ trương của huyện và xây dựng kế hoạch vận động, thời gian, cách thức thực hiện cụ thể. Nhờ vậy, nhiều cây cầu dân sinh hoàn thành đúng tiến độ, còn Hội Chữ thập đỏ và bà thì không bị “điều tiếng” vươn tay quá dài.

Bên cạnh đó, bà Kỳ cũng luôn quan tâm, hỗ trợ những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Quyên (70 tuổi, ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định) bị khiếm thị đã được bà Kỳ vận động mạnh thường quân giúp kinh phí, cho đất để xây dựng căn nhà tình thương. Từ đó, bà Quyên và con gái được Hội hỗ trợ vay vốn giảm nghèo mua 5 con dê và 1 con bò sinh sản để nuôi. Đến nay, mẹ con bà Quyên đã sắp thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán chỉ có 5 nhân sự, trong khi công việc của Hội rất nhiều, bà Kỳ và các thành viên của Hội gần như không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Nhờ sự năng động, nhiệt tình của các thành viên mà Hội đã vận động được nguồn kinh phí khá lớn để triển khai các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

Ông Nguyễn Mạnh Khỏe, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Định Quán, chia sẻ số tiền mà Hội vận động được càng nhiều thì Hội càng nỗ lực hành động để số tiền này đến tay người được giúp đỡ càng sớm, kịp thời và ý nghĩa. Bà Kỳ không ngần ngại hối thúc, động viên, kêu gọi mọi người càng tâm huyết, trách nhiệm chia sẻ với người nghèo thì uy tín Hội càng lớn mạnh, càng có nhiều nguồn lực hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ hơn.

“Làm công tác Hội Chữ thập đỏ không chỉ vất vả khi đi vận động mạnh thường quân mà còn đau đầu để tính toán xem làm sao sử dụng nguồn quỹ này cho đúng mục đích, đúng địa chỉ. Đây chính là lý do kinh phí Hội Chữ thập đỏ huyện vận động được hằng năm cũng kha khá vì được nhiều mạnh thường quân tin tưởng và đồng hành cùng Hội qua nhiều năm” - bà Kỳ bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều